13:06 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 14


Hôm nayHôm nay : 0

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 279626

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23009050

Trang nhất » Dưỡng linh » Tư liệu Tham khảo

Ý NGHĨA THUỘC LINH CỦA MẪU TỰ HY-BÁ-LAI- BÀI SỐ 1

Thứ sáu - 28/01/2022 02:33
Ý NGHĨA THUỘC LINH CỦA MẪU TỰ HY-BÁ-LAI- BÀI SỐ 1

Ý NGHĨA THUỘC LINH CỦA MẪU TỰ HY-BÁ-LAI- BÀI SỐ 1

Lời nói đầu Nếu có dịp nghiên cứu cổ ngữ Hy-bá-lai, quý vị sẽ thấy vô cùng thích thú. Khi nhìn thấy văn thể mà chính Đức Chúa Trời dùng để truyền đạt mạng lịnh, bày tỏ ý chí và công việc của Ngài cho nhân loại, lòng chúng ta không khỏi rung động trước tình yêu cao cả và quyền năng diệu kỳ của Ngài.

Ý NGHĨA THUỘC LINH CỦA MẪU TỰ HY-BÁ-LAI- BÀI SỐ 1
(Bà Mục sư Phạm Văn Năm)
 
       Lời nói đầu
       Nếu có dịp nghiên cứu cổ ngữ Hy-bá-lai, quý vị sẽ thấy vô cùng thích thú. Khi nhìn thấy văn thể mà chính Đức Chúa Trời dùng để truyền đạt mạng lịnh, bày tỏ ý chí và công việc của Ngài cho nhân loại, lòng chúng ta không khỏi rung động trước tình yêu cao cả và quyền năng diệu kỳ của Ngài. Hầu hết con cái Chúa đều biết rõ là nguyên bản Kinh Thánh Cựu Ước được chép bằng chữ Hy-bá-lai. Bản văn nầy được Đức Chúa Trời hà hơi cho các trước giả nên tự bản văn ấy có giá trị tuyệt đối.

       Khi đọc đến những từ trong nguyên bản Hy-bá-lai thì tiếng phán của Đức Chúa Trời như vang dội trong tâm linh ta, và dường như trực tiếp phán với chính lòng mình.

       Hy-bá-lai văn là một cổ ngữ rất xưa, bắt nguồn từ thổ ngữ Tây bắc Semitic. Dòng dõi Áp-ra-ham được mệnh danh là dân Hê-bơ-rơ. Trải qua hàng ngàn năm, ngôn ngữ Hy-bá-lai vẫn giữ được tính chất thuần túy của nó. Cho đến khi người Y-sơ-ra-ên bị lưu đày qua A-sy-ri, Ba-by-lôn và bị các đế quốc đô hộ thì ngôn ngữ nầy bị pha trộn nhiều với tiếng Aramic. Hy-bá-lai văn có 22 chữ cái với 27 hình thức khác nhau, phát ra độ 30 âm. Cổ ngữ nầy vốn không có nguyên âm, toàn là phụ âm. Mãi đến cuối thế kỷ thứ VI đầu thế kỷ thứ VII S.C. mới có một nhóm học giả Do Thái điểm thêm nguyên âm, tức là những dấu chấm, dấu gạch hay dấu phẩy cặp theo các phụ âm. Tuy nhiên, không có một nguyên âm nào tách rời. Nhờ điểm thêm nguyên âm nên chữ Hy-bá-lai dễ đọc và dễ hiểu hơn. Một đặc điểm nữa là không có một vần nào bắt đầu bằng một nguyên âm cả chỉ trừ ra liên tự “và” trong trường hợp bị biến thể khi đứng trước một vài tiền trí từ hay phụ âm nào đó thì cách viết và phát âm giống như một nguyên âm. Hiện nay tại Do-thái, người ta không dùng nguyên âm mà chỉ dùng toàn phụ âm mà thôi, vì thế rất khó đọc và khó hiểu. Thình thoảng mới tìm thấy một ít sách có cả nguyên âm và phụ âm. Lối đọc và viết đều từ phải sang trái (chiều ngang).

       Loạt bài nầy không phải học về Hy-ba-la văn, nhưng chỉ nghiên cứu ý nghĩa thuộc linh của mẫu tự Hy-bá-lai. Tôi xin phép giới thiệu vài nét đại cương của một cổ ngữ có liên quan đến Cơ Đốc giáo hầu cho con cái Chúa được rõ. Nguyện Đức Chúa Trời ban phước cho quý vị khi đọc loạt bài nầy, nếu có chỗ nào sơ sót kính xin quý vị lượng thứ cho. Xin đa tạ.

       Chữ thứ nhất:  ALEPH (BÒ ĐỰC)
       Số tiêu biểu: 1
       Nếu chúng ta đọc Kinh Thánh bằng tiếng Hy-bá-lai sẽ thấy các chữ cái (22 chữ) trong mẫu tự Hy-bá-lai đều có mặt trong Thi Thiên 119. Mỗi 8 câu bắt đầu bằng một mẫu tự, thí dụ từ câu 1 đến 8 bắt đầu bằng chữ ALEPH, chữ thứ nhì là BETH. Cứ mỗi tự mẫu là 8 câu như vậy, vì thế mà Thi Thiên 119 mới dài đến 176 câu. Người ta tin rằng bởi sự hà hơi của Đức Thánh Linh nên mỗi chữ ấy đều có ý nghĩa, có thể giải nghĩa rõ ràng từng chữ, từng tiếng. Những chữ trong mẫu Hy-bá-lai phần lớn đều có thể chỉ về Đấng Christ và bày tỏ chính mình Ngài.

       Chữ thứ nhất của mẫu nầy là chữ ALEPH, có nghĩa là Bò Đực. Nó là chữ thứ nhất đứng trước các chữ khác, như con bò kéo xe hay kéo cày đều đứng trước các vật ấy. Kinh Thánh thường dùng con bò đực tượng trung cho ba điều: Sức mạnh - Phục vụ - Hi sinh.

       SỨC MẠNH
       Nói đến bò đực, chúng ta không quên câu chuyện lịch sử trong sách I Các vua 19:19-21 cho biết khi Ê-li-sê được Ê-li gọi thì người đang cầm cày, trước mặt ông có 11 đôi bò, ông cầm đôi thứ 12. Khi ông từ giã thân nhân để thi hành chức vụ thì đã giết đôi bò, lấy cày làm củi nấu thịt đãi các tôi tớ mình. Sau đó, ông theo Ê-li và hầu việc người. Đó là đặc điểm của bò đực, nó có sức lực hầu việc chủ và cũng hi sinh khi chủ cần đến.

       Ngày nay, thật khó tìm được người có đủ ba điều kiện như trên. Tìm người có sức mạnh về thể xác thì rất dễ, nhưng muốn tìm một người khỏe mạnh phần thuộc linh lại là một việc khác. Ngày nay người ta chú trọng đến sự mạnh khỏe phần thể xác, điều ấy không có gì là sai cả, vì là một phần cần cho sự sống của con người. Nhưng vấn đề đáng chú ý là người ta mạnh để mà phạm tội, mạnh trong sự hư hoại, mạnh để làm những việc xấu xa ô uế như đã mô tả trong Rô-ma 1:29-32. Người ta dùng hết sức mạnh Chúa ban cho mình để tiêu phí cho tội lỗi thì sức mạnh đó không có ích gì cho bản thân người ấy cũng như không ích lợi cho gia đình và xã hội.

       Người khỏe mạnh thuộc linh là người có lòng thành thật, trong sạch, đi theo đường lối và ý chỉ của Chúa. Một người có tâm linh mạnh mẽ, có tấm lòng trong sạch thật khó kiếm vì rất hiếm hoi, nhưng Chúa Giê-xu rất cần những người ấy. Chúa Giê-xu là Đấng trọn vẹn trong mọi phương diện, Ngài là Đấng đầy ơn, nhân cách của Ngài thật trọn lành toàn vẹn. Tâm thần, linh hồn và thể xác của Ngài đều trong sạch. Ngài có quyền năng làm được mọi sự, sẵn sàng phục vụ mọi người cần đến Ngài và Ngài cũng sẵn sàng hi sinh cho mọi người. Chữ ALEPH là chữu đầu nhất, tượng trưng cho sức mạnh thuộc linh của chúng ta, nó là phần quan trọng nhất, nhờ đó ta có thể thực hiện những công tác lớn lao để làm vinh hiển danh Chúa.

       Con người muốn có sức mạnh thì phải có đủ sinh tố trong các thức ăn. Cũng vậy, nguồn gốc của sức mạnh thuộc linh là do Lời của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu phán: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4). Muốn có một đời sống thuộc linh mạnh mẽ, ta nên học hỏi Lời Đức Chúa Trời, bước đi trong luật pháp Chúa cách trọn lành ngay thẳng thì sức lực thuộc linh sẽ gia tăng, chúng ta sẽ “nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn trong Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:13b), như vậy mới có đủ sức đề hầu việc.

       PHỤC VỤ
       Con bò đực dùng sức mạnh để làm việc. Ma-thi-ơ 20:28 là câu diễn tả thật đầy dủ ý nghĩa về đời sống và chức vụ của Chúa Giê-xu: “Con Người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”. Theo phần xác thì Chúa Giê-xu là một người thợ mộc, sanh ra từ dòng dõi vua Đa-vít, nhưng theo phần linh của thánh đức, thì bởi sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết, được tỏ ra là Con Đức Chúa Trời có quyền phép, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta (Rô-ma 1:3,4). Ngài là Đấng mang lấy gánh nặng cho chúng ta như lời kêu gọi của Ngài trong Ma-thi-ơ 11:28. Ngài sẵn sàng giúp đỡ chúng ta, để chúng ta được nhẹ nhàng, thoát gánh nặng tội lỗi, được tự do phục vụ Chúa và người mà Chúa đặt để chung quanh chúng ta.

       Sự làm việc là một điều cần yếu cho sự sống của con người. Thời xưa, người La-mã và Hy-lạp không thích làm việc. Họ cho rằng nếu họ bắt tay làm một việc gì thì sẽ mất thể diện, nên mọi việc đều do đầy tớ làm cả. Về sau, có người đứng lên đả phá lề thói ấy và khuyến khích con người phải làm việc vì ích lợi cho thân thể, cũng ích lợi cho người khác nữa. Chúa Giê-xu không chỉ dạy dỗ, khuyến khích, nhưng chính Ngài cũng thực hành. Ngài bày tỏ lý tưởng cao đẹp nhất của con người là hạ mình xuống để hầu việc Đức Chúa Trời và phục vụ mọi người. Hội Thánh của Chúa rất cần những người dấn thân để hầu việc Chúa, những người có lòng khiêm nhường, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ người khác như Chúa chúng ta.

       HI SINH
       Con bò cũng tượng trưng cho sự hi sinh. Khi xưa, Đức Chúa Trời dùng con bò đực dâng làm của lễ thiêu trên bàn thờ để chuộc tội cho dân sự. Ấy là hình bóng của sự hi sinh của Chúa Giê-xu, Ngài là con sinh để chuộc tội cho loài người. Sự hi sinh cao quý nhất, có ý nghĩa nhất chính là sự hi sinh của Chúa Giê-xu, Ngài hi sinh vì tội lỗi chúng ta. “Đang khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8). Hội Truyền giáo Báp-tít khi mới thành lập chỉ nhóm lại có 13 người vào năm 1793, trong số đó có William Carey. Ông là người dâng trọn đời sống mình để hầu việc Chúa, và phục vụ Ngài tại Ấn Dộ trong 50 năm. Họ chọn con bò đực là tiêu biểu cho sức mạnh, sự hầu việc và hi sinh. Họ chạm hình con bò đực đứng giữa cái cày và bàn thờ, phía dưới có ghi mấy chữ: “Sẵn sàng hầu việc, sẵn sàng hi sinh”.

       Trên các phương tiện truyền thông: truyền hình, báo chí... chúng ta thường thấy người ta nói đến tinh thần yêu nước, xây dựng đất nước và thường kêu gọi sự đóng góp, hi sinh. Nhưng thực tế rất ít người hi sinh thực sự. Cũng vậy, nhiều người giảng về sự hi sinh, dạy về sự hi sinh, khuyên người ta hi sinh cho công việc Chúa, nhưng chính họ lại không dám thực hiện theo điều họ dạy chút nào cả. Hi sinh là sự chối mình, là một vấn đề trọng đại, nếu ai không chối mình thì người ấy chưa phải là tín đồ Đấng Christ. Một tín đồ thật của Chúa là người bằng lòng hi sinh thì giờ, sức lực, tiền bạc và dốc đổ tình thương của mình trong sự phục vụ Chúa. Đạo Đấng Christ được thành lập trên thập tự giá, trên sự chối mình để bày tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta. Chúng ta thường than thở về sự yếu đuối, nguội lạnh của Hội Thánh, sự sai lầm của tín hữu và mạch nước sự sống, sức mạnh thuộc linh hầu như cạn tắt. Nguyên nhân của sự đau buồn này là vì Hội Thánh thiếu sự từ bỏ mình. Sự thử thách đến với hội thánh là một sự rèn đúc sức mạnh thuộc linh của con cái Chúa đang sống trong hoàn cảnh khó khăn. Nếu chúng ta thấy mình chưa có tinh thần hi sinh như đáng phải có thì chúng ta nên kiểm điểm lại chính mình, xin Chúa ban cho mình sức mạnh thuộc linh để sẵn sàng đứng lên phục vụ Chúa và sẵn sàng hi sinh cho công việc Ngài, ắt chúng ta sẽ thỏa lòng cảm tạ Chúa và ca ngợi Ngài luôn.

       Chữ ALEPH là chữ thứ nhất của mẫu tự Hy-bá-lai giống như mẫu tự Hy-lạp. Chúa Giê-xu tự xưng Ngài là ALPHA (Khải huyền 1:8), lẽ tất nhiên Ngài cũng là ALEPH trong mẫu tự Hê-bơ-rơ nữa, vì Ngài là Đấng trước nhất và trong mọi vật Ngài đứng hàng đầu. Chúng ta nên theo Ngài để được sức mới. Nếu Đấng Christ ở trong chúng ta thì chúng ta sẽ có sức mạnh (thuộc linh), quyền năng của sự yêu thương, sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng hi sinh cho Chúa và cho mọi người.

       (còn tiếp)
 
Vĩnh Phước, ngày 28 tháng 1 năm 2022
(HT- st)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn