Đang truy cập : 118
•Máy chủ tìm kiếm : 3
•Khách viếng thăm : 115
Hôm nay : 11917
Tháng hiện tại : 137569
Tổng lượt truy cập : 25568931
“Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau và tánh tự cao đi trước sự sa ngã” (Châm Ngôn 16:18).
Thưa quý thính giả,
Sáu tháng đã trôi qua kể từ ngày có dịch bệnh COVID-19. Hơn 10 triệu người mắc bệnh và hơn nửa triệu người đã tử vong trên toàn thế giới. Khi nào thì dịch bệnh nầy mới giảm và chấm dứt? Ai trong chúng ta cũng trông mong và đặt câu hỏi.
Nữ bác sĩ Elisabeth Kubler-Ross trong quyển sách nói về chết và chờ đợi trước cái chết, xuất bản năm 1969, phân tích tâm lý của những người có người thân qua đời cho rằng, những người chịu tang người thân thường trải qua những giai đoạn như sau: phủ nhận, tức giận, thương lượng, trầm cảm và chấp nhận. Tôi nhận thấy có điểm tương đương về những giai đoạn nầy trước dịch bệnh chúng ta đang trải qua. Bắt đầu, chúng ta phủ nhận, không nghĩ rằng dịch bệnh nầy có thể đến với mình. Kế đến chúng ta tức giận vì nó đã đến. Nhưng rồi chúng ta thương lượng, tìm cách ngăn ngừa hay làm thế nào để tránh dịch bệnh. Tuy nhiên, vì phải chờ đợi quá lâu, hết tháng nầy qua tháng khác, tinh thần chúng ta bắt đầu đi xuống. Nhiều người buồn rầu, thất vọng vì phải sống trong gò bó, cách ly. Rồi tình trạng nầy kéo dài, nên chúng ta đành chấp nhận để sống.
Đây chỉ là một sự so sánh tương đối nhưng nó cho chúng ta một cái khung nhìn về dịch bệnh và phản ứng trước dịch bệnh và tôi muốn thêm vào hai điều nữa vào những giai đoạn nầy. Hai điều đó là tin tưởng và hy vọng. Tác giả Kubler-Ross nói đến vấn đề trong cái nhìn của y học và tâm lý nhưng con người chúng ta cũng là con người tâm linh, nên tin tưởng và hy vọng là hai điều chúng ta cần có. Tác giả nói đến việc chấp nhận sau những khổ đau. Nhưng để có thể chấp nhận, chúng ta cần có một niềm tin. Chúng ta cần phải có một cái gì để tin tưởng vào thì mới có thể chấp nhận được. Trong một Câu Chuyện Phúc Âm lúc mới bắt đầu dịch bệnh, tôi nhắc đến một nhân vật trong Kinh Thánh tên là Gióp. Ông trải qua nhiều nỗi khổ đau của đời sống: 10 người con chết trong thiên tai, gia tài bị cướp bóc, chính mình ông thì mắc chứng nan y, vợ chê cười, bạn bè lên án, trong nỗi khổ cùng cực đó, ông Gióp đã rủa sả ngày sinh của mình, ông phàn nàn về những hoạn nạn của mình, ông nói lên những gian khổ của loài người. Cho đến cuối cùng, ông được trực diện với Thiên Chúa. Thiên Chúa thể hiện cho ông qua những công trình sáng tạo của Ngài và ông nhìn thấy được một Thiên Chúa quyền năng, cao cả, cầm quyền trên tất cả. Lúc đó, ông mới tỉnh ngộ và nói:
Trước đây tai con có nghe đồn về Chúa nhưng bây giờ mắt con đã thấy Ngài. Vì vậy, con ghê tởm chính mình và ăn năn trong tro bụi (Gióp 42:5-6)
Khi trực diện với Thiên Chúa, ông Gióp mới thấy rõ thân phận con người của mình và rồi ông ăn năn. Điều nầy nói lên đức tin của ông Gióp, nói đến sự tin tưởng của ông Gióp nơi Thiên Chúa. Quý vị và tôi cũng vậy, trong thân phận con người, chúng ta không hiểu được tất cả những gì đang xảy ra, cũng không tìm thấy câu trả lời. Nhưng đàng sau những diễn biến nầy, chúng ta phải biết rằng có một Thiên Chúa quyền uy đang cầm quyền trên tất cả. Ngài cho phép sự việc xảy ra để thử thách con người, để cảnh báo con người. Chúng ta cần có cái nhìn của Thiên Chúa trong những sự việc nầy.
Con dân của Chúa ngày xưa vì phạm tội, chống lại Thiên Chúa nên đất nước họ bị tàn phá, họ bị lưu đày qua một vùng đất xa lạ. Những người còn ở lại trong nước phải sống qua những tháng năm vô cùng bi đát. Một vị tiên tri cùng sống với con dân Chúa trong hoàn cảnh khốn đốn nầy là tiên tri Giê-rê-mi. Sau những lời ai oán ông viết trong sách Ca Thương đã viết:
Vì ấy là chẳng phải bản tâm Ngài làm cho con cái loài người cực khổ và buồn rầu (Ca Thương 3:33)
Bản tâm Thiên Chúa không bao giờ muốn cho con người đau khổ. Đau khổ là do chính chúng ta gieo ra và gặt lấy! Cũng trong sách Ca Thương, tiên tri Giê-rê-mi viết:
Dầu Ngài đã làm cho lo buồn, còn sẽ thương xót theo sự dư dật của lòng nhân từ Ngài (Ca Thương 3:32)
Hai điều chúng ta có thể tin tưởng nơi Thiên Chúa là sự thương xót và lòng nhân từ của Thiên Chúa:
Dầu Ngài đã làm cho lo buồn, còn sẽ thương xót theo sự dư dật của lòng nhân từ Ngài
Thiên Chúa thương xót con người chúng ta và lòng thương xót đó dựa trên lòng nhân từ của Ngài. Lòng nhân từ nầy được mô tả là dư dật, nghĩa là nhiều lắm, tràn dâng, ngập tràn trên chúng ta. Chúng ta chỉ cần tin tưởng nơi Ngài. Tiên tri Giê-rê-mi viết:
Nhờ lòng nhân từ của Chúa Hằng Hữu mà chúng ta không bị tiêu diệt, lòng thương xót của Ngài không bao giờ dứt. Mỗi buổi sáng, lòng thương xót của Chúa tươi mới luôn, sự thành tín Ngài lớn biết bao (Ca Thương 3:22-23)
Cùng với tin tưởng, chúng ta sẽ có hy vọng. Ông Gióp trong hoàn cảnh đau thương, khốn đốn đã nói:
Còn tôi, tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi vẫn sống, đến cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất. Dù khi da thịt tôi tan nát, với xác thân nầy tôi vẫn thấy Đức Chúa Trời. Chính tôi sẽ thấy Ngài, mắt tôi sẽ nhìn ngắm Ngài, chứ không phải người khác, lòng tôi mong chờ đến héo hon! (Gióp 19:25-27)
Ông Gióp mong chờ đến héo hon nhưng ông vẫn mong chờ, vì ông có hy vọng nơi Thiên Chúa hằng sống. Tiên tri Giê-rê-mi cũng vậy. Ông nói:
Xin Chúa nhớ đến nỗi phiền ưu và cảnh đời lưu lạc của con, chỉ có ngải cứu và mật đắng. Con vẫn luôn nhớ đến điều đó, linh hồn con mòn mỏi trong con nhưng khi nhớ lại điều đó thì con có hi vọng (Ca Thương 3:19-21)
Hy vọng là điều cần nhất trên đời. Chúng ta không thể sống nếu không có hy vọng. Hy vọng của chúng ta là hy vọng nơi Thiên Chúa hằng sống, quyền năng và cầm quyền tể trị với bản chất yêu thương. Do đó, những gì Thiên Chúa cho phép xảy ra là với mục đích tốt đẹp như Lời Chúa dạy:
Chúng ta biết rằng mọi sự hợp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài (Thư Rô-ma 8:28)
Nếu “mọi sự hợp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời” thì chúng ta chỉ cần yêu mến Đức Chúa Trời, mọi điều sẽ hợp lại mang lợi ích cho chúng ta. Chúng ta yêu mến Chúa bằng cách công nhận Ngài là Đấng tạo dựng chúng ta, tôn thờ Ngài, đặt đức tin nơi Ngài qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta sẽ kinh nghiệm ơn tha thứ và tình yêu Chúa dành cho chúng ta.
Sáu tháng đã trôi qua kể từ ngày có dịch bệnh. Mỗi chúng ta đã trải qua những phản ứng phủ nhận, tức giận, thương lượng, thất vọng. Nhưng trên những điều nầy, chúng ta cần tin tưởng để có hy vọng. Tin tưởng nới Thiên Chúa toàn năng, yêu thương trong chương trình tốt đẹp của Ngài để rồi có hy vọng nơi một ngày mai tươi sáng dù phải trông mong chờ đợi.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn