17:16 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 12

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 11


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 267304

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22996711

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Một Điều Ước

Thứ hai - 03/09/2018 21:37
Một Điều Ước

Một Điều Ước

Kính thưa quý thính giả, Chúng ta đã từng nghe những câu chuyện cổ tích hay những chuyện thần thoại mà nhân vật trong câu chuyện được ban cho các điều ước. Câu chuyện mà chúng tôi muốn kể hôm nay cũng có liên quan đến điều ước, nhưng là câu chuyện thật, được ghi lại trong Kinh Thánh.



               Kính thưa quý thính giả,

               Chúng ta đã từng nghe những câu chuyện cổ tích hay những chuyện thần thoại mà nhân vật trong câu chuyện được ban cho các điều ước. Câu chuyện mà chúng tôi muốn kể hôm nay cũng có liên quan đến điều ước, nhưng là câu chuyện thật, được ghi lại trong Kinh Thánh.

               Trong vương quốc Y-sơ-ra-ên cổ xưa, khi vua Đa-vít băng hà, người con trai là Sa-lô-môn lên ngôi kế vị. Với trách nhiệm mới mẻ và lớn lao của một vị vua, Sa-lô-môn ao ước có khả năng để lãnh đạo, mà nhất là phải lãnh đạo dân tộc Do-thái là tuyển dân được Thượng Đế lựa chọn. Nhà vua cũng tự biết mình còn trẻ người non dạ, chưa từng trải trong trường đời, không sao giải quyết nổi những tình huống thử thách khó khăn.

               Do vậy, trong một đêm kia, khi Thượng Đế hiện ra với vua Sa-lô-môn trong giấc chiêm bao, Ngài nói rằng: “Hãy cầu xin Ta bất cứ điều gì ngươi muốn, Ta sẽ ban cho”. Khi được Thượng Đế ban cho một điều ước như vậy, vua Sa-lô-môn đã xin rằng: “Xin Ngài ban cho kẻ tôi tớ Ngài một tâm trí khôn sáng, một khả năng phân biệt chính tà để trị vì dân Ngài, vì ai là người có thể trị vì một dân lớn của Ngài như thế nầy được?”

               Thượng Đế rất hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều ấy, vì vua không xin những điều bình thường chỉ cho chính bản thân mình như những vị vua khác hằng ao ước, nhưng lại xin được tâm trí sáng suốt, thông hiểu để chăn dân, để thi hành công lý thật đúng mức.

               Do vậy, Thượng Đế không chỉ ban cho vua sự khôn ngoan tột bực, nhưng còn kèm theo các phần thưởng quý giá khác, như Ngài có trả lời với vua rằng: “Nầy, Ta sẽ ban cho ngươi điều ngươi cầu xin. Nầy, Ta sẽ ban cho ngươi tâm trí khôn ngoan thông sáng, đến nỗi trước ngươi chưa có ai bằng và sau ngươi sẽ không ai sánh kịp. Hơn nữa, Ta sẽ ban cho ngươi những điều ngươi không cầu xin. Ngươi sẽ được cả giàu có lẫn tôn trọng, đến nỗi trọn đời ngươi, không một vua nào có thể sánh bằng ngươi. Nếu ngươi cứ bước đi trong đường lối Ta, vâng theo các luật lệ và điều răn Ta, như Đa-vít cha ngươi đã làm, thì Ta sẽ cho ngươi được trường thọ.”

               Lời hứa của Thượng Đế đã trở thành sự thật, như Thánh sử có ký thuật lại như sau: “Đức Chúa Trời ban cho vua Sa-lô-môn sự khôn ngoan, thông sáng, và một khả năng hiểu biết uyên bác vô kể như cát trên bờ biển vậy. Sự khôn ngoan của Sa-lô-môn trổi hơn sự khôn ngoan của mọi người ở phương Đông, trổi hơn sự khôn ngoan của mọi người ở Ai-cập… Danh tiếng của vua thật lẫy lừng trong các nước xung quanh. Vua nói ra ba ngàn câu châm ngôn và sáng tác một ngàn lẻ năm bài hát. Vua luận về các thảo mộc, từ cây bá hương ở Li-ban cho đến cây bài hương mọc ở bờ tường. Vua giảng giải về các thú vật và chim chóc, loài bò sát và loài cá. Thiên hạ từ mọi nước kéo đến lắng nghe sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn. Các vua trên đất khi nghe nói về sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn đều phái người đến triều kiến”.

               Hầu như ai ai trong chúng ta cũng đã từng nghe câu chuyện xử kiện thật ly kỳ của vua Sa-lô-môn, được Kinh Thánh thuật lại như sau:

               “Có hai người gái điếm đến đứng trước mặt vua. Một người nói: “Tâu chúa thượng, người đàn bà nầy và tôi sống chung với nhau một nhà. Tôi sinh được một con trai, trong lúc chị ấy đang ở nhà với tôi. Ngày thứ ba, sau khi tôi sinh con, chị ấy cũng sinh một con trai. Chỉ có hai chúng tôi ở trong nhà, không có một người xa lạ nào khác. Đang đêm, con trai của chị ấy chết, bởi vì chị ngủ đè trên nó. Cho nên nửa đêm chị ấy thức dậy, đang lúc tôi ngủ mê, chị đến bế con trai tôi đang ở bên cạnh tôi đi. Chị đem cháu đặt vào lòng chị, rồi chị đem đứa con đã chết của chị để vào lòng tôi. Sáng hôm sau, tôi dậy cho con bú, thì kìa, nó đã chết rồi. Nhưng đến khi trời sáng, tôi nhìn kỹ, thì biết rằng đó không phải là đứa con tôi đã sinh ra.”

               Người đàn bà kia nói: “Không! Đứa sống là con tôi, đứa chết là con chị.”

               Nhưng người nọ nhất định: “Không! Đứa chết là con chị, đứa sống là con tôi.”

               Vậy họ cãi nhau trước mặt vua.

               Vua phán: “Người nầy nói: ‘Con tôi là đứa sống còn con chị là đứa chết,’trong khi người kia nói: ‘Không! Con chị là đứa chết còn con tôi là đứa sống.”

               Rồi vua truyền: “Hãy đem cho ta một thanh gươm.”

               Vậy họ mang đến cho vua một thanh gươm. Đoạn vua truyền lịnh: “Hãy chặt đứa bé còn sống đó ra làm hai, rồi cho người nầy một nửa và cho người kia một nửa.”

               Người đàn bà có đứa con còn sống rất xúc động vì thương con, liền tâu với vua:

               “Xin đừng, tâu chúa thượng. Hãy cho chị ấy đứa bé đi. Xin đừng giết nó!”

               Nhưng người kia nói: “Nó sẽ không là con của chị và cũng không là con của tôi. Cứ chặt nó ra làm hai đi.”

               Bấy giờ vua phán quyết: “Hãy trao đứa bé còn sống cho người thứ nhất. Đừng giết nó. Người ấy chính là mẹ nó.”

               Khi cả Y-sơ-ra-ên đã nghe phán quyết của vua, họ lấy làm kính phục vua, vì họ thấy rằng vua có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời để thi hành công lý”

               Kính thưa quý thính giả,

               Vua Sa-lô-môn đã được Thượng Đế ban cho sự khôn ngoan tột bậc, sự giàu sang vinh hiển đến tột bậc, tuy vậy, không phải nhà vua luôn luôn hành xử như một người khôn ngoan.

               Vua Sa-lô-môn có một lầm lỗi rất lớn là vua có rất nhiều vợ, với bảy trăm vợ là công chúa chính thức cùng với ba trăm cung phi. Đa số những người vợ của vua là những người đến từ các nước lân bang với tập tục, tôn giáo khác nhau và họ thờ lạy các vị thần khác, mà không phải là Thượng Đế.

               Mặc dù Thượng Đế đã từng khuyến cáo vua về hành vi của mình, nhưng vua vẫn đắm chìm trong sắc nhục và không nhận ra sự nghiêm trọng về nỗi đắm say của mình. Khi vua đã về tuổi xế chiều, các bà vợ của vua đã khiến nhà vua ngã theo các thần của tôn giáo họ.

               Lòng vua Sa-lô-môn càng ngày càng cách xa Thượng Đế, đến nỗi ông đã lập miếu thờ nhiều thần khác nhau, cũng như chiều ý theo các bà vợ, mà dâng của lễ cho những thần này. Điều bất xứng này đã khiến Thượng Đế nổi giận cùng vua Sa-lô-môn, khiến cho vương quốc Y-sơ-ra-ên bị xâu xé và bị ngoại bang tước chiếm một phần sau khi nhà vua băng hà.

               Và đó là một kết thúc đau buồn của một vị vua đã từng ước ao có được sự khôn ngoan, đã từng được Thượng Đế ban cho sự khôn ngoan cùng sự giàu có, sang trọng trỗi cao hơn tất cả mọi người.

               Như vậy, bên cạnh sự khôn ngoan tột bậc, vua Sa-lô-môn vẫn còn thiếu điều gì, đến nỗi nhà vua phải hứng chịu một kết cuộc đau buồn như vậy?

               Trước khi đi đến câu trả lời, chúng ta cùng nhau điểm sơ qua khái niệm của sự khôn ngoan.

               Mọi sự việc đều có những dữ kiện và những con số đi kèm. Khi một người nhận ra những quy luật nằm trong những dữ kiện và những con số này, người đó đang có một kiến thức về sự việc đó. Như một chuyên viên điện toán thì có kiến thức về cách hoạt động của các máy vi tính, hay như một bác sĩ y khoa thì có kiến thức về thân thể người ta.

               Sự khôn ngoan vượt cao hơn kiến thức, vì một người khôn ngoan không chỉ có kiến thức mà thôi, nhưng là người có tài phán đoán, để biết áp dụng kiến thức mình có vào đúng nơi, đúng lúc, đúng tình huống nữa.

               Kinh Thánh có bày tỏ bốn loại khôn ngoan như sau:

               Thứ nhất, là sự khôn ngoan về thế giới tự nhiên. Như vua Sa-lô-môn rất am tường về các sinh vật và có thể giảng giải thật chi tiết về các loại thảo mộc, các loài thú vật, các loài bò sát và các loài cá. Đây cũng là sự khôn ngoan của các nhà khoa học tự nhiên.

               Thứ nhì là sự khôn ngoan tâm linh, hay sự nhận thức rằng, bên cạnh thế giới tự nhiên mà mắt thấy, tai nghe, cũng có một thế giới tâm linh là nơi mọi người sẽ đến sau khi bước ra khỏi cuộc đời tạm này. Trong khi thế giới tự nhiên chỉ là tạm thời và ngắn ngủi, thì thế giới tâm linh sẽ là vĩnh cửu lâu dài, như vua Sa-lô-môn có bày tỏ: “Cát bụi trở về với cát bụi, và tâm linh trở về với Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó” (Truyền Đạo 12:7)

               Thứ ba là sự khôn ngoan về đạo đức, hay công nhận có một Đấng Tạo Hóa, sáng tạo và vận hành cả vũ trụ với những quy luật tuyệt vời, cũng như Ngài có công bố các luật lệ đạo đức, không chỉ qua những lời ghi trên giấy trắng mực đen, nhưng cũng khắc sâu những luật lệ này vào trong lòng mỗi người qua sự hiện diện của lương tâm nữa. Chính vua Sa-lô-môn đã kết luận về sự khôn ngoan trong đạo đức như sau: “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời, và vâng giữ các điều răn Ngài, vì đó là bổn phận của mọi người. Vì Đức Chúa Trời sẽ xét xử mọi việc, dù lành hay dữ, kể cả mọi việc kín giấu” (Truyền Đạo 12:13-14)

               Thứ tư là sự ngôn khoan để nhận được sự cứu rỗi. Chỉ duy Chúa Cứu Thế Giê-xu mới có thể ban cho một người có tâm trí khôn ngoan để nhận ra được món quà cứu rỗi. Nhưng Chúa Cứu Thế Giê-xu là ai?

               Ngài chính là Thượng Đế Ngôi Hai, tự nguyện giáng trần làm người, sinh ra trong một con người mang tên Giê-xu, để rồi chịu chết treo trên cây thập tự, làm của lễ chuộc tội cho muôn người, trong đó có quý vị và tôi, hầu cho hễ ai tin nhận vào sự chết thế đó, thì người đó không còn bị Thượng Đế kết tội nữa, nhưng được tuyên bố trắng án và hưởng được phước hạnh đời đời bên Đấng Chí Cao.

               Sự khôn ngoan dẫn đến sự cứu rỗi, khác với ba loại khôn ngoan đầu tiên, vì đối với nhiều người, sự hy sinh nhục nhã của Chúa Cứu Thế Giê-xu để đền nợ tội thế cho nhân loại, dường như là một sự thất bại, một nỗi dại khờ; nhưng thật ra đây là một hành động yêu thương của Đấng Tạo Hóa, vượt quá sức tưởng tượng tất cả chúng ta, để bày tỏ tình yêu tuyệt đối của Ngài, cũng như mang đến sự cứu rỗi cho dòng nhân loại đang đi vào vòng hư mất đời đời.

               Sự khôn ngoan để nhận ra món quà cứu rỗi từ Chúa Cứu Thế là trỗi cao nhất, là vĩ đại nhất, là khôn ngoan nhất hơn tất cả mọi sự khôn ngoan nào khác, như triết gia Phao-lô có khẳng định:

               “Người khôn ngoan đâu rồi? Học giả đâu rồi? Những nhà hùng biện của đời này đâu rồi? Không phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian thành điên dại hay sao?… Chúa Cứu Thế Giê-su, là Đấng Đức Chúa Trời đã làm thành sự khôn ngoan, công chính, thánh khiết và cứu chuộc cho chúng ta". (1 Cô-rinh-tô 1:20,30)

               Quý thính giả thân mến,

               Vua Sa-lô-môn với tài trí khôn ngoan tuyệt vời nhưng vẫn lâm vào một kết cuộc đau thương, vì cho dầu tài trí vẹn toàn, nhưng tấm lòng và ý chí của nhà vua vẫn không sao trọn vẹn được, để có thể thực thi những điều mà vua đã hiểu thấu hay nhận thức.

               Sự khôn ngoan không bảo đảm cho số phận một người, không đoan chắc có thể đưa người đó vào được nước thiên đàng vĩnh cửu. Dầu uyên bác về khoa học đến đâu, dầu sâu sắc trong tôn giáo và triết học đến mấy, dầu theo đuổi một đời sống đạo đức trọn lành cho đến mức nào, chẳng ai có thể trở nên trọn vẹn trước tiêu chuẩn của Đấng Tối Cao.

               Do vậy, sự chết thế của Cứu Chúa Giê-xu là cần thiết để khỏa lấp những khiếm khuyết của bạn và tôi trước Đấng Tạo Hóa, cho phép chúng ta bước vào nơi phước hạnh đời đời. Cũng vì vậy mà sự nhận biết về món quà Giê-xu là quan trọng hơn hết trong tất cả mọi sự khôn ngoan trên đời này, như triết gia Phao-lô đã nhận ra rằng: “Tôi coi mọi sự như là lỗ vì sự hiểu biết Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa tôi, là điều tối trọng đại. Vì Ngài, tôi chịu lỗ tất cả, tôi coi những điều đó như rơm rác để được Chúa Cứu Thế và được ở trong Ngài” (Phi-líp 3:8).

               Nếu Thượng Đế ban cho bạn và tôi chỉ một điều ước, để lựa chọn trong bốn loại khôn ngoan, để trở nên một nhà khoa học, hay trở nên một nhà triết học, hay trở nên một bậc tu hành, hay nhận ra mình cần món quà cứu rỗi từ Chúa Cứu Thế Giê-xu, bạn sẽ chọn điều ước nào?

               Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: câu chuyện

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn