18:47 EDT Thứ sáu, 03/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 37

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 32


Hôm nayHôm nay : 10018

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 27214

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23036247

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nỗi Lòng Cha Mẹ

Nỗi Lòng Cha Mẹ

“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” (II Cô-rinh-tô 6:14).

Xem tiếp...

NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT

Thứ tư - 14/03/2018 21:19
NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT

NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT

Kính thưa quý thính giả, Ai trong chúng ta mà không một lần khóc. Chúng ta khóc khi buồn, khi khổ sở, khi cô đơn. Chúng ta khóc khi cùng đường, khi bất lực, khi đớn đau trong tuyệt vọng.



              Kính thưa quý thính giả,

              Ai trong chúng ta mà không một lần khóc. Chúng ta khóc khi buồn, khi khổ sở, khi cô đơn. Chúng ta khóc khi cùng đường, khi bất lực, khi đớn đau trong tuyệt vọng. Chúng ta khóc khi hối hận, khi lầm lỡ, khi trượt ngã trên đường đời. Chúng ta cũng khóc khi vui sướng, khi cảm xúc hạnh phúc dâng trào. Khóc khi chia tay. Khóc trong luyến nhớ. Khóc khi hội ngộ tương phùng.

              Người Việt chúng ta phải trải qua nhiều cuộc chiến với nhiều chia lìa, nhiều tang tóc và do vậy, cuộc sống cũng đầm đìa trong nhiều nước mắt. Thanh niên sinh ra thời chinh chiến, phải “xếp bút nghiêng”, rời mái ấm, rời xóm làng, rời người yêu dấu, lên đường theo “việc đao binh”, đã không ngăn được dòng nước mắt trong giây phút tiễn đưa:

              Tùng tùng trống đánh ngũ liên,
              Chân bước xuống thuyền, nước mắt như mưa.

              Trong nhạc phẩm “Giọt Mưa Trên Lá”, nhạc sĩ Phạm Duy đã dùng hình ảnh của những giọt mưa để nói về những giọt nước mắt của người Việt Nam trong một giai đoạn chinh chiến khốc liệt.

              Đó là giọt nước mắt của người mẹ già mất con trong cuộc chiến:

              Giọt mưa trên lá, nước mắt mẹ già,
              Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá.

              Đó là giọt nước mắt mừng rỡ sau khi tàn cuộc chiến, vợ đã gặp lại chồng:

              Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà,
              Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về.

              Còn nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nói về dòng nước mắt tiếc thương của người quả phụ tuổi còn đôi mươi:

              Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân,
              Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh, cho anh.

              Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nói về những giọt nước mắt tủi hờn, bất lực khi đứng trước những nhiễu nhương, tao loạn của thời cuộc:

              Gượng nụ cười giọt lệ trên môi,
              Nhìn đất nước tơi bời một thời em có hay.

              Văn hào Nguyễn Du mô tả những giọt nước mắt cay đắng, trong một hoàn cảnh đầy éo le:

              Cùng chung một tiếng tơ đồng,
              Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm.
              Giọt châu lã chã khôn cầm,
              Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương.

              Còn bài tình ca “Giọt Nước Mắt Ngà” chan chứa những giọt nước mắt tiếc nuối không nguôi cho mối tình đầu đời tan vỡ:

              Đau thương xé môi gầy mà lòng vẫn mơ say,
              Ôi giọt nước mắt ngà cho cuộc tình đầu tiên.

              Quý thính giả thân mến,

              Khóc là một ngôn ngữ, chỉ riêng con người mới có, để biểu lộ những xúc cảm trong tâm hồn. Những giọt nước mắt, thực ra không phải chỉ thuần túy là nước, nhưng là một dung dịch gồm có nước, dầu, các chất protein và những chất enzyme để khử vi trùng, vi khuẩn, làm trơn và bảo vệ đôi mắt chúng ta. Nước mắt tiết ra đều đặn từ các tuyến nhỏ xíu và xốp, nằm ở trong mí mắt. Mỗi lần chúng ta nháy mắt, mí mắt nhờ nước mắt tiết ra mà quét một lần cho sạch mắt. Sau khi được sử dụng, nước mắt được thải ra bằng các lỗ nhỏ trong hai mí mắt, đi theo một rãnh nhỏ xuống mũi và họng. Nước mắt giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ đôi mắt chúng ta, vì nước mắt làm ướt mắt, rửa mắt, làm trơn nhãn cầu và chống lại bụi bặm từ ngoài vào mắt. Các tế bào mắt lúc nào cũng cần được “ngâm” trong một dung dịch của nước mắt, giàu nước và oxygen để có thể tồn tại được. Một người nháy mắt từ hai giây đến mười giây một lần, và chỉ trong cái nháy mắt ngắn ngủi đó, mí mắt đã có thể quét trên con mắt cái chất “nước mắt” kỳ diệu để bảo vệ và gìn giữ đôi mắt chúng ta. Nước mắt còn là một chất khử trùng hiệu nghiệm, có thể làm tê liệt khoảng 95% vi trùng trong mắt trong vòng từ 5 đến 10 phút. Những ai bị khô mắt, bị ngứa mắt, đỏ mắt, mới thấy nước mắt thật là quan trọng cho sức khỏe cho “đôi cánh cửa sổ của tâm hồn”.

              Một điều kỳ diệu khác là trong khi các động vật sống trên cạn đều có tiết ra nước mắt để bôi trơn mắt, nhưng không động vật nào biết khóc cả, chỉ duy con người mới biết khóc và đổ những giọt lệ xúc cảm. Tuy vậy, chỉ duy có một trường hợp ngoại lệ mà chưa ai hiểu tại sao cá sấu lại đổ lệ trong khi làm thịt con mồi; do vậy chúng ta thường nghe câu “nước mắt cá sấu” để mô tả những cảnh khóc lóc giả vờ. Các nhà tâm lý khẳng định nhờ khóc mà một người có thể giải tỏa nhiều u sầu, ẩn khúc trong lòng, hay như chúng ta thường nghe “khóc làm vơi đi nỗi sầu”. Những độc tố sản sinh trong cơ thể khi một người bị đè nén về tâm tư hay tình cảm, sẽ theo những giọt nước mắt xúc cảm xúc mà thoát ra ngoài, khiến cơ thể được dễ chịu trở lại. Những giọt nước còn giúp cơ thể giảm chất manganese là hóa chất ảnh hưởng đến tâm trạng hay tính khí của một người.

              Thực ra, cho đến nay, các nhà khoa học cũng vẫn chưa hiểu biết trọn vẹn tại sao những giọt nước mắt xúc cảm có thể giúp giảm thiểu những đè nén nặng trĩu trong tâm trí, làm vơi đi những nỗi đau diệu vợi trong tâm hồn, nhưng một điều chúng ta có thể khẳng định; đó là những giọt nước mắt lăn dài trên má, thấm trên vành môi, mặn mặn trên chót lưỡi, là một tặng phẩm quý giá từ Thiên Chúa, vì Ngài biết chúng ta rất cần những giọt nước mắt để giúp vơi đi phần nào những đau thương, mất mát không sao tránh khỏi trong cuộc đời.

              Thiên Chúa trân quý những giọt lệ đầy thương cảm của mỗi chúng ta, như vầng thơ của Đa-vít có diễn tả:

              Chúa đếm các bước đi qua đi lại của tôi:
              Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa,
              Nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao? (Thi Thiên 56:8)

              Kính thưa quý thính giả,

              Thiên Chúa không những ban cho chúng ta giọt nước mắt yên ủi, trân quý những giọt lệ, mà Ngài cũng đã san sẻ những thương đau, cảm thông với nỗi niềm của con người và cùng từng khóc với mỗi chúng ta nữa. Thật vậy, cách đây hơn 2000 năm, Thiên Chúa Ngôi Hai đã tự nguyện giáng trần trong một con người mang tên Giê-xu. Đấng Tạo Hóa đã tự hạ mình để mang lấy thân thể con người là vật thọ tạo, để cùng nếm trải sự buồn bực, cùng cảm thông với sự yếu đuối của loài người và cùng khóc với chúng ta khi đứng trước những đau thương, mất mát trong cuộc sống.

              Kinh Thánh kể lại rằng, một ngày kia Chúa Giê-xu nghe tin người bạn thân La-xa-rơ bị bệnh rất nặng. Khi Ngài đến nơi thì La-xa-rơ đã chết và được an táng bốn ngày rồi, chỉ có hai chị em Ma-thê và Ma-ri tiếp Ngài. Khi đến gần Chúa Giê-xu, Ma-ri quỳ dưới chân Ngài, than thở: “Thưa Chúa, nếu Chúa đến ngay hôm ấy, thì anh con khỏi chết!” Chúa Giê-xu thấy Ma-ri khóc, những người Do-thái đi theo cô cũng khóc, nên tinh thần Ngài xúc động. Chúa hỏi: “Các con an táng La-xa-rơ tại đâu?” Họ thưa: “Kính mời Chúa đến viếng mộ!” Chúa Giê-xu khóc. (Giăng 11:32-35)

              Tại sao Chúa Giê-xu khóc? Vì mặc dù Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng là một con người bằng xương, bằng thịt, với bao tình cảm vui buồn như mỗi chúng ta, làm sao Ngài không khóc được khi vừa mất đi một người bạn thân. Thế nhưng, đây vẫn chưa phải là lý do chính tại sao Chúa Giê-xu khóc, vì trên đường đi đến mộ La-xa-rơ, Ngài đã dự định để kêu La-xa-rơ sống lại từ cõi chết. Lý do khiến Chúa Giê-xu xúc động mà khóc, đó là khi Ngài thấy nỗi đau đớn trên khuôn mặt và dòng nước mắt thương tiếc anh mình của Ma-ri. Ngài khóc vì chứng kiến những người thân thương khóc La-xa-rơ và Ngài cảm thông với nỗi lòng của họ. Ngài khóc cho nhân thế không thể thoát được cảnh “sinh ly tử biệt” bùi ngùi. Ngài khóc vì số phận con người, vì đã phạm tội với Đấng tạo dựng ra mình, nên theo luật định, ai cũng phải chết, để rồi bị đoán xét, bị chia lìa, bị cách xa vĩnh viễn với nguồn phước hạnh.

              Sau nhiều tháng ngày loan báo về chương trình cứu rỗi của Thượng Đế để đem loài người ra khỏi bản án phạt đời đời, Chúa Giê-xu cuối cùng đã đi vào thủ đô Giê-ru-sa-lem. Ngài ngồi trên lưng lừa, tiến vào thủ đô, đoàn dân đông tung hô chào đón hai bên vệ đường; có nhiều người trải áo mình dưới chân Ngài và chặt nhánh cây để trải đường. Trong khi được chúc tụng và chào đón như một vị anh hùng như vậy, lẽ ra Chúa Giê-xu phải thật vui vẻ và sung sướng, thì thật lạ thay, Chúa Giê-xu lại bùi ngùi khóc và nói với thành Giê-ru-sa-lem: “Ước gì ngày nay ngươi biết điều gì mang đến hòa bình cho ngươi. Nhưng bây giờ điều ấy đã bị che khuất khỏi ngươi. Sẽ đến lúc các kẻ thù ngươi xây tường, vây hãm ngươi khắp bốn bên. Chúng sẽ tiêu diệt ngươi luôn cả dân cư ngươi, và rồi sẽ không có một hòn đá nào nằm chồng lên một hòn đá khác. Tất cả những biến cố đó sẽ đến, chỉ vì ngươi không biết lúc Thượng Đế đến cứu ngươi.” (Lu-ca 19:42-44).

              Tại sao Chúa Giê-xu khóc? Ngài được thủ đô Giê-ru-sa-lem đón tiếp như một vị hoàng đế đầy uy quyền vinh hiển kia mà? Ngài khóc vì biết trước rằng thủ đô Giê-ru-sa-lem sẽ chẳng còn tin Ngài, sẽ chẳng thèm nghe lời Ngài và họ sẽ phủ nhận Ngài chính là Thượng Đế đến từ trời để cứu họ. Ngài khóc vì biết trước rằng, chẳng bao lâu sau đó, họ sẽ hùa theo các nhà lãnh đạo tôn giáo, mà la hét lên rằng: “Đóng đinh hắn đi! Đóng đinh hắn đi!”

              Sau buổi ăn chung với các môn đệ trong ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giê-xu vào vườn Ghết-sê-ma-nê. Tại đây, trong khi các môn đệ yên nghĩ, Ngài đã tìm một nơi thanh vắng để cầu nguyện một mình vì biết trước cái chết thảm thương đang chờ sẵn. Kinh Thánh ký thuật lại rằng lòng Ngài vô cùng buồn bã. Trong cơn đau khổ tột cùng, Chúa Giê-xu càng cầu nguyện thiết tha, mồ hôi Ngài rơi xuống đất như những giọt máu. Ngài cầu nguyện và lớn tiếng kêu khóc cùng Thiên Chúa xin cho Ngài thoát được cái chết đau thương, nhưng đồng thời Ngài cũng khẩn cầu xin Thiên Chúa ban cho mình nghị lực để vâng lời, chấp nhận cái chết trên cây thập tự, làm giá chuộc tội cho muôn người.

              Chúa Giê-xu đã khóc lóc thật thảm thiết trong những giây phút cuối cùng, khi phải đối diện với cái chết nhục nhã và Ngài cũng đã khóc thật nhiều khi nghĩ đến cả nhân loại sẽ bị đùa vào cái chết đời đời, nếu Ngài không chịu hy sinh chịu chết, đền nợ tội thế cho mọi người, trong đó có quý vị và tôi. Chính dòng nước mắt thương cảm này đã khiến Con Trời bằng lòng gánh cây thập tự, bước lên đồi Gô-gô-tha, bị đóng đinh, bị treo thân cho đến chết, để cho ai tin nhận vào sự chết thế đó, được Thiên Chúa xóa bôi mọi vi phạm, được phục hòa, được trở lại làm con yêu dấu của Đấng Tối Cao. Thật, Chúa Cứu Thế Giê-xu là người đại diện tối cao nhưng lại đầy cảm thông với chúng ta.

              Quý thính giả thân mến,

              Nếu đôi khi, chúng ta bật khóc, bạn hãy nhớ rằng Thiên Chúa đã tặng cho chúng ta những giọt nước mắt để yên ủi, để làm vơi đi những nỗi sầu nhân thế không thể tránh được trong cuộc đời.

              Nếu đôi khi, những giọt nước mắt thấm mặn trên vành môi, bạn hãy nhớ rằng, Con Trời vì yêu chúng ta mà đã giáng hạ, trở thành một con người, để cảm thông, bùi ngùi, cùng khóc với chúng ta và rồi cuối cùng đã chịu chết thảm thương trên cây thập tự, lãnh nợ tội thế cho mỗi người, trong đó có bạn và tôi.

              Nếu đôi khi, giọt buồn có chan chứa, bạn hãy nhớ rằng Thiên Chúa đang cất giữ giọt sầu của bạn trong ve của Ngài.

              Nếu đôi khi, nước mắt tràn mi, bạn hãy nhớ rằng, khi bạn đã bằng lòng quay trở lại với Ngài qua dòng huyết cứu rỗi của Cứu Chúa Giê-xu, thì một ngày không xa, sẽ không còn những giọt nước mắt đau buồn trong đôi mắt bạn nữa, như lời hứa có chép trong Kinh Thánh: “Vì Chiên Con ở giữa ngai sẽ chăn giữ và hướng dẫn họ đến các suối nước sự sống. Đức Chúa Trời sẽ lau sạch tất cả các giọt lệ nơi mắt họ” (Khải Huyền 17:7)

              Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Trân
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: chúng ta

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn