09:52 ICT Thứ hai, 16/09/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 40

Thành viên online : 1

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 35


Hôm nayHôm nay : 6363

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 188157

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 25619519

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Tận Hưởng Chúa

Thứ năm - 29/10/2020 08:19
Tận Hưởng Chúa

Tận Hưởng Chúa

Giáo Lý Vấn Đáp Westminster là tập sách dạy giáo lý căn bản xuất bản từ thế kỷ 17. Câu hỏi và câu trả lời đầu tiên trong sách nầy như sau: Câu hỏi: Mục đích chính của đời người là gì? Câu trả lời: Mục đích chính của đời người là làm rạng Danh Thiên Chúa và tận hưởng Ngài mãi mãi!


Tận Hưởng Chúa


       Thưa quý thính giả,
 

       Giáo Lý Vấn Đáp Westminster là tập sách dạy giáo lý căn bản xuất bản từ thế kỷ 17. Câu hỏi và câu trả lời đầu tiên trong sách nầy như sau:
 

       Câu hỏi: Mục đích chính của đời người là gì?
 

       Câu trả lời: Mục đích chính của đời người là làm rạng Danh Thiên Chúa và tận hưởng Ngài mãi mãi!
 

       “Làm rạng Danh Thiên Chúa và tận hưởng Ngài mãi mãi” là mục đích của cuộc đời chúng ta. Nhưng làm thế nào để làm rạng Danh Thiên Chúa và tận hưởng Ngài? Để có thể làm rạng Danh Thiên Chúa và tận hưởng Ngài, trước hết chúng ta phải có đức tin nơi Thiên Chúa. Tin rằng Chúa có thật và Ngài yêu thương, chăm sóc chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi ban cho chúng ta Chúa Giê-xu giáng trần để chịu chết chuộc tội cho chúng ta. Tin nhận Chúa Giê-xu, tiếp nhận sự chết chuộc tội của Ngài cho chúng ta, chúng ta sẽ kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Chúa, hưởng quyền làm con Thiên Chúa và sống tận hưởng Ngài nghĩa là sống một đời sống có ý nghĩa trên trần gian nầy và sống đời phước hạnh trong cõi vĩnh hằng.
 

       Có đức tin nơi Thiên Chúa cũng có nghĩa là sống yêu thương Chúa và yêu thương Chúa, chúng ta vâng giữ luật lệ của Ngài. Luật lệ của Chúa là Mười Giới Răn Chúa ban cho con dân của Ngài khi họ được giải phóng khỏi Ai-cập và Chúa Giê-xu đã tóm tắt lại trong hai điều ngắn gọn: yêu Chúa và yêu người. Yêu Chúa, chúng ta tôn thờ Ngài với tâm linh của chúng ta. Yêu Chúa, chúng ta sống phù hợp với niềm tin của mình nơi Chúa. Đó là tinh hoa của ba giới răn đầu. Hôm nay chúng ta học đến giới răn thứ tư. Giới răn nầy dạy chúng ta tôn trọng ngày yên nghỉ và cốt lõi của giới răn nầy là dạy chúng ta an nghỉ trong Chúa hay tận hưởng Chúa. Giới răn thứ tư như sau:
 

       Hãy giữ ngày nghỉ để làm nên ngày thánh như Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con đã truyền dạy. Con phải làm tất cả công việc mình trong sáu ngày, nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ dành cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con. Trong ngày đó, con, con trai con gái, tôi trai tớ gái, bò lừa hay bất cứ súc vật nào của con, cả đến ngoại kiều ở trong thành của con đều không được làm việc, để cho tôi trai tớ gái của con cũng được nghỉ như con. Hãy nhớ rằng con đã làm nô lệ trong xứ Ai-cập, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con đã dang cánh tay đầy quyền năng đem con ra khỏi đó. Vì vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con đã truyền dạy con phải giữ ngày nghỉ (Phục truyền 5:12-15)
 

       Có hai điều cần nói về Giới Răn Thứ Tư:
 

       1. Đây là giới răn ở thể xác định
 

       Không phải là điều cấm kỵ nhưng là điều bảo chúng ta làm. Ba giới răn đầu Chúa bảo không được thờ thần khác, không được làm hình tượng, không được lấy Danh Chúa làm chơi. Đó là những điều cấm, không được làm còn Giới Răn Thứ Tư bảo chúng ta phải làm. Sách Xuất Hành ghi giới răn nầy như sau:
 

       Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh! (Xuất Hành 20:8)
 

       Lời dạy của giới răn nầy là “nhớ.” “Nhớ”  hàm ý ghi khắc trong lòng và làm theo.
 

       Điều thứ hai chúng ta cần biết về Giới Răn Thứ Tư là lý do Chúa ban cho con dân Ngài điều luật nầy.
 

       2. Lý do Giới Răn Thứ Tư được ban bố là việc con dân Chúa được giải phóng khỏi Ai-cập
 

       Lãnh tụ Môi-se nói với con dân Chúa như sau:
 

       Hãy nhớ rằng con đã làm nô lệ trong xứ Ai-cập, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con đã dang cánh tay đầy quyền năng đem con ra khỏi đó. Vì vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con đã truyền dạy con phải giữ ngày nghỉ (Phục truyền 5:15)
 

       Lý do con dân Chúa mỗi sáu ngày phải dành một ngày để nghỉ ngơi là vì họ đã được Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ tại Ai-cập và được vào yên nghỉ trong vùng Đất Hứa. Điểm được nhấn mạnh trong Giới Răn Thứ Tư là an nghỉ, an nghỉ trong ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Làm nô lệ tại Ai-cập tượng trưng cho việc con người làm nô lệ cho tội lỗi. Ra khỏi Ai-cập là ra khỏi gông cùm tội lỗi và bước vào vùng Đất Hứa của Chúa, vùng an nghỉ.
 

       Chúa Giê-xu kêu gọi:
 

       Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ (Phúc Âm Ma-thi-ơ 11:28)
 

       Đến với Chúa Giê-xu, tin nhận Chúa Giê-xu chúng ta sẽ được an nghỉ chẳng khác gì con dân Chúa ra khỏi Ai-cập vào an nghỉ trong vùng Đất Hứa. Chính trong ý niệm đó mà câu hỏi: “Mục đích chính của đời người là gì?” được trả lời là: “Mục đích chính của đời người là làm rạng Danh Thiên Chúa và tận hưởng Ngài mãi mãi!” Chúng ta làm rạng Danh Thiên Chúa khi chúng ta tôn thờ Thiên Chúa và khi tôn thờ Ngài, chúng ta sẽ tận hưởng Chúa trong tình yêu, sự chăm sóc và bảo bọc của Ngài. Vâng giữ Giới Răn Thứ Tư là tận hưởng Chúa. Chúa phán:
 

       Ngày sa-bát được tạo nên vì loài người, chứ không phải loài người được tạo nên vì ngày sa-bát (Phúc Âm Mác 2:27)
 

       “Ngày sa-bát tức là ngày thứ bảy được tạo nên vì loài người” nghĩa là Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ngày nầy để chúng ta an nghỉ chứ không phải để chúng ta bị gò bó, giữ luật lệ cách khắt khe. Tác giả thư Hy-bá là lá thư gởi cho các tín hữu Do-thái trong thế kỷ thứ nhất viết như sau:
 

       Chúng ta là những người đã tin thì bước vào sự an nghỉ… Ai bước vào sự an nghỉ của Đức Chúa Trời thì nghỉ công việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài vậy (Thư Hy-bá 4:3, 10)
 

       An nghỉ thật là an nghỉ trong Chúa. An nghỉ trong Chúa là chúng ta không phải cố gắng để giữ luật của Chúa nhưng một khi đã tin nhận Chúa, chúng ta sẽ tự động, tự nhiên làm điều Chúa muốn chúng ta làm!
 

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn