00:43 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 23

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 22


Hôm nayHôm nay : 2803

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 268843

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22998250

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Cái Ôm Tôi Sẽ Không Bao Giờ Quên

Thứ hai - 27/08/2018 20:25
Cái Ôm Tôi Sẽ Không Bao Giờ Quên

Cái Ôm Tôi Sẽ Không Bao Giờ Quên

Khi đang lái xe trên xa lộ, tôi tự ép với chính bản thân mình: “Mình phải đến thăm cha, rồi ở lại với cha trong đêm nay” Rồi tôi cũng tự nhắc nhở mình: “Lúc nào cũng nên ở lại với cha mẹ khi mình có dịp đến thăm, chứ đừng ở lại nhà của chị mình”



                 Khi đang lái xe trên xa lộ, tôi tự ép với chính bản thân mình:

                 “Mình phải đến thăm cha, rồi ở lại với cha trong đêm nay”

                 Rồi tôi cũng tự nhắc nhở mình:

                 “Lúc nào cũng nên ở lại với cha mẹ khi mình có dịp đến thăm, chứ đừng ở lại nhà của chị mình”

                 Nói về cha tôi, ông giống như một ngôi pháo đài kiên cố và yên lặng, dấu khuất đằng sau những ánh mắt nghiêm nghị hay những câu nói cụt ngủn cộc lốc. Ngót gần ba mươi lăm năm qua, có lúc tôi phải tảng lờ, có khi tôi cũng cố gắng để được ông chấp nhận, nhiều khi tôi cũng ra sức để đạt được một thành tích nào đó cho ông vui lòng, nhưng mọi cố gắng dường như chẳng đạt đến một kết quả nào.

                 Hoặc tảng lờ, hoặc cố gắng hết sức cũng chẳng đem lại cho tôi sự thỏa lòng nào cả. Khi tôi cố tình tránh né cha tôi, tôi tránh được cảm giác bị hất hủi trong lúc mặt đối mặt với ông, nhưng dầu vậy trong nơi sâu kín của tâm hồn, tôi vẫn khao khát làm sao tạo được mối dây liên hệ gần gũi với ông. Nhiều lần, khi tôi gợi chuyện với cha tôi, cử chỉ lạnh lùng của ông khiến tôi đau nhói. Tôi cảm thấy mình bị nhốt chặt trong một tình huống thật là tuyệt vọng.

                 Trong khi đó, mối dây liên hệ giữa tôi và mẹ tôi thì hoàn toàn khác. Dầu cha mẹ tôi và tôi sống ở hai nơi, cách xa nhau hơn cả trăm cây số, nhưng tôi và mẹ tôi lại đồng một cảm nghĩ, nhờ qua những lá thư hay những cú điện thoại mỗi tuần. Mẹ tôi biết tôi rất khao khát muốn được gần gũi với cha, nhưng mẹ không bao giờ đề nghị tôi phải làm gì để đạt được như vậy. Sự cảm thông của mẹ, cùng với những cái ôm thật chặt của người, đã yên ủi tôi thật nhiều, nhưng vẫn không xóa được nỗi ao ước trong lòng tôi là được thân mật gần gũi với cha tôi.

                 Trong khi đang kiếm mọi cách, trong lòng tôi lại phát sinh ra một ý tưởng thật là kỳ lạ, đến nỗi tôi cũng không dám thổ lộ cả với mẹ của tôi. Mặc dầu cha tôi lớn tuổi hơn mẹ tôi, nhưng sao tôi cứ sợ rằng, mẹ sẽ qua đời trước, để mình tôi bơ vơ với người cha hoàn toàn khép kín, chẳng bao giờ mở một lời tâm sự. Nỗi lo sợ đã trở nên sự thật khi bác sĩ cho biết mẹ bị ung thư xương và chắc chỉ còn sống ba hay bốn năm nữa mà thôi.

                 Trong thời gian đi lại chăm sóc thuốc thang cho mẹ, tôi cứ mãi suy nghĩ làm sao tôi có thể ở lại một mình với cha tôi dưới một mái nhà trong những lần tôi đến thăm ông, vì giờ đây người ta đã đem mẹ tôi vào khu nhà chăm sóc đặc biệt cho người già bị bệnh rồi.

                 Suốt hai tiếng đồng hồ lái xe đến bệnh viện để thăm mẹ, tôi thuyết phục với chính bản thân tôi:

                 “Mình phải ở lại với cha đêm nay.

                 Ở thì ở, nhưng chắc mình phải khổ sở phải chịu đựng thôi. Cha sẽ không nói quá hai lời với mình.

                 Con gái ngoan thì phải thăm cha chứ.

                 Đành là như vậy, nhưng cha mình sao thật là kỳ cục quá, chẳng bao giờ muốn nói chuyện với con gái của mình”

                 Tôi nhớ cha tôi cho tôi và chị tôi đi học ở bậc đại học, mà ông không bắt chúng tôi phải trả một xu nào cả.

                 “Đúng là như vậy, nhưng cha tôi chẳng bao giờ hỏi tôi muốn làm gì với mãnh bằng trên tay, mà cũng chẳng hỏi tôi đậu cao hay đậu thấp ra sao cả”

                 Tôi cũng chợt nhớ hai chị em chúng tôi chẳng bao giờ thiếu ăn hay thiếu mặc cả.

                 “Đành là như vậy, nhưng tôi phải mặc quần áo cũ của chị tôi để lại. Tôi chẳng bao giờ được mặc áo quần theo kiểu mới cả. Cha tôi tiết kiệm quá sức nên đâu bao giờ cho hai chị em chúng tôi được ăn diện như các bạn gái khác”.

                 Tôi lại nhớ đến những kỳ nghỉ hè, cha đưa cả gia đình đi qua nhiều tiểu bang, thậm chí lên tới tận Canada, để thưởng thức vô số cảnh đẹp cùng nhiều di tích thật là thú vị.

                 “Đúng là như vậy, nhưng chúng tôi phải ở trong những khách sạn thật rẻ tiền xa lắc xa lơ, chứ đâu được ở những nơi nghỉ mát đầy đủ tiện nghi gần bãi biển hay trên những sườn núi thơ mộng”

                 Dường như mỗi suy nghĩ tốt lành về cha tôi lại bị một ký ức thiếu vui vẻ nào đó đến phá tan đi. Trong khi tôi đang than van trong lòng về khoảng đời niên thiếu đã qua của mình, những câu Kinh Thánh lại hiện lên trong óc tôi, như trong sách 1 Giăng 4:19 có nói: “Chúng ta yêu vì Thượng Đế đã yêu chúng ta trước”, hay như trong thơ Rô-ma 5:8 có ghi: “Nhưng Thượng Đế đã tỏ tình yêu lớn lao của Ngài như sau: Trong khi chúng ta đang là tội nhân thì Chúa Cứu Thế chịu chết vì chúng ta”

                 Chiều sâu vô tận trong tình yêu của Thiên Chúa khiến tâm hồn tôi choáng ngợp và ngây ngất. Ngài vẫn yêu chúng ta trong khi chúng ta chẳng đáng yêu chút nào cả.

                 Bỗng nhiên, tôi chợt nhớ đến câu khẩu hiệu mà tôi thường dùng trong lúc tư vấn những tay nghiện rượu: “Cứ làm bộ y như thật cho đến khi anh thật sự làm được”.

                 Điều này làm sáng tỏ điều tôi phải thực hiện. Tôi nên đối xử với cha tôi như là một người cha tuyệt vời nhất trần gian này mà tôi từng mơ ước. Cho dầu cha tôi sẽ phản ứng ra sao, tôi vẫn cứ cho cha tôi biết rằng tôi quan tâm đến ông. Tôi sẽ không đợi tình thương của ông đến trước, nhưng tôi sẽ bày tỏ tình thương của tôi trước với ông.

                 Buổi tối hôm đó, cha tôi và tôi ngồi ăn bữa khuya bởi tay cha tôi nấu. Tôi khen món ăn ngon, nhưng cha tôi chẳng nói một lời.

                 Sau buổi ăn, tôi dọn dẹp trong nhà bếp, rồi sau đó ra với cha tôi đang ngồi trong phòng khách. Chúng tôi ngồi, mỗi người một nơi trong phòng khách, đọc báo trong im lặng. Đến mười giờ tối, cha tôi cho biết ông sẽ đi lên giường và để tôi ngồi lại một mình.

                 Sáng hôm sau, tôi dự định vào thăm mẹ tôi ở bệnh viện rồi mới về nhà mình. Cha tôi cùng bước ra ngoài với tôi. Trước khi chui vào xe, tôi quàng cánh tay mình trên cha tôi, rồi nói: “Cha, con thương cha”. Tôi có cảm giác như cha tôi là khúc gỗ khi tôi đang ôm ông; hai cánh tay của ông không hề nhúc nhích.

                 Vài tuần lễ sau đó là ngày Lễ Của Cha, tôi chẳng muốn gọi cho cha tôi chút nào cả, nhưng rồi tôi lại tự nói với mình: “Hãy cứ làm như mình có một người cha tuyệt vời nhất trên trần gian này”.

                 Tôi chúc cha tôi một ngày Thân Phụ vui vẻ, rồi hỏi ông về chuyện vườn tược, biết chắc thế nào ông cũng có điều gì để nói. Cha tôi kể ông đã nhổ vài củ cải đỏ, nấu canh đem vào bệnh viện cho mẹ tôi, rồi nào ông đuổi mấy con thỏ chui vào vườn ăn đậu, cũng như ông sắp cắt một mớ măng tây.

                 Cuối cùng, trước khi cúp điện thoại, tôi nói: “Cha, con thương cha”.

                 Cha tôi chỉ nói “bye” rồi cúp máy.

                 Một tuần sau đó, tôi gọi thăm mẹ tôi, thì bà cho biết: “Nè, cha con nói ổng vui lắm đó, vì con có gọi thăm ổng trong ngày Lễ Của Cha”

                 Tôi rất đỗi thắc mắc tại sao cha mình không thể nói điều này với mình.

                 Chín tháng sau đó, trong khi chứng ung thư bào mòn xương tủy của mẹ tôi, thì tôi vẫn tiếp tục bày tỏ tình thương đơn phương với cha tôi. Trong tháng ba, tôi tổ chức một buổi tiệc sinh nhật để mừng sinh nhật của hai cha con chúng tôi chỉ cách nhau có mười ngày. Khi tôi đang điểm lại các thiệp sinh nhật bày trên bàn, thì cha tôi hỏi:

                 - Chị Francine có gởi thiệp cho con không?

                 Tôi kiểm lại mớ thiệp trên bàn, rồi trả lời:

                 - Chị Francine quên ngày sinh nhật của con, quên gởi thiệp cho con rồi!

                 Cha tôi đáp lại:

                 - Thiệp gì? Chẳng qua là một tờ giấy thôi…

                 Tôi không đồng ý:

                 - Con biết, nhưng …

                 Cha tôi đỡ lời tôi:

                 - Cha nói vậy để con cũng bớt buồn…

                 Khi nghe cha nói vậy, tôi vô cùng sửng sốt. Hồi nào đến giờ, tôi nghĩ rằng cha tôi không có cảm xúc vì ông không bao giờ lộ ra một sự xúc động nào. Nhưng đằng sau khuôn mặt lạnh lùng kia, cha tôi vẫn có những cảm xúc và ông có quan tâm đến tôi. Lần này, tôi thật ngạc nhiên đến nỗi không nói nên lời.

                 Vài tháng sau, trong một lần ghé thăm, tôi nói với cha tôi:

                 - Cha ơi, con cảm ơn cha nhiều lắm vì cha nuôi con ăn học tới bậc đại học. Cảm ơn cha thật nhiều.

                                  - Cha không bao giờ dám nghĩ rằng mình sống lâu để một ngày nào đó được nghe ai nói tiếng cảm ơn.

                 Suốt cả đời, tôi thèm muốn tình thương của cha và được cha chấp nhận, và giờ đây tôi chợt nhận ra cha tôi cũng thèm khát điều tương tự như vậy.

                 Cha tôi ra khỏi phòng, để tôi một mình miên man suy nghĩ đã biết bao lần, ông đã làm nhiều điều thật là đặc biệt cho tôi: nào là mua cho tôi cà-rem có nhúng sô-cô-la, dẫn tôi đi ăn các món ngon, mua cho tôi những món quà lạ lùng đến nỗi ông phải chỉ tôi cách sử dụng, khiến cả hai cha con bật cười; rồi ông đi dự các buổi họp phụ huynh trong trường, theo dõi các buổi hòa nhạc hay diễn kịch có tôi dự phần, giúp tôi sắp đặt cái viễn vọng kính để nhìn những miệng núi lửa trên mặt trăng, làm cho tôi cái lồng để bắt mấy con đom đóm. Tôi đã cám ơn cha tôi được mấy lần? Thật là chẳng thấm vào đâu cả.

                 Vì có học ngành tâm lý trong trường đại học, tôi biết rất rõ tầm quan trọng khi một người cảm thấy mình được công nhận. Thật là đáng buồn làm sao, khi cha tôi nay đã được tám mươi rồi, đã từng là một kỹ sư thành công, là người thông minh nhất trên đời mà tôi từng biết đến, lại không thể biểu lộ, không thể ban phát tình thương, không thể đón nhận được tình thương một cách tự nhiên theo như tấm lòng bên trong mong ước.

                 Kế hoạch đối xử với cha tôi như là một người cha tuyệt vời nhất trên trần gian này đã thành công, bất chấp động cơ thật ích kỷ của tôi. Cha tôi, thực sự, đã là người cha tuyệt vời nhất trên trần gian này. Cha tôi đã cho tôi tất cả những gì ông đã có: nỗi đam mê làm vườn của ông, óc hiếu kỳ, sự học vấn và những kỹ năng hữu dụng cho bản thân.

                 Sáu tháng sau đó, mẹ tôi qua đời. Tôi tiếp tục gọi điện thoại cho cha tôi mỗi tuần, cũng như thăm viếng ông thường xuyên trong bốn năm sau đó. Mỗi lần đến thăm cha tôi, khi ôm ông lúc ra về, tôi vẫn nói rằng tôi thương ông lắm, và cũng như hồi nào, cha tôi vẫn đứng đó, thân thể bất động cứng ngắt và cũng chẳng nói lại một lời nào.

                 Lần cuối cùng tôi thăm cha tôi, chỉ sau đó một thời gian ngắn thì ông qua đời vì bị kích tim, khi tôi ôm ông lúc ra về, cánh tay phải của ông di chuyển về phía tôi, vỗ nhẹ trên lưng tôi. Sau đó, ông mau lẹ rút tay về. Cái vỗ về ngắn ngủi đó, dầu đã mười lăm năm trôi qua rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi nỗi xúc động của người cha tuyệt vời nhất của tôi, khi người ban cho tôi cái ôm lần đó.
 

“The Hug I’ll Never Forget” by Rebecca Willman Gernon - Tùng Tri chuyển ngữ
Nguồn: phatthanhhyvogn.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn