03:56 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 91

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 90


Hôm nayHôm nay : 11463

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 260037

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22989444

Trang nhất » Dưỡng linh » Tư liệu Tham khảo

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

ĐỊA DANH XỨ THÁNH- BÀI SỐ 12 (PhẦN 6- hết) VÙNG ĐẤT CỦA KINH THÁNH TRONG THỜI ĐẠI GIAO ƯỚC MỚI (khoảng 5 T.C. - 100 S.C.)

Thứ sáu - 17/12/2021 21:39
ĐỊA DANH XỨ THÁNH- BÀI SỐ 12 (PhẦN 6- hết) VÙNG ĐẤT CỦA KINH THÁNH TRONG THỜI ĐẠI GIAO ƯỚC MỚI (khoảng 5 T.C. - 100 S.C.)

ĐỊA DANH XỨ THÁNH- BÀI SỐ 12 (PhẦN 6- hết) VÙNG ĐẤT CỦA KINH THÁNH TRONG THỜI ĐẠI GIAO ƯỚC MỚI (khoảng 5 T.C. - 100 S.C.)

Na-xa-rét “Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” là câu nói gắn liền với Đức Chúa Giê-xu trong suốt chức vụ của Ngài (Giăng 1:46).


ĐỊA DANH XỨ THÁNH- BÀI SỐ 12 (PhẦN 6- hết)

VÙNG ĐẤT CỦA KINH THÁNH TRONG THỜI ĐẠI GIAO ƯỚC MỚI

(khoảng 5 T.C. - 100 S.C.)

 

          Na-xa-rét

        “Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” là câu nói gắn liền với Đức Chúa Giê-xu trong suốt chức vụ của Ngài (Giăng 1:46). Một chuyến viếng thăm địa điểm nầy của thành phố ngày nay cũng giúp giải thích lời tuyên bố ấy. Cách xa mọi con đường thường đi lại, tận trên những con đường ngoằn ngoèo dốc đứng, Na-xa-rét hầu như ít được biết đến đối với những người thuộc giao ước cũ. Nhưng đó là nơi sứ giả Đức Chúa Trời chuyển giao lời Ngài cho Ma-ry. Trong khi vẫn còn là một trinh nữ, cô mang thai một đứa bé sẽ được biết như là Em-ma-nu-ên, Đức Chúa Trời ở giữa chúng ta.
 

          Với sự an toàn tương đối của ngôi làng trái đường đi nầy, Đức Chúa Giê-xu trở về khi còn tấm bé sau khi chạy trốn cứu mạng tại Ai Cập. Giấu mình trong sự mờ nhạt giữa các cư dân Na-xa-rét cho đến khi Ngài đạt đến lứa tuổi khoảng ba mươi, Đức Chúa Giê-xu có thể nhìn xuyên qua thung lũng và nghĩ đến cuộc đời của các vị vua trước đấy của Y-sơ-ra-ên. Ngài có thể nhìn xem núi Ghinh-bô-a nơi Sau-lơ, vị vua được xức dầu đầu tiên của Y-sơ-ra-ên, đã ngã chết bi thảm trong chiến trận. Ngài có thể nhìn về hướng tây đến núi Cạt-mên nơi Ê-li đã phát động cuộc đối đầu với A-háp, vị vua tồi tệ nhất của Y-sơ-ra-ên. Ngài cũng có thể nhìn về hướng đèo Mê-ghi-đô nơi Giô-si-a, vị vua tốt đẹp cuối cùng của Giu-đa, đã chết sớm trong tay quân đội của Pha-ra-ôn. Kể từ sau sự gục ngã bi thảm của Giô-si-a sáu trăm năm trước khi Đức Chúa Giê-xu giáng sinh chẳng hề có một vị vua công chính nào cai trị trên Y-sơ-ra-ên.
 

         Đức Chúa Giê-xu được mọi người quen biết như là con trai người thợ mộc, và một trong những nơi trước tiên Ngài bắt đầu bày tỏ sứ mạng độc đáo của mình là tại thị trấn quê nhà của Ngài. Nhưng khi Ngài giải thích trước người Do Thái rằng mục đích của Đức Chúa Trời cho sự cứu rỗi con người có thể bao hàm các dân tộc ngoại đạo, thì đồng bào của chính Ngài đã điên tiết lên. Trong tâm trí họ, dân Do Thái tồn tại không có đối thủ, họ là những người được ưu đãi trên thế gian. Nếu Đức Chúa Giê-xu dự định quảng bá cho bất cứ quan điểm nào khác, Ngài thậm chí còn đánh mất luôn cả quyền tiếp tục được tồn tại.
 

          Bết-lê-hem

         Việc Đức Chúa Giê-xu đến thế gian trước hết được công bố cho cha mẹ Ngài tại thị trấn quê nhà Na-xa-rét. Nhưng Bết-lê-hem phải là nơi sinh của Ngài, vì lời tiên tri chỉ định cụ thể rằng nhà cai trị Mê-si-a của Y-sơ-ra-ên phải xuất thân từ thị trấn quê nhà của Đa-vít. Trong hoang mạc Giu-đê gần thị trấn đó, vị vua của dân Do Thái đã xây dựng một công sự đồ sộ được gọi là Herodian. Hê-rốt đã xây dựng một tuyến pháo đài để tạo sự an tòan khi ông phải rút lui khỏi một kẻ thù tưởng tượng. Nhưng Vua Giê-xu đến trong vùng được phòng ngự nầy như một đứa trẻ dễ bị uy hiếp, không phương thế tự vệ trước các cuộc tấn công của Hê-rốt và những tên đao phủ của hắn. Chỉ có chính Đức Chúa Trời mới có thể sắp xếp mọi việc để cung ứng nơi trú ẩn cho Con Ngài dưới sự che chở của Pha-ra-ôn xứ Ai Cập ngoại đạo.
 

          Trong một thế giới sa ngã, tiếng khóc than đi kèm với vụ tàn sát con trẻ tại Bết-lê-hem của Hê-rốt có thể được coi như một thảm kịch thường nhật. Nhưng trong trường hợp nầy, Đức Chúa Trời giữ gìn Con Ngài để đương đầu với những nỗi thống khổ còn lớn hơn nhiều để cuối cùng cung ứng sự giải cứu cho vô số người trên khắp các quốc gia.
 

          Hoang mạc xứ Giu-đê

         Hai sự kiện có ý nghĩa trong cuộc đời thanh xuân của Chúa Giê-xu gắn liền với hoang mạc xứ Giu-đê, đó là lễ báp-têm và Chúa Giê-xu chịu cám dỗ. Cả hai sự kiện nầy khẳng định sự kiện rằng Giê-xu là Con Đức Chúa Trời.
 

         Giăng Bap-tít kêu gọi toàn thế hệ của ông hãy “vào trong hoang mạc” để chuẩn bị con đường cho sự xuất hiện của Chúa. Nếu dân chúng thật lòng ăn năn tội lỗi, họ sẽ sẵn sàng từ bỏ những điều họ sở hữu và đi vào hoang mạc để được thanh tẩy. Trước khi có sự hiện diện của Giăng, cả một cộng đồng đã định cư trong những vách đá khô cằn dọc theo Biển Chết nhằm phản kháng sự suy đồi trong chức vụ tế lễ tại Giê-ru-sa-lem. Ngày nay người ta biết đến họ như là cộng đồng Qumran, những người nầy có ý tưởng chờ đợi trong hoang mạc một đấng Mê-si-a hầu đến. Theo Văn Kiện Đa-mách, người ta trông đợi rằng Môi-se sẽ tái xuất hiện và dẫn dắt họ một lần thứ nhì xuyên qua hoang mạc để chiếm hữu Đất Hứa.
 

         Đức Chúa Giê-xu đến với Giăng Báp-tít trong hoang mạc. Tại đó Ngài chịu bap-têm như một cách đồng hoá với dân mình trong nhu cầu được thanh tẩy mọi ô nhơ của tội lỗi. Khi Con đang cầu nguyện, Thánh Linh ngự trên Ngài bằng hình dạng thấy được trong khi lời Cha tuyên bố. “Con là con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đường” (Lu 3:21-22). Theo cách nầy, chính Đức Chúa Trời Ba Ngôi công khai khẳng định thân vị và công tác của Đức Chúa Con -Mê-si-a. Trong hoang mạc xứ Giu-đê lúc Chúa Giê-xu chịu báp-têm, sự mạc khải nầy được ban cho liên quan đến người thừa kế thật sự của vùng đất.
 

            Cũng trong hoang mạc, Chúa Giê-xu chịu thử thách liên quan đến quyền làm con của Đức Chúa Trời bởi ma quỉ. Trong vườn địa đàng, A-đam thất bại trong thử nghiệm của kẻ Cám Dỗ, chọn lựa quyền tự quyết hơn là đầu phục Đức Chúa Trời. Y-sơ-ra-ên, sau khi được giải cứu khỏi Ai Cập, cũng không chống nổi việc phàn nàn chống lại ý chỉ của Đức Chúa Trời khi đối diện với những mất mát trong hoang mạc. Dù được gọi là “con dân” Đức Chúa Trời, dân tộc được lựa chọn nầy đã thử Chúa mười lần khi họ lang thang trong hoang mạc. Nhưng Đức Chúa Giê-xu thành công trong hoang mạc tại chỗ mà cả A-đam lẫn Y-sơ-ra-ên đều thất bại. Dù những hoàn cảnh luôn chống lại Ngài, Ngài đắc thắng sự cám dỗ trong hoang mạc và vì thế chứng minh rằng Ngài thật sự là Con Đức Chúa Trời.
 

          Ca-bê-na-um

         Chính lúc Giăng Bap-tit bị Hê-rốt An-ti-pa bắt giam thì Đức Chúa Giê-xu đi đến Ca-bê-na-um “bên mé biển” để bắt đầu chức vụ Ngài (Mat 4:12-13). Tại nơi nầy trong xứ Ga-li-lê của Dân Ngoại, Đức Chúa Giê-xu công bố rằng “nước thiên đàng” đã đến gần. Đức Chúa Giê-xu nhìn thấy trong việc bắt Giăng Bap-tít một điềm báo trước về điều người Do Thái cuối cùng sẽ làm với Ngài. Ngài đáp ứng bằng cách đăng quang chức vụ mình tại một địa điểm và theo một cách thức mà tính truyền thông chắc chắn sẽ đạt đến chiều kích toàn cầu. Ngài không bị giới hạn vào một quốc gia, nhưng sẽ vươn tới mọi dân tộc trên thế giới.

 

          Ngày nay, giữa các đống đổ nát chung quanh nhà hội cổ xưa nầy tại Ca-bê-na-um, đứng sừng sững một đài kỷ niệm đánh dấu là Via Maris , “lối đi của biển”. Vì Ca-bê-na-um nằm ngay trên đường đi của các Dân Ngoại trên thế giới, Đức Chúa Giê-xu không có địa điểm nào khác tốt hơn để làm biểu tượng cho việc vươn ra toàn cầu với Phúc Âm của Ngài.
 

         Đáng kể nhất là sự kiện rằng Phúc Âm Ma-thi-ơ nhắc đến thành phố nầy như là “thành phố của Ngài (Giê-xu)” (9:1, 13:54). Không có nơi nào khác, ngay cả Giê-ru-sa-lem, nhận được danh hiệu nầy. Ngài không được sinh ra tại Ca-bê-na-um, cha mẹ Ngài không sống tại Ca-bê-na-um, Ngài không lớn lên tại Ca-bê-na-um. Nhưng nó đã trở nên thành phố “của Ngài”. Nơi nầy có sự giao thương liên tục giữa người Do Thái và Dân Ngoại - đây là nơi thích hợp nhất để mang lấy đặc trưng là “của Ngài”.
 

          Phúc Âm Mác bắt đầu bằng một ngày bận rộn với Chúa Giê-xu tại Ca-bê-na-um (Mac 1:21-34). Chúa Giê-xu giảng dạy trong nhà hội và đuổi ra một tà linh hung bạo. Rồi Ngài đi với Gia-cơ và Giăng đến nhà của Phi-e-rơ và Anh-rê, gần nhà hội, nơi Ngài chữa lành bệnh sốt rét cho bà gia Phi-e-rơ (1:31). Sau khi mặt trời lặn, dân thành phố mang đến cho Đức Chúa Giê-xu tất cả những người ốm đau và bị quỉ ám. Toàn thành phố họp lại tại cửa nhà khi Ngài chữa lành cho nhiều người. Chúa Giê-xu để nhiều giờ nghe người ta trình bày các nhu cầu của họ và rồi đưa ra sự giúp đỡ mà chỉ có Ngài mới làm được. Thời khoá biểu bận rộn nầy hẳn phải được lặp đi lặp lại nhiều lần khi Ngài đến và đi khỏi Ca-bê-na-um, trung tâm hoạt động của Ngài tại Ga-li-lê. Vì vậy thành phố Ca-bê-na-um, với sự pha trộn giữa người Do Thái và Dân Ngoại, phục vụ tốt như một lời tiên đoán sống động về sự tạo dựng vương quốc Mê-si-a hầu đến.
 

          Dù vậy với tất cả các đặc quyền chồng chất lên thành phố duy nhất nầy, những lời than trách của Đấng Mê-si-a lại lên án cư dân của nó (10:13-15). Người ta có thể nghĩ rằng Ca-bê-na-um sẽ được “nhấc lên các từng trời” để đối địch với Giê-ru-sa-lem trên trời vì nó được chấp nhận làm thành phố của chính Chúa Giê-xu. Nhưng không phải! Thay vào đó thành phố được ưu đãi nầy sẽ bị mang xuống các vực sâu. Đặc quyền không thể nào được sử dụng như một căn bản cho sự bảo đảm ơn phước. Thay vào đó, đặc quyền càng lớn trách nhiệm càng cao.
 

          Sa-ma-ri

        Sa-ma-ri đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình đời sống và chức vụ của Đức Chúa Giê-xu: Vì tính lịch sử và địa lý độc đáo của nó, thị trấn nầy mãi mãi là một gương mẫu hoàn hảo về những người lân cận xem như xa lạ về mặt văn hoá:

 

          Khi người A-si-ri hoàn tất việc tàn phá và lưu đày, họ tái định cư khu vực phía bắc Giê-ru-sa-lem với một hỗn hợp dân ngoại quốc (IIVua 17:24-40). Những người nầy cuối cùng đã kết hôn qua lại với những người Do Thái không có tay nghề còn sót lại sống rải rác trong miền, và họ phát triển một nền văn hoá và tôn giáo pha tạp của riêng mình. Ga-ri-xim trở thành núi thánh của họ, và dự định sẽ tiến đến chỗ trở thành quê nhà cho một đền thờ làm trung tâm thờ phượng, cạnh tranh với Giê-ru-sa-lem. Vì tất cả những lý do nầy người Sa-ma-ri bị khinh miệt và tránh né một cách thận trọng bởi người Do Thái.
 

          Hê-rốt đại đế xây dựng lại Sa-ma-ri theo kiểu La-mã vào thế kỷ thứ nhất T:C. Ông biến nó thành một nơi trưng bày hoang phí cho bạn bè và vị bảo hộ Sê-sa Au-gut-tơ, đặt tên lại là thành phố “Sebaste”, là từ Hi-lạp tương đương với chữ Au-gut-tơ. Những cuộc khai quật đã phát hiện ra một hội trường và pháp đình kiểu La-mã có niên đại vào thời Hê-rốt. Ngoài ra, Hê-rốt còn dựng lên một đền thờ lớn để tôn kính hoàng đế La-mã. Những kiến trúc nầy nằm ngay trên đỉnh các lâu đài thời các vua Y-sơ-ra-ên là những người đã cai trị tại Sa-ma-ri nhiều thế kỷ trước đó.
 

          Nhưng Đức Chúa Giê-xu từ khước bất cứ cái nhìn thành kiến nào, dù Ngài không ngần ngại sửa lại những lầm lỗi trong niềm tin và tập tục của người Sa-ma-ri. Ngài lấy chính mình để hoà nhập người Sa-ma-ri bình đẳng với người Do Thái trong vương quốc của Ngài. Ngược lại với phong tục thời đó, Ngài bắt chuyện với một người phụ nữ Sa-ma-ri tại một cái giếng bên ngoài thành phố chính của họ. Hành động nầy về phần Đức Chúa Giê-xu cuối cùng đem lại sự cải đạo cho một số người đàn ông Sa-ma-ri (Giă 4:7-9, 39-41). Về sau Đức Chúa Giê-xu chữa lành một người cùi Sa-ma-ri cùng với chín người cùi Do Thái khác và nhấn mạnh đến sự kiện chỉ có người Sa-ma-ri nầy trở lại để cám ơn Ngài (Lu 17:11-19). Ngài kể câu chuyện về “người Sa-ma-ri nhơn lành” đã giúp đỡ một khách lạ bị thương ngay cả khi những “người thánh” Do Thái tránh ra chỗ khác (10:29-37). Ngài đều đặn đến các làng Sa-ma-ri để rao truyền Phúc Âm cứu rỗi. Dù bị họ từ khước tiếp đón khi Ngài quyết định đi thẳng về hướng Giê-ru-sa-lem, Đức Chúa Giê-xu thăng thiên vẫn xem người Sa-ma-ri bình đẳng với người Do Thái trong việc chia sẻ các ơn phước trong ngày Đức Thánh Linh giáng lâm (Công 1:8, 8:4-17).

          

          Giê-ru-sa-lem

          Chính Đức Chúa Trời, bằng Lời của Ngài, đã mô tả thành phố nầy là “Giê-ru-sa-lem, Ta đã đặt nó giữa các dân tộc, và các nước bao xung quanh nó” (Exe 5:5). Bởi sự chỉ định của Đức Chúa Trời, thành phố Giê-ru-sa-lem được đặt làm tiêu điểm cho toàn thế giới. Và bây giờ khi Đức Chúa Giê-xu đến gần thành phố nầy lần cuối cùng, mọi thời đại quá khứ cũng lên đến đỉnh điểm của chúng. Đây là thời điểm mà nơi nầy được thăm viếng, và lẽ ra đã luôn được nhắc đến với lòng tôn quí và kính mến hơn bao giờ hết!

 

       Ít có du khách nào đến với vùng đất của Kinh Thánh ngày nay có đủ sức chịu đựng để đi bộ từ Giê-ri-cô về Giê-ru-sa-lem, nhưng Đức Chúa Giê-xu đã làm điều đó. Ngài bắt đầu từ tám trăm bộ (khỏang 244 m) dưới mực nước biển và đi lên độ cao 2.400 bộ (khỏang 730 m) phía trên mực nước biển, một khoảng cách tổng cộng khoảng mười tám dặm (khỏang 29 km). Không ai đặt câu hỏi nào về tình trạng thể lực của con người Giê-xu. Ngài thật sự là “kiểu mẫu toàn hảo.”
 

          Ngoài ra, rất ít du khách đến vùng nầy thấy được mình có thể duy trì các bước chân của Giê-xu trong tuần lễ cuối cùng của cuộc đời Ngài. Nghỉ lại hằng đêm tại Bê-tha-ny, phía bên kia núi Ô-liu, Ngài đi xuống và rồi đi lên các sườn dốc đứng dẫn đến khu vực đền thờ mỗi ngày (Mat 21:17, Lu 21:37).
 

        Nhưng điểm chính là gì? Tại sao Ngài để mình bị lộ diện như thế trước dân Do Thái vào những ngày nầy ngay trước lễ Vượt Qua? Trước đấy Đức Chúa Giê-xu không đi lên Giê-ru-sa-lem bởi vì Ngài biết các nhà lãnh đạo của dân chúng đang tìm cách giết Ngài (Giă 7:1, 11:8). Tại sao bây giờ Ngài tỏ bày chính mình cách công khai như vậy trước sự hiện diện của họ?
 

          Câu trả lời là hiển nhiên, và nó được thể hiện dứt khoát khi những người Hi-lạp đến tìm Chúa tại Giê-ru-sa-lem trong tuần lễ cuối cùng của cuộc đời Ngài. Nhiều lần Ngài đã tuyên bố. “Giờ ta chưa đến” (2:4, 7:6, 8, 30, 8:20). Nhưng bây giờ Ngài phán. “Giờ đã đến, khi Con Người sẽ được vinh hiển” (Gi 12:23). Giờ đã đến cho Ngài để được “cất lên” trong việc bị đóng đinh, phục sinh và thăng thiên (12:32). Do đó, con người từ mọi quốc gia sẽ được kéo đến bên Ngài. Ngài là Đấng Christ của vũ trụ, và toàn cõi vũ trụ sẽ chịu ảnh hưởng bởi việc Ngài được cất lên. Không chỉ từ giữa người Do Thái, nhưng từ giữa mọi quốc gia trên thế giới, những con người trải qua mọi thời đại và từ mọi lục địa sẽ được kéo đến với Ngài.
 

         Việc Con Đức Chúa Trời được cất lên chỉ có thể xảy ra tại Giê-ru-sa-lem. Không có nơi nào khác, không có thành phố nào khác có thể thay thế. Ngài phải đến với dân tộc giao ước của Đức Chúa Trời, và Ngài phải bị khước từ bởi dân tộc giao ước của Đức Chúa Trời. Chỉ khi ấy thì các mục đích và kế hoạch của Đức Chúa Trời mới thành hiện thực như được bày tỏ trải qua mọi thời đại.
 

          Vì vậy tuần lễ cuối cùng của cuộc đời Ngài trên đất bắt đầu với “hành trình khải hoàn” vào Giê-ru-sa-lem. Chúa Giê-xu phải bị từ khước với tư cách không ai khác hơn là vua dân Do Thái. Cưỡi trên lưng một con lừa là phương tiện di chuyển của hoàng gia, Ngài đi vào thành phố được bao quanh bởi sự hoan nghênh vang dội của đám đông. Ngài đi lên thành cổ Giê-ru-sa-lem, như Sa-lô-môn đã đi trên con la của Đa-vít vào ngày đăng quang (IVua 1:38). Bất chấp sự bất đồng của hầu hết các nhà lãnh đạo Y-sơ-ra-ên, Ngài được chào đón như là “Đấng đang đến” là Đấng mang sự cứu rỗi đến cho con dân của Đức Chúa Trời. Bước vào quảng trường rộng lớn trong đền thờ Hê-rốt, Đức Chúa Giê-xu thực thi thẩm quyền của Ngài với tư cách Con Đức Chúa Trời và đuổi hết mọi kẻ đổi tiền sa đoạ ra khỏi nhà của cha Ngài. 
 

          Việc Đức Chúa Giê-xu đối đầu với các nhà lãnh đạo của dân chúng cứ tiếp diễn suốt cả tuần lễ, cho đến khi cuối cùng Ngài bị phản bội. Trên một phòng cao đâu đó trong thành phố nầy, Đức Chúa Giê-xu thiết lập giao ước mới, giao ước đỉnh điểm, giao ước cuối cùng, giao ước tối hậu với dân tộc được lựa chọn của Ngài. Lấy phần còn lại trong bữa ăn lễ Vượt Qua, Ngài thay thế thân Ngài và huyết Ngài một cách biểu tượng cho lễ vật là chiên con sinh tế. Đêm dài cuối cùng đã bắt đầu. Đó là một thời gian đuối sức khi Ngài trắng đêm lần bước khỏi thành phố ngang qua khe Kit-rôn vào vườn Ghết-sê-ma-nê. Vào nửa đêm Ngài thống khổ một mình, bị bắt và bị đối xử tàn tệ. Trong khi trời vẫn còn tối, và vào những giây phút đầu tiên của buổi sáng, Ngài bị kéo lui kéo tới qua thành phố. Ngài trải qua sáu lần xét xử khác nhau, ba lần tôn giáo và ba lần dân sự. Phi-lát, nhà cầm quyền La-mã, công khai tuyên bố không dưới ba lần rằng Ngài vô tội nhưng rồi lại giao Ngài để bị đánh đòn và đóng đinh.
 

          Con đường Đấng Christ đi theo ngang dọc thành phố nầy vào đêm đó không thể tái tạo một cách chính xác được. Nó hẳn đã bắt đầu ở góc đông bắc của khu vực đền thờ tại pháo đài Antonia, rồi lui tới ngang qua thành phố từ nơi ở của Phi-lát đến toà Hê-rốt. Dù gì thì Ngài cũng đã kiệt sức vào sáng hôm sau nhưng vẫn phải mang cây thập tự của chính mình. Nhiều trong số mười bốn “trạm” truyền thống về cây thập tự mang tính truyền thuyết, nhưng vài trạm khác có thể dùng để nhắc nhở về những thống khổ Ngài chịu đựng suốt cả đêm dài đó. Ngài bị lên án và đánh đập, Ngài nhận lấy cây thập tự, Si-môn người Sy-ren vác lấy cây thập tự, Đức Chúa Giê-xu phán với những con gái thành Giê-ru-sa-lem, Ngài bị lột hết y phục, Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự, Ngài chết trên cây thập tự, Ngài được hạ xuống khỏi cây thập tự, Ngài được đặt vào trong mộ.
 

          Ngay gần nơi nầy, sự kiện của vũ trụ về sự phục sinh của Con Đức Chúa Trời cũng đã diễn ra, một sự kiện có ý nghĩa như sự sáng tạo thế giới. Vì là trái đầu mùa của một tạo vật mới, Đức Chúa Giê-xu Christ ra khỏi phần mộ với một loại thân thể khác hẳn, một thân thể dầm thấm bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Thân thể mới nầy có thể được nhận diện, chạm đến, và nhìn thấy được; và dù vậy vẫn có thể đi qua các cửa đóng, xuất hiện và biến mất theo ý muốn. Để biết được con đường sống mới nầy với Đức Chúa Trời, một người phải nhìn xem “Giê-ru-sa-lem trên cao”, nơi Đấng Christ phục sinh cai trị trên các thế lực trên trời và dưới đất. Đối với hiện tại, Giê-ru-sa-lem trên đất được con người biết đến cứ tiếp tục làm nô lệ với tất cả con cái của nó (Ga 4:25). Quyền năng lưu xuất từ Giê-ru-sa-lem trên trời và vị vua phục sinh đang cai trị được phô bày ra vào ngày lễ Ngũ Tuần, năm mươi ngày sau bữa ăn lễ Vượt Qua cuối cùng của Chúa Giê-xu. Các môn đồ đã được dặn phải ở lại trong chính thành Giê-ru-sa-lem dưới đất nầy cho đến khi họ nhận được lời hứa của Cha. Chính trong khu vực đền thờ - có lẽ tại những bậc tam cấp rộng phía nam nhìn xuống thành Đa-vít xưa - mà sự thể hiện thấy được, nghe được đó của món quà Đức Thánh Linh đổ xuống trên các môn đồ nhóm lại. Mười hai người nhận được Đức Thánh Linh đầu tiên của kỷ nguyên mới của sự cứu chuộc ngay lập tức trở nên những phương tiện chuyển tải sự sống mới bắt nguồn từ Giê-ru-sa-lem trên trời. Y-sơ-ra-ên mới của Đức Chúa Trời được sinh ra trong một ngày, và chẳng bao lâu sau vương quốc toàn thế giới của Đấng Christ của vũ trụ bắt đầu lan rộng ra những vùng rộng lớn do con người thuộc mọi quốc gia chiếm giữ. Trong khi Giê-ru-sa-lem dưới đất nầy tiếp tục làm nô lệ cho niềm kiêu hãnh về ý thức thành công cá nhân của con người, thì Giê-ru-sa-lem trên cao sinh ra những người con tự do mới mẻ.
 

Vĩnh Phước ngày 18 tháng 12 năm 2021

(HT- st)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn