07:29 EDT Thứ bảy, 04/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 39

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 37


Hôm nayHôm nay : 9600

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 33657

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23042690

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

“Con Ông Con Bà”

“Con Ông Con Bà”

“Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp” (câu 28).

Xem tiếp...

Bữa Cơm Tối

Thứ hai - 13/08/2018 20:22
Bữa Cơm Tối

Bữa Cơm Tối

Kính thưa quý thính giả, Tôi còn nhớ, vào năm 1972, khi tôi vừa học xong bậc tiểu học thì cha mẹ cho tôi thi tuyển vào một trường trung học rất nổi tiếng ở Sài gòn. Đầu đề của bài thi luận văn năm đó là: “Trong các bữa ăn trong gia đình, em thích bữa ăn nào nhất? Hãy tả lại bữa ăn đó và nêu rõ lý do tại sao em thích bữa ăn này nhất”.



              Kính thưa quý thính giả,

              Tôi còn nhớ, vào năm 1972, khi tôi vừa học xong bậc tiểu học thì cha mẹ cho tôi thi tuyển vào một trường trung học rất nổi tiếng ở Sài gòn. Đầu đề của bài thi luận văn năm đó là: “Trong các bữa ăn trong gia đình, em thích bữa ăn nào nhất? Hãy tả lại bữa ăn đó và nêu rõ lý do tại sao em thích bữa ăn này nhất”.

              Trong bài luận văn thi tuyển lần đó, tôi đã chọn bữa ăn tối là bữa ăn mà tôi thích nhất. Cho đến nay, tôi không còn nhớ hết các chi tiết mà tôi đã nêu ra, nhưng tôi biết chắc là tôi thích buổi ăn tối nhất, vì đó là thời giờ mà cả gia đình, trong đó có ông bà, có cha mẹ, có chị, có anh, có các em, vui vầy, xúm xít với nhau chung quanh bàn ăn, trong một bầu không khí thân mật và ấm cúng.

              Trong một xã hội quá sức bận rộn, ai ai cũng đầu tắt mặt tối, hình ảnh của những buổi ăn tối với mọi người trong gia đình, xúm xít chung quanh bàn ăn ngày càng thưa dần. Có phải vì như vậy, mà vợ chồng ngày nay dễ xa cách, khiến cho tỷ lệ ly dị lên thật cao? Có phải vì thiếu những giây phút thân thiết bên nhau, mà sự cách biệt giữa cha mẹ và con cái ngày càng lớn lao, khiến cho ngôi nhà không còn là mái ấm nữa?

              Có những điều thật đơn giản, nhưng đem đến những kết quả thật lớn lao. Một trong những điều đơn giản đó là những buổi ăn tối hằng ngày, với cả gia đình sum họp chung quanh bàn ăn. Cái bàn ăn bằng gỗ, với bốn chân, với một vài cái ghế xếp chung quanh, tuy là một vật dụng đơn giản, nhưng khi sử dụng thường xuyên, sẽ đem lại nhiều thân thiết, gắn bó và lợi ích lâu dài đến với các thành viên trong gia đình.

              Nhớ lại hồi còn nhỏ, khi trời vừa chạng vạng tối, ánh đèn đường vừa bật lên, thì dù đang vui vẻ với đám bạn như thế nào, đang ở đâu đó trong một góc hẻm hay một sân cỏ nào đó, là tôi phải ù chạy ngay về nhà, vì biết rằng giờ ăn tối đã đến và mọi người đều phải ngồi vào bàn cùng một lúc. Có những bữa ăn tối với đồ ăn thật ngon miệng, nhưng cũng có những bữa ăn với đồ ăn thật đạm bạc, tùy theo thời thế công ăn việc làm của cha mẹ, nhưng những buổi cơm tối không phải chỉ để ăn bữa tối mà thôi. Đó là thời giờ trong ngày mà cả gia đình sum họp, chuyện trò. Đó là thời giờ mà cha mẹ truyền đạt những nguyên tắc sống thật quý giá trên đời. Đó là thời giờ những đứa con khoe khoang và muốn được nghe cha mẹ khen tặng vì những thành tích chúng lập được. Đó là thời giờ cả gia đình ngồi với nhau, vừa ăn tối, vừa tâm sự, để sẻ chia, nâng đỡ, hướng dẫn, khích lệ nhau trong mỗi ngày.

              Thế mà trong thời đại ngày nay, đến giờ ăn tối, để có được mọi người ngồi vào bàn ăn cùng một lúc là một cố gắng phi thường. Vợ chồng đi làm ca khác nhau, ai về trước ăn trước, ai về sau ăn sau. Đi làm về, bước xuống bếp, bới một tô cơm với đồ ăn, rồi ra ngồi xuống trước cái TV, vừa ăn mà mắt thì dán dính vào cái màn hình. Lũ trẻ con thì bận rộn với vô số bài vở ở trường, hay bận phải học thêm ở đâu đó, hay bận chat trên internet, hay đang dán mũi vào mấy cái máy game, có gào thét lắm, chúng nó mới chịu buông ra để bước vào bàn ăn. Ngôi nhà bỗng tự nhiên trở thành cái nhà trọ, ai cũng bận rộn với cái thời khóa biểu riêng của mình.

              Cả gia đình cần phải thường xuyên ngồi lại với nhau, để cùng nhau dùng bữa tối với nhau. Tại sao vậy?

              Kính thưa quý thính giả,

              Các nghiên cứu cho biết, trẻ con thường xuyên gần gũi bên cha mẹ trong các bữa cơm gia đình, thường rất giàu từ vựng, học hành giỏi giang hơn, thường tránh được các tệ nạn như hút sách, rượu chè hay tránh được các cạm bẫy tình dục.

              Trong một ngày, qua các hệ thống thông tin khổng lồ, từ TV, radio, internet, sách báo, đầu óc các trẻ em bị nhồi nhét biết bao là ý tưởng thiếu lành mạnh, biết bao là tiếng nói phỉnh gạt đầy quyến rủ. Nhờ qua thời giờ dùng bữa với nhau mà cha mẹ có thể lắng nghe con cái, để rồi có thể dặn dò, có thể xác định lại với chúng, điều gì là đúng, điều gì là sai, điều gì nên làm và điều gì phải tránh.

              Các chuyên gia về trẻ em cho biết, bầu không khí ấm cúng, vui vẻ, dễ chịu của bữa ăn trong gia đình, cộng với các nhiều động tác bận rộn như cầm đũa, bới cơm, gắp đồ ăn, múc canh vào chén, lột trái chuối, cắt trái cam vv. khiến các em, nhất là các em đang ở tuổi thiếu niên, cảm thấy bớt căng thẳng, cho nên chúng trở nên cởi mởi và dễ thổ lộ hơn, so với trong những hoàn cảnh khác. Không có gì tuyệt vời cho bằng, gắp vào chén của con một miếng ngon, đưa cho nó một chén súp, cắt cho nó một miếng trái cây, rồi cha mẹ kể cho con cái về những suy nghĩ của mình, và các con cũng cảm thấy thật dễ chịu để lắng nghe, thật cởi mở để thổ lộ.

              Một khi cha mẹ và con cái đã cởi mở, đã gần gũi, để nói chuyện với nhau, các bậc phụ huynh nhờ đó mà biết được con cái mình đã làm gì, đã suy nghĩ những gì, đã tiếp xúc những ai trong ngày; chúng nó có điều gì hãnh diện hay điều gì đang lo âu, hầu cho chúng ta kịp thời sửa đổi, hướng dẫn, khen ngợi hay giúp đỡ chúng.

              Khi con cái trưởng thành phải rời xa gia đình, hay khi có sự trục trặc giữa cha mẹ và con cái, những bữa cơm thân mật trong gia đình với bao kỷ niệm yêu thương, sẽ là những yếu tố quyết định, để lôi kéo chúng trở về dưới mái ấm.

              Quý thính giả thân mến,

              Với lợi ích to lớn và lâu dài của những bữa ăn trong gia đình, chúng ta dầu bận rộn đến đâu, cũng nên ra sức để sắp xếp thời giờ, hầu cho mọi người có thể ngồi vào bàn chung với nhau trong, nếu không được 7 ngày một tuần, thì 6 ngày, hay 5 ngày, hay 4 ngày mỗi tuần, thậm chí dầu chỉ một ngày trong tuần, vì có vẫn còn hơn không.

              Đừng biến những bữa ăn thành ra những buổi kiểm thảo gắt gao về bài làm ở trường hay công việc ở nhà. Thời giờ của những buổi ăn phải được thảnh thơi, vui vẻ.

              Trong lúc ăn, đừng mở TV hay radio để chỉ tập trung với nhau. Cũng đừng đọc sách hay chơi game trong giờ ăn để được lắng nghe nhau. Cũng nên tắt máy điện thoại để thời giờ quý giá bên nhau không bị quấy rầy.

              Nên chia sớt công việc chuẩn bị bữa ăn cho nhau và đây cũng là một cách giúp con trẻ biết trách nhiệm, tránh ỷ lại và biết ơn về công lao của cha mẹ. Nếu người mẹ nấu ăn, thì các con có thể phụ dọn bàn, xếp chén đũa, và sau bữa ăn, có thể giúp đỡ để lau bàn hay rửa chén.

              Đừng hỏi các con các câu hỏi có tính bắt bí, nhưng hãy cởi mở, cho chúng có quyền tự do bày tỏ những ý tưởng hay các đề nghị của chúng. Các bậc cha mẹ nên bắt đầu câu chuyện bằng cách chia sẻ về chính mình trước và hỏi lại các con sau.

              Hãy học cách lắng nghe. Trẻ con, nhất là tuổi thiếu niên, thường rất hay e ngại phải thổ lộ. Do vậy, khi chúng cảm thấy vui vẻ, thân thiện để bắt đầu nói, hãy học im lặng và tập lắng nghe.

              Dạy dỗ con một cách thân mật, vui vẻ, đừng quá khắt khe hay quá nghiêm nghị, khiến bữa ăn đâm ra nặng nề. Hãy kể lại chính kinh nghiệm bản thân của mình, với những thành công và kể cả những thất bại, kể cả những lỗi lầm, để hướng dẫn chúng một cách chân tình và cởi mở.

              Hãy xây dựng cho mọi thành viên trong gia đình một thói quen. Đó là đặt ưu tiên cho thời giờ ăn bữa chung với nhau và mọi người nên sắp xếp công ăn việc làm hay việc học hành sao cho phù hợp, để cha mẹ con cái có được nhiều thời giờ, được nhiều cơ hội để thân thiết, gắn bó với nhau chung quanh bàn ăn mỗi ngày.

              Kính thưa quý thính giả,

              Hình ảnh của bữa ăn chung với nhau biểu tượng cho sự thân thiết và gắn bó, như Kinh Thánh cũng so sánh thiên đàng giống như một tiệc cưới, mà trong đó, nhiều người xúm xít chung quanh bàn tiệc thịnh soạn với tấm lòng vui vẻ, chan hòa tình thân.

              Chúa Cứu Thế Giê-xu, trong khi còn tại thế, đã dành thời giờ để ăn chung với những người thâu thuế, cùng những hạng người tương tự như vậy, mà xã hội thời đó đã công khai chỉ trích và xem thường họ. Hình ảnh của Chúa Cứu Thế Giê-xu, hay chính là Thượng Đế trong thân xác con người, ngồi dùng bữa chung với những người bị xã hội lên án và ruồng rẫy, nói lên sự cảm thông cùng tấm lòng thương yêu vô hạn của Con Trời, rằng Ngài đã giáng trần, không phải để lên án, nhưng để cứu người ra khỏi tội.

              Chúa Cứu Thế Giê-xu, hay chính là Thượng Đế Ngôi Hai, đã tự nguyện giáng trần, để rồi chịu chết treo trên cây thập tự, làm của lễ chuộc tội cho muôn người, trong đó có bạn và tôi, hầu cho hễ ai tin vào sự chết thế đó, thì được Thượng Đế tha tội, được khôi phục địa vị làm con của Đấng Tối Cao và dĩ nhiên, được thừa hưởng thiên đàng phước hạnh cho đến muôn đời.

              Chúa Cứu Thế Giê-xu đang tha thiết muốn bước vào tấm lòng của bạn và tôi, để cùng dùng bữa với chúng ta mỗi ngày, trong tình thân mật dưới một gia đình, để cùng lắng nghe, để cùng chuyện trò, để cảm thông, yên ủi, cũng như để sẻ chia thiên đàng với bạn và tôi, như lời Ngài có ghi lại trong sách Khải Huyền 3:20: “Này, Ta đứng bên cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa ra, Ta sẽ vào với người ấy; Ta sẽ ăn tối với người, và người với Ta”.

              Ước mong bạn và tôi có thật nhiều những bữa ăn tối thân mật trong gia đình với nhau.

              Ước mong chúng ta cũng có nhiều những bữa ăn tối đầy phước hạnh với sự hiện diện với Cứu Chúa Giê-xu nữa.

              Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: bữa ăn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn