15:50 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 12


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 267037

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22996444

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Lợi Ích Của Hạnh Phúc

Thứ ba - 14/08/2018 20:52
Lợi Ích Của Hạnh Phúc

Lợi Ích Của Hạnh Phúc

Kính thưa quý thính giả, Tuần qua chúng ta đã bắt đầu chương thứ 8 với chương đề “Đừng Lo, Hãy Vui Lên” của sách Sức Khỏe Đơn Giản. Chúng ta cũng đã nghe trình bày về “Hạnh Phúc Là Gì?”



                   Kính thưa quý thính giả,

                   Tuần qua chúng ta đã bắt đầu chương thứ 8 với chương đề “Đừng Lo, Hãy Vui Lên” của sách Sức Khỏe Đơn Giản. Chúng ta cũng đã nghe trình bày về “Hạnh Phúc Là Gì?”

                   Hạnh phúc thật, tạo nên thay đổi dài lâu trong đời sống chúng ta, không phải là thứ tình cảm mình có được do kết quả của hoàn cảnh diễn ra bên ngoài chúng ta. Theo từ điển của Webster định nghĩa, hạnh phúc là “trạng thái khỏe mạnh và thỏa lòng”.

                   Hôm nay chúng tôi mời quý vị tiếp tục với đề tài "Hạnh Phúc Mang Lại Lợi Ích Cho Thể Xác"

                   Chúng ta biết hạnh phúc là điều lành mạnh. Khoa học ngày nay đang chứng minh điều này. Chúng tôi sắp trình bày một số đề tài và dữ kiện chuyên môn về khoa học, nhưng xin bạn đừng chán nản. Chúng tôi chỉ muốn bạn biết rằng một số nghiên cứu đã hoàn tất, thêm nhiều nghiên cứu đang tiến hành, và những công trình đều khẳng định rằng hạnh phúc mang lại lợi ích cho thân xác và sức khỏe.

                   Nhà nghiên cứu lão khoa là tiến sĩ David J. Demko, chủ biên trực tuyến của những công trình nghiên cứu chống lão hóa, đã trình bày như sau:

                   “Hiện nay có nhiều khảo cứu cho thấy những người hay đau khổ vì tình cảm tiêu cực thường chết sớm hơn những người đối diện cuộc sống bằng những tình cảm tích cực”.

                   Theo Tiến sĩ Susan S. Knox, thuộc Học Viện Nghiên Cứu Sức Khỏe Hoa Kỳ (National Institute of Health), thì những tình cảm tiêu cực bao gồm: không ngớt lo lắng, cảm thấy không có bạn, và tức giận điên cuồng. Yếu tố tình cảm tác động quan trọng lên sức khỏe thuộc thể. Tình cảm tiêu cực thường dẫn tới hệ miễn nhiễm bị suy yếu, tỉ lệ cao bịnh tim, cùng những vấn đề quan trọng khác về sức khỏe.

                   Nếu tình cảm tiêu cực có khuynh hướng cắt ngắn tuổi thọ, vậy thì tình cảm tích cực có kéo dài tuổi thọ không? Câu hỏi thật hay. Câu trả lời là có. Các nhà khảo cứu tại đại học Wisconsin-Madison cho thấy rằng những người có các mối quan hệ tích cực lâu dài thường có mức kích thích tố căng thẳng thấp hơn. Một nghiên cứu mở rộng dành cho người trên 65 tuổi cho thấy tình cảm tích cực là yếu tố tiên đoán hiệu quả tuổi thọ của con người. Trong nghiên cứu này, người ta thấy những người vui vẻ thì khả năng dễ chết và dễ bị thương tật chỉ bằng phân nửa so với những người thường buồn rầu. Còn một khám phá khoa học nữa thật hấp dẫn và có lẽ cũng kỳ lạ, đó là: những người sống vui thì chịu đựng đau đớn về thân xác giỏi hơn những người buồn bã.

                   Trong bài báo mang tên “The Biology of Joy” đăng trên tạp chí Time nói về những cơ chế sinh hóa liên hệ đến tình trạng vui vẻ, nhà khoa học Michael D. Lemonick đã báo cáo như sau:

                   “Trong khi các nhà khảo cứu hiểu được những đặc điểm vật lý của não bộ vui vẻ, họ thấy rằng những đặc trưng đó ảnh hưởng thật mạnh mẽ trên phần còn lại của cơ thể. Những người đạt điểm cao về hạnh phúc trong những xét nghiệm tâm lý, phát huy khoảng hơn 50 phần trăm kháng thể cao hơn mức trung bình đối với vắc-xin ngừa cảm cúm”

                   Những người khác khám phá rằng sự vui vẻ hoặc những trạng thái tinh thần có liên quan như hi vọng, lạc quan, và thỏa lòng, dường như giảm được nguy cơ hoặc hạn chế bớt tính nghiêm trọng của bịnh tim mạch, bịnh phổi, tiểu đường, cao huyết áp, cảm lạnh, cũng như nhiễm trùng hô hấp...

                   Theo một nghiên cứu của Đức về các bịnh nhân cao tuổi được xuất bản tháng mười một năm 2004, những trạng thái tinh thần vui vẻ giảm thiểu nguy cơ tử vong tới 50 phần trăm trong suốt thời gian chín năm nghiên cứu này.

                   Tuy khảo cứu chỉ mới bắt đầu khám phá những lãnh vực liên quan tới ảnh hưởng sinh học đối với hạnh phúc, nhưng rõ ràng là sự vui vẻ lành mạnh là điều tốt cho bạn! Điều này đúng cho ngày nay cũng như ba ngàn năm trước, khi vua Sa-lô-môn viết:“Mặt hớn hở mang lại niềm vui cho tâm hồn, còn tin vui khiến xương cốt khỏe mạnh” (Châm Ngôn 15:30), và “Lòng vui vẻ vốn là phương thuốc hay” (Châm Ngôn 17:22).

                   Kính thưa quý thính giả,

                   Có nhiều thái độ tích cực góp phần trong việc nâng cao hạnh phúc, tuy vậy chúng ta sẽ chỉ tập trung vào ba thái độ quan trọng nhất sau đây:

                   Thứ nhất, đó là thái độ lạc quan. Theo từ điển của Webster, lạc quan là ‘khuynh hướng xây dựng những hành động và sự kiện theo cách thuận lợi nhất hoặc thấy trước khả năng mang lại kết quả tốt nhất’. Người lạc quan suy nghĩ rằng nửa ly nước đang được đổ đầy, nhưng nguời bi quan thì thấy phân nửa còn trống đang bị cạn. Sự khác biệt không phải ở thực tại ly nước đầy một nửa hoặc lưng một nửa; mà ở trong cách giải thích điều mình thấy.

                   Dù thực tại cuối cùng vẫn là một, đối với cả người lạc quan lẫn bi quan ‘cuộc sống luôn luôn có những lúc thăng trầm’, nhưng người lạc quan thích cuộc hành trình hơn rất nhiều, và họ dễ vui vẻ, khỏe khoắn, sống lâu hơn, cũng như sống thỏa vui hơn!

                   Tiến sĩ Laura Kubzansky, nhà tâm lý học về sức khỏe, theo dõi 1,300 người suốt mười năm và thấy bịnh tim trong số những người lạc quan chỉ bằng phân nửa những người không lạc quan. Bà nói “Ảnh hưởng lớn hơn điều chúng tôi mong đợi rất nhiều. Chúng tôi cũng theo dõi chức năng của phổi, vì phổi làm việc yếu cũng báo trước toàn bộ hậu quả xấu, kể cả chết yểu, bịnh tim mạch và bịnh tắc nghẽn phổi mãn tính. Người lạc quan khỏe mạnh hơn nhiều”. Bà nói tiếp “Tôi lạc quan nhưng đã không hề mong đợi những kết quả như thế này.”

                   Yếu tố chính là sự lạc quan góp phần tạo hạnh phúc và hạnh phúc nâng cao sức khỏe. Cho nên lần sau, khi nhìn thấy ly nước, hãy cố gắng nhìn nó với thái độ lạc quan thực tế. Bạn sẽ vui hơn nhờ thái độ như vậy.

                   Thứ nhì, đó là sức đàn hồi, hay khả năng phục hồi sau những thời gian gặp khó khăn, gian nan là yếu tố chủ chốt trong hạnh phúc.

                   Có một số sách thật hay, nói về khả năng phục hồi, hay nhất trong số này là quyển “Resilience” (xin tạm dịch là “Khả Năng Phục Hồi”) của nhà phân tâm học Cơ-đốc Frederic Flach. Flach thấy người khỏe nhất trong số bịnh nhân của ông không phải là những người ‘mạnh mẽ’ ngay giữa nghịch cảnh mà là những người nhờ suy sụp trong nghịch cảnh mà kinh nghiệm được sự tái hội nhập và đổi mới trong cuộc sống.

                   Tôi bắt đầu nhìn nhiều bịnh nhân đang ở trong số những người khỏe mạnh nhất mà tôi quen biết. Nhiều người từng suy sụp đích đáng trước sự căng thẳng và trước sự thay đổi quan trọng. Điều mà bên ngoài có thể trông như không đương đầu nổi, thật ra là chứng cớ của sức đàn hồi. Tình trạng bối rối và khắc khoải tình cảm tạm thời mà họ đang lâm trận, chính là cơ hội khác thường họ có được, để giải quyết những thương tích cũ, khám phá ra phương cách mới để đối diện cuộc sống, và tái tổ chức bản thân cách hiệu quả.

                   Theo ý kiến của Flach thì yếu tố quan trọng nhất của sức đàn hồi chính là niềm tin. Khi chúng ta tin cậy và hi vọng nơi Chúa, thì Ngài phục hồi cuộc đời chúng ta, và niềm vui sâu xa lâu dài sẽ là kết quả chắc chắn trong tầm tay.

                   Thứ ba, đó là sự thỏa lòng. Tuy sự thỏa lòng cũng góp phần trong hạnh phúc, nhưng đối với nhiều người, đây là điều khó nắm bắt. Ban nhạc Rolling Stones đưa ra bản nhạc “I Can’t Get No Satisfaction” (xin tạm dịch là “Tôi Không Thể Thỏa Lòng”) là bản nhạc thành công hàng đầu vào tháng năm 1965 và lưu lại trên danh sách những bài hát đứng đầu suốt mười bốn tuần sau đó, và vẫn còn nổi tiếng cho tới ngày nay. Tại sao? Vì chỉ trong vài lời, nó nắm bắt được điều mà biết bao người cảm nhận như Madison Avenue đã nói, họ cần có thêm những điều mới hoặc những kinh nghiệm mới mẻ hơn để được hạnh phúc. Bài hát vẫn tiếp tục nổi tiếng có lẽ theo ý nghĩa rộng hơn, nó diễn tả được sự căng thẳng nội tâm bất tận từ những ước mơ không thành và những hoài bão chưa đạt được trong một thời đại mà nhiều người cho rằng điều mình có vẫn chưa đủ hoặc chưa tốt đủ, dù đó là danh tiếng, tiền bạc, tình dục, quyền lực, hay là của cải.

                   Bao nhiêu mới thực sự là đủ để chúng ta được hạnh phúc? Đối với nhiều người, câu trả lời có vẻ là: ‘Chỉ cần nhiều hơn điều tôi đang có một chút thôi’. Vì vậy, họ làm việc nhiều giờ hơn để kiếm thêm tiền hoặc đạt được những điều không thể mang lại sự thỏa lòng. Trong quyển sách “The 100 Simple Secrets of Happy People” (xin tạm dịch là “Một Trăm Bí Quyết Đơn Giản Của Những Người Hạnh Phúc), tiến sĩ David Niven kể chuyện của Arthur, một ủy viên quản trị ngành quảng cáo, đang làm việc liên tục trong sáu ngày mỗi tuần cộng thêm việc mang về nhà, tỉnh giấc thấy mình đối diện với thực tế phải nằm viện sau ca phẫu thuật đặt tim nhân tạo với ba ống dẫn máu. Suốt ba tuần hồi phục, gia đình cùng bạn thân giúp anh thấy sự việc rõ hơn trước đây. Vợ của Arthur hỏi anh có thực sự cần phải làm việc theo thời khóa biểu như trước hay không. Họ có cần thêm tiền không? Anh có thực sự cần thăng chức không? Arthur sau đó đã nhận ra anh đã từng có nhiều hơn điều mình cần và đây là cơ hội cho anh được tái liên kết với gia đình chính là món quà lớn nhất anh nhận được.

                   Dĩ nhiên, đối với người khác, sự thỏa lòng toàn diện trong cuộc sống, điều chúng ta gọi là ‘thỏa mãn thật’, không chỉ là một thực tại ổn định. Thường điều này không liên quan nhiều tới tài sản hoặc của cải vật chất, mà liên quan tới những chuyện đơn giản như làm vườn, tham gia thể thao và luyện tập, một công việc thích thú, những mối quan hệ tích cực, sinh hoạt xã hội, giải trí và thú tiêu khiển, và đức tin với những sinh hoạt liên quan đến đức tin.

                   Cuối cùng, lời Kinh Thánh nói rõ rằng chính Đức Chúa Trời là nguồn thỏa mãn đích thực, như sách Thi Thiên có chép: “Xin Chúa cho chúng tôi buổi sáng được thỏa dạ nhờ tình yêu không đổi thay của Ngài, để trọn đời chúng tôi sẽ hát mừng vui vẻ”. (Thi Thiên 90:14)

                   Hay tiên tri Ê-sai đã từng khuyên răn: “Sao các ngươi tiêu tiền cho món không phải là bánh, và đổi công lao mình lấy món chẳng thỏa lòng? Hãy chăm chỉ lắng nghe ta và ăn của ngon, thì linh hồn các ngươi sẽ vui thích trong của béo. Hãy nghiêng tai và đến cùng ta; hãy nghe ta, để linh hồn các ngươi được sống.” (Ê-sai 55:2-3)

                   Kính thưa quý thính giả,

                   Tuần sau chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục xem chương thứ tám của sách này với phần nói về ‘Những Yếu Tố Xã Hội Ảnh Hưởng đến Hạnh Phúc’. Ước mong được gặp lại quý thính giả.


David B. Biebel, DMin & Harrold G. Koenig, MD
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn