21:18 EDT Thứ sáu, 03/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 36

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 32


Hôm nayHôm nay : 10018

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 28508

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23037541

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nỗi Lòng Cha Mẹ

Nỗi Lòng Cha Mẹ

“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” (II Cô-rinh-tô 6:14).

Xem tiếp...

Hãy Chúc Phước Cho Nhau

Thứ hai - 29/10/2018 20:40
Hãy Chúc Phước Cho Nhau

Hãy Chúc Phước Cho Nhau

Kính thưa quý thính giả, Có một cậu học sinh lớp tám kia thật là ngỗ nghịch đến nỗi ông hiệu trưởng thầm mong rằng nó sẽ không trở lại trong năm tới để học lớp chín ở trường này nữa.



                  Kính thưa quý thính giả,

                  Có một cậu học sinh lớp tám kia thật là ngỗ nghịch đến nỗi ông hiệu trưởng thầm mong rằng nó sẽ không trở lại trong năm tới để học lớp chín ở trường này nữa. Tiếc thay, ngay ngày khai trường đầu năm, ông hiệu trưởng lại thấy đứa học sinh ngỗ nghịch kia lù lù xuất hiện. Sau đó, cậu học sinh này được mời vào văn phòng để gặp một chuyên viên tư vấn. Sau buổi gặp mặt với chuyên viên tư vấn này, cậu học sinh sau đó bỗng nhiên học hành thật xuất sắc, cuối năm lãnh được phần thưởng danh dự, không chỉ trong thành tích học tập mà cả trong hạnh kiểm nữa. Chuyên viên cố vấn này đã nói gì với cậu học sinh này?

                  Một viên chức kia làm việc tại phi trường Texas, Hoa Kỳ đang gặp trở ngại về thái độ làm việc của một nhân viên dưới quyền mình. Dù viên chức này đã nhắc nhở, thậm chí hăm he, nhưng người nhân viên vẫn tỏ ra chểnh mảng và bê trễ trong việc. Nhưng một ngày kia, viên chức này đã nói một vài lời nào đó với người nhân viên này, và ba ngày sau đó, nhân viên này đã trở thành một người làm việc thật siêng năng và gương mẫu. Thậm chí nhân viên này còn tới tìm kiếm người phụ trách để xin được lãnh thêm một số công việc khác nữa. Viên chức kia đã nói những lời gì khiến người nhân viên biếng nhác đã hoàn toàn thay đổi, trở thành một nhân viên làm việc siêng năng gương mẫu như vậy?

                  Một vị giáo sư nọ đang đi trong khuôn viên trường đại học, bỗng chú ý đến một sinh viên kia với một khuôn mặt thật âu sầu thảm não. Vị giáo sư bèn đi đến, làm quen và bắt đầu nói chuyện với người sinh viên này. Ba ngày sau đó, anh sinh viên nọ, tìm đến văn phòng của vị giáo sư, cho ông biết rằng, trước giây phút được gặp gỡ và được nghe ông khuyên bảo, anh thật là nản lòng, là lúc anh đang trên con đường về nhà trọ, dự định thôi học, thu xếp đồ đạc để trở về quê quán. Nhưng bây giờ thì anh quyết định tiếp tục bậc đại học để chuẩn bị cho tương lai của mình. Vậy thì vị giáo sư kia đã nói những lời gì khiến người sinh viên này từ bỏ quyết định thôi học của mình?

                  Quý thính giả thân mến,

                  Trong cuộc đời thật, có thật nhiều câu chuyện thật, nói về những biến đổi thật lớn lao, những thay đổi thật kỳ diệu trong đời sống nhiều người, qua những lời nói mà họ được nghe.

                  Đó là những lời gì vậy?

                  Những lời này giống nhau ở những điểm nào?

                  Người ta đã nói ra những lời kỳ diệu nào mà khiến đem đến sự thay đổi lớn lao trong đời sống nhiều người như vậy?

                  Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá thật chi tiết và cụ thể về những lời nói thật tuyệt vời này trong những chương trình phát thanh Hy Vọng lần tới, nhưng trong chương trình phát thanh hôm nay, chúng ta chỉ chú ý đến những điểm chung, những điểm tương tự của những lời nói này.

                  Những lời nói đem đến sự thay đổi lớn lao này là những lời đầy tích cực, là những lời đầy khích lệ, mà Kinh Thánh còn gọi là những “lời chúc phước” cho nhau.

                  Những “lời chúc phước” là những lời như thế nào?

                  Trong những đám tang mà chúng ta đã có dịp tham dự qua, bạn và tôi được nghe người thân của người vừa qua đời kể về cuộc đời đã qua của họ. Bạn và tôi, rất hiếm hoi, hầu như là chẳng có bao giờ, nghe người thân của người vừa qua đời, nói một lời nói xấu nào hay một lời xúc phạm về người vừa nhắm mắt xuôi tay. Bạn và tôi, thường chỉ nghe những lời khen, những lời tốt đẹp, những lời ca ngợi về người vừa mới ra đi.

                  Dường như trong tất cả những lễ tang, người vừa qua đời bỗng nhiên trở thành một bậc siêu thánh, được nhắc nhở tới với những công đức tuyệt vời và những mỹ tính trọn vẹn. Tất cả những lời nói dành cho người vừa nằm xuống là những lời lành, là những lời tử tế, là những lời khích lệ, chỉ tập trung vào những yếu tố tích cực của người đó mà thôi.

                  Lời chúc phước cũng tương tự như vậy, chỉ duy một điểm khác biệt to lớn, là chúng ta nói những lời này khi người đó còn đang sống, khi người đó còn nghe được, khi người đó còn nhận được và khi người đó còn cảm kích được.

                  Chỉ có quỷ vương được Kinh Thánh mô tả là “kẻ kiện cáo”, là kẻ hay “thích buộc tội”, cho nên mới lên án, mới bắt bẻ, mới sĩ nhục người khác, chứ Thiên Chúa là Đấng thích chúc phước, kêu gọi con người là tạo vật dấu yêu của Ngài, đến với nhau trong sự thuận hòa, nói những lời lành, mang đến cho nhau những phước hạnh, như sứ đồ Phi-e-rơ có nói: “Đừng lấy ác trả ác hoặc rủa sả trả rủa sả, nhưng ngược lại, hãy chúc phước, vì việc này mà anh chị em được kêu gọi, nhân đó anh chị em có thể được hưởng phúc lành” (1 Phi-e-rơ 3:9)

                  Kính thưa quý thính giả,

                  Bill Glass là một cầu thủ đá banh chuyên nghiệp và cũng là giám đốc của những mục vụ chăm sóc tù nhân tại các nhà tù lớn nhất tại Hoa Kỳ. Bill Glass có một lần đưa ra một nhận xét như sau: “Trong một năm kia, trong tất cả các trại tù tại tiểu bang Florida, người ta cho biết có tất cả 60,000 tù nhân, nhưng trong đó chỉ có 13 tù nhân là người Do-thái”.

                  Tưởng chúng ta cũng nên biết rằng, tiểu bang Florida là nơi có rất nhiều người Do Thái cư ngụ. Số tù nhân người Do Thái thật là ít ỏi tại tiểu bang này so với số tù nhân đông đảo đến từ nhiều nguồn gốc sắc tộc khác nhau đã khiến Bill Glass thắc mắc và tìm hiểu. Cuối cùng, ông đã đưa ra kết luận rằng, chính trong các gia đình người Do-thái, cha mẹ dành thời giờ thường xuyên để chúc phước, để nói lời lành, để mang ơn phước đến cho con cái của họ.

                  Tiến sĩ Mary Ruth Swope, tác giả quyển sách “Bless Your Children Everyday”, xin tạm dịch là “Hãy Chúc Phước Cho Con Mỗi Ngày”, có trình bày về truyền thống chúc phước trong gia đình của người Do Thái như sau:

                  “Tôi tin rằng ơn phước của Thượng Đế đổ đầy trên gia đình những người Do Thái là kết quả cha mẹ Do Thái thường xuyên nói lời chúc phước cho con cái của họ. Đó cũng là lý do mà phần lớn những người thắng giải Nobel cao quý hay giải thưởng báo chí Pulitzer lại là người Do-thái. Đại đa số triệu phú và tỷ phú ở Hoa Kỳ là người Do-thái, mặc dầu người Do Thái chỉ chiếm có 2.7 phần trăm dân số mà thôi”.

                  Quý thính giả thân mến,

                  Ngược lại, nếu nhìn vào những nhà tù tại Hoa Kỳ, tại Canada hay tại Úc Đại Lợi, số tù nhân gốc người Việt thường chiếm con số đáng kể.

                  Tại sao chúng ta lại phải chứng kiến cảnh đau lòng như vậy?

                  Có phải chăng là trong các gia đình Việt Nam, các bậc cha mẹ, không dành ra thời giờ thường xuyên để nói những lời lành, nói những lời tích cực và khích lệ đến với con cái?

                  Có phải chăng là người Việt chúng ta, cha mẹ thường đặt nhiều kỳ vọng nơi con cái và khi kết quả không xảy ra đúng như ý muốn, khi cha mẹ không vừa lòng với khả năng của chúng, thì thường hay mắng nhiếc sỉ vả con cái mình là “đồ đần”, là “đồ ngu”?

                  Có phải chăng là chúng ta không những không có thói quen chúc phước cho con cái, nhưng ngược lại, lại nói những lời rủa xả, khiến chúng nó tủi hờn và nản chí?

                  Quý vị và các bạn, có nhớ lần cuối cùng là khi nào, mà chúng ta nói những lời lành, những lời khích lệ đến với con cái của mình không?

                  Kinh Thánh, là lời của Đấng Tạo Hóa, có nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng: “Cha mẹ đừng trách mắng con cái quá nặng nề, khiến chúng nản lòng” (Cô-lô-se 3:21)

                  Con người chúng ta, là tạo vật dấu yêu nhất của Đấng Tạo Hóa, là tạo vật duy nhất được dựng nên theo ảnh tượng của Đấng Tối Cao, mang những đặc điểm có một không hai của Ngài.

                  Một đặc điểm của Đấng Tạo Hóa là thích được nghe loài người ca ngợi, thích được nghe chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, như thi sĩ Đa-vít có diễn tả trong Thi Thiên 100:4 rằng:

                  “Hãy cảm tạ mà vào các cổng Ngài; Hãy ca ngợi mà vào sân Ngài; Hãy cảm tạ Ngài, hãy ca ngợi danh Ngài”.

                  Vì bạn và tôi được Đấng Tạo Hóa dựng nên giống như Ngài, cho nên chúng ta cũng thích được nghe những lời khen ngợi, những lời khích lệ từ người thân, từ cha mẹ ông bà, từ bạn bè và từ những người chung quanh khác.

                  Nếu chúng ta bước vào nơi hiện diện của Thiên Chúa qua lời cảm tạ và biết ơn, thì cũng hãy bước vào tấm lòng hoan hỉ của nhau bằng những lời chúc phước thật thà, đậm đà tình thương mến.

                  Kính thưa quý thính giả,

                  Kinh Thánh có ký thuật lại, một ngày kia Chúa Cứu Thế Giê-xu đến thăm một gia đình gồm những người bạn rất thân và những người bạn này làm tiệc đãi Ngài. Lúc ấy, có một người con gái tên là Ma-ri lấy ra một cân dầu cam tùng tinh chất quý giá xức chân Ngài và lấy tóc mình lau chân Ngài. Mùi thơm tỏa ra khắp nhà.

                  Thế nhưng có một môn đệ của Ngài lên tiếng phản đối, cho việc này là phí phạm tiền của. Chúa Giê-xu cho người môn đệ này biết, đây là cân dầu Ma-ri đã cất giữ để sau này tẩm liệm xác Ngài, nhưng thà Ma-ri lấy ra xức cho Ngài khi đang còn sống, còn quý hơn là để dùng tẩm liệm sau khi Ngài đã chết.

                  Cứu Chúa Giê-xu đã giáng trần cứu nhân loại, phải chịu chết đau thương trên cây thập tự, lãnh món nợ tội thế cho muôn người, bị chôn trong mồ, nhưng sau ba ngày đã chiến thắng tử thần, sống lại vinh hiển và thăng thiên về trời.

                  Đã trải qua hơn 2000 năm cho đến nay, với điều Chúa Cứu Thế đã giảng dạy, nhưng người ta vẫn chưa bỏ đi cái thói quen là nói là những lời thật khó nghe trong khi người nghe đang còn sống, nhưng lại để dành những lời nói hay nhất, để dành những lời nói tốt đẹp nhất chỉ vào ngày tang lễ, khi đối tượng trong lời tán dương không còn nghe được, không còn cảm nhận được nữa.

                  Trong những đám tang, những tràng hoa dầu xinh đẹp nhất, những lời nói dầu hoa mỹ nhất, nhưng người chết không còn thấy được, không còn nghe được, thì cũng chỉ là vô ích mà thôi, vì chẳng còn có thể đổi thay cuộc đời và số phận của người đã vừa nằm xuống.

                  Hãy cho nhau những gì tốt đẹp ngay bây giờ, trong khi người nhận đang còn sống.

                  Hãy nói những lời lành, hãy chúc phước cho nhau ngay hôm nay, khi người nhận còn nghe, còn nhận được, để đem đến cho nhau sự nâng đỡ, sự can đảm, hầu biến đổi cuộc đời người nghe trở nên muôn vàn phước hạnh.

                  Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn