09:00 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 15

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 13


Hôm nayHôm nay : 4483

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 270523

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22999930

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Xem tiếp...

Những Yếu Tố Xã Hội Ảnh Hưởng Hạnh Phúc

Thứ tư - 29/08/2018 20:38
Những Yếu Tố Xã Hội Ảnh Hưởng Hạnh Phúc

Những Yếu Tố Xã Hội Ảnh Hưởng Hạnh Phúc

Kính thưa quý thính giả, Qua phần đọc sách tuần trước, chúng ta biết rằng hạnh phúc có lợi cho thân thể. Những người hay đau khổ vì tình cảm tiêu cực thường chết sớm hơn những người đối diện cuộc sống bằng những tình cảm tích cực.



                   Kính thưa quý thính giả,

                   Qua phần đọc sách tuần trước, chúng ta biết rằng hạnh phúc có lợi cho thân thể. Những người hay đau khổ vì tình cảm tiêu cực thường chết sớm hơn những người đối diện cuộc sống bằng những tình cảm tích cực. Yếu tố tình cảm tác động quan trọng lên sức khỏe. Tình cảm tiêu cực thường làm suy yếu hệ miễn nhiễm, ảnh hưởng tim mạch, cùng những vấn đề trầm trọng khác về sức khỏe. Những người sống vui có thể chịu đựng đau đớn thân xác giỏi hơn những người buồn bã. Sự vui vẻ hoặc những trạng thái tinh thần như hy vọng, lạc quan, thỏa lòng, dường như giảm được nguy cơ hoặc hạn chế bớt tính nghiêm trọng của bịnh tim mạch, bịnh phổi, tiểu đường, cao huyết áp, cảm lạnh, cũng như nhiễm trùng hô hấp. Sự vui vẻ lành mạnh là tốt cho bạn! Điều này đúng cho ngày nay cũng như ba ngàn năm trước, khi vua Sa-lô-môn viết: “Mặt hớn hở mang lại niềm vui cho tâm hồn, còn tin vui khiến xương cốt khỏe mạnh” (Châm Ngôn 15:30), và “Lòng vui vẻ vốn là phương thuốc hay” (Châm Ngôn 17:22).

                   Thái độ tích cực và sự lạc quan góp phần tạo hạnh phúc và hạnh phúc nâng cao sức khỏe. Ngoài ra ‘sức đàn hồi’ hay khả năng ‘phục hồi’ từ những lúc gian nan là yếu tố chủ chốt trong hạnh phúc. Thành tố quan trọng nhất của sức đàn hồi chính là đức tin. Khi chúng ta tin cậy và hy vọng nơi Thiên Chúa, thì Ngài phục hồi cuộc đời chúng ta, và niềm vui sâu xa lâu dài sẽ là kết quả chắc chắn trong tầm tay. Sự thỏa lòng cũng là điều góp phần trong hạnh phúc, sự thỏa lòng toàn diện trong cuộc sống, điều mà chúng ta gọi là ‘thỏa mãn thật’, không chỉ là một thực tại ổn định. Thường điều này không liên quan nhiều tới tài sản hoặc của cải vật chất, mà tới những chuyện đơn giản như làm vườn, tham gia thể thao và luyện tập, một công việc thích thú, những mối quan hệ tích cực, sinh hoạt xã hội, giải trí và thú tiêu khiển, và đức tin với những sinh hoạt liên quan đến đức tin.

                   Lời Kinh Thánh nói rõ rằng chính Đức Chúa Trời là nguồn thỏa mãn đích thực, như trong lời cầu nguyện: “Xin Chúa cho chúng tôi buổi sáng được thỏa dạ nhờ tình yêu không đổi thay của Ngài, để trọn đời chúng tôi sẽ hát mừng vui vẻ” (Thi Thiên 90:14)

                   Quý thính giả thân mến,

                   Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau theo dõi tiếp chương thứ tám ‘Đừng Lo Hãy Vui Lên’ của sách Sức Khỏe Đơn Giản để tìm hiểu xem NHỮNG YẾU TỐ XÃ HỘI ẢNH HƯỞNG HẠNH PHÚC như thế nào. Các tác giả cho biết như sau:

                   Đối với đa số, hạnh phúc không chỉ là vấn đề riêng tư mà diễn ra trong một bối cảnh xã hội nào đó. Thí dụ, công việc làm có thể chiếm hơn phân nửa số giờ chúng ta thức từ ngày này qua ngày kia, năm này qua năm nọ, cho tới khi chúng ta hoặc về hưu hoặc mãn hạn. Đáng buồn là nhiều người làm việc chỉ vì bắt buộc: để kiếm sống, lo cho gia đình, và vân vân, giống như dân Do-thái bị bắt làm nô lệ phải “làm gạch cho vua Ai cập Pha-ra-ôn” mà không thỏa lòng hoặc mãn nguyện chút nào! Những yếu tố này tiềm ẩn bên dưới sự khám phá sau lần thăm dò của viện Gallup năm 2004 cho thấy 70 phần trăm người Mỹ làm việc xao lãng trong công việc, gây thiệt hại hằng năm gần 300 tỉ đô-la vì mất năng suất. Năm mươi bốn phần trăm làm việc kiểu “máy móc” ngày qua ngày, nhưng kỳ lạ nhất là 17 phần trăm “cố tình lơ là” hay “cố tình phá hoại” thành quả của bạn cùng làm việc với mình! Một tường trình theo dõi của tổ chức Gallup trong tháng giêng 2005 khẳng định 54 phần trăm những công nhân “cố tình lơ là” cho rằng việc làm của họ gây ảnh hưởng tiêu cực trên sức khỏe thuộc thể của họ.

                   Có lẽ bạn cũng nhận ra điều này, cho dù bạn không tham gia trong cuộc phá hoại nơi làm việc. Một người chúng tôi quen biết, khốn khổ vì tình trạng công việc của mình đến nỗi có những triệu chứng liên quan tới sự lo lắng. Chị không thích việc làm cũng không thích phải đi lại nhiều giờ mỗi ngày, dù chị làm việc thật xuất sắc và thường xuyên được công nhận. Trong quá trình chẩn đoán và điều trị, bác sĩ của chị dành thì giờ hỏi thăm hoàn cảnh sống của chị, vốn bị nhiều áp lực, mà tiêu cực nhất là công việc làm. Bác sĩ hỏi, “Chị có nghĩ sẽ tìm một công việc khác không?” và chị chỉ có thể đáp, “Tôi thích làm việc nơi khác, nhưng lại sợ mất nhiều quyền lợi, và sẽ khiến gia đình lâm nguy.” Vài tháng sau, bịnh nhân này cùng chồng mình quyết định chấp nhận liều. Họ trở thành một gia đình hưởng một đầu lương, còn chị thì theo học khóa điều dưỡng ngắn hạn để thay đổi không khí, mà về sau chị lại thực sự yêu thích chuyện này. Chị nhanh chóng có được việc làm mới, ít lương và ít phúc lợi hơn trước nhưng chị lại thỏa lòng hơn rất nhiều, do công việc mới thích hợp với sở thích của chị là giúp đỡ người khác.

                   Dĩ nhiên, không phải ai cũng ở vào hoàn cảnh phải thay đổi công việc làm, dù đa số người đi làm thay đổi tới bảy lần suốt thời gian nghề nghiệp của mình. Khi không thể chọn đổi công việc làm, thì chúng ta vẫn có thể thay đổi thái độ. Ngay cả khi việc làm của bạn không hứng thú hoặc không thỏa lòng lắm, bạn có thể làm cho nó thỏa lòng bằng cách làm bất cứ điều gì mình phải làm và xem như là chức nghiệp (sự kêu gọi) của mình. Bạn có thể dâng nó lên cho Đức Chúa Trời như là hành động thờ phượng, giống như tu sĩ Lawrence, người suốt hơn bốn mươi năm rửa nồi niêu song chảo và sửa dép cho anh em cùng tu hành với mình như là của lễ dâng lên Đức Chúa Trời. Suy tư của ông về tính thuộc linh của việc làm và nhiều vấn đề khác được sưu tầm và xuất bản trong sách “The Practice of the Presence of God” (xin tạm dịch là “Thực Hành Sự Hiện Diện của Đức Chúa Trời”).

                   Những bối cảnh xã hội khác có thể gia tăng hạnh phúc cho bạn và vì vậy mà chúng nâng cao sức khỏe bạn, kể cả việc tham gia trong nhóm hay trong cộng đồng, những nỗ lực như thú tiêu khiển, thể thao, câu lạc bộ, hoặc sinh hoạt hội thánh.

                   Có nhiều loại nhóm cũng như nhiều loại sở thích. Vì vậy một khởi đầu tốt là liệt kê hết những sở thích của bạn, có thể bao gồm những sinh hoạt giải trí như chơi banh hay bơi lội, việc làm sáng tạo như vẽ tranh hay may thêu, hoặc những thú tiêu khiển như sưu tầm tem hay trồng nấm. Hãy liệt kê hết mọi thứ bạn thực sự yêu thích, từ bắn cung tới thuật nói tiếng bằng bụng, từ thiên văn học tới động vật học, từ trồng táo tới trồng bí đao cùng mọi thứ trung gian, rồi tìm cách qui tụ một nhóm người địa phương cũng tập chú vào điều bạn say mê ưa thích nhất. Theo thời gian, những tâm hồn thân thích bạn gặp gỡ, có thể trở thành bạn thân thiết với nhau.

                   Thậm chí bạn cũng có thể gom lại một nhóm bạn thích vui đùa rồi gặp nhau thường xuyên. Gần đây một nhóm chúng tôi quen biết, cùng rủ nhau đi học ‘belly dance’ (hay là nhảy múa uốn éo bụng). Điều rất bất ngờ ở đây là bạn không bao giờ hình dung được mấy bà có tuổi và ra vẻ trang nghiêm phẩm giá này lại đi làm chuyện đó. Một người dạy ở chủng viện tới thư viện công cộng sau buổi học và thuê hết mấy băng video về nhảy uốn éo. Họ mới biết mọi phụ nữ tại Morocco đều nhảy uốn éo. Họ đang khảo cứu thêm để tìm hiểu lý do vì sao. Vấn đề là những nhóm nhỏ suy nghĩ giống nhau có thể tạo thêm vui nhộn khi cùng làm những việc mà nếu chỉ một mình, họ không thể nghĩ ra cách vui đùa với nhau được như vậy.

                   Kính thưa quý thính giả,

                   Chúng tôi xin tạm dừng phần đọc sách hay tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ cùng nhau theo dõi tiếp phần nói về điều có ảnh hưởng sâu sắc trên hạnh phúc. Đó là: NHỮNG THÀNH TỐ THUỘC LINH TRONG HẠNH PHÚC.

David B. Biebel, DMin & Harrold G. Koenig, MD
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn