01:39 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 18


Hôm nayHôm nay : 10114

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 258688

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22988095

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Cách Thức Làm Lắng Dịu Cơn Giận Âm Ỉ

Thứ hai - 01/03/2021 20:22
Cách Thức Làm Lắng Dịu Cơn Giận Âm Ỉ

Cách Thức Làm Lắng Dịu Cơn Giận Âm Ỉ

Chúng ta đang ở phần cuối của Chương 6 trong quyển sách “Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh" của Tiến Sĩ Gary Chapman nói về SỰ ĐÈ NÉN của một cơn giận và cách mà nó hủy diệt đời sống của một người cùng các mối quan hệ của họ.


Cách Thức Làm Lắng Dịu Cơn Giận Âm Ỉ


        Kính thưa quý thính giả,
 

        Chúng ta đang ở phần cuối của Chương 6 trong quyển sách “Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh" của Tiến Sĩ Gary Chapman nói về SỰ ĐÈ NÉN của một cơn giận và cách mà nó hủy diệt đời sống của một người cùng các mối quan hệ của họ. Cơn giận âm ỉ tuy được giữ kín trong lòng nhưng chúng cũng gây nhiều sự hủy diệt như bất kỳ một cơn giận nào khác. Chúng được mô tả bởi ba yếu tố tiêu biểu là: sự phủ nhận, sự rút lui, và việc nghiền ngẫm. Cách diễn tả cảm xúc bằng những từ ngữ như thấy thất vọng, thấy bực mình, thấy bất công v.v., cho thấy một cơn giận âm ỉ đang hình thành trong lòng người thốt ra từ ngữ ấy. Sự rút lui là chiến lược trung tâm của những người tranh chiến với cơn giận âm ỉ. Họ lạnh nhạt, xa cách, rút lui và tránh né người làm họ giận. Việc này có thể kéo dài một ngày hoặc kéo dài nhiều năm. Nó càng tiếp tục lâu bao nhiêu thì sự oán hận và cay đắng sẽ càng gia tăng và sâu xa hơn bấy nhiêu.
 

        Thường thì cơn giận bị kiềm nén sẽ tự bộc lộ trong cái mà các nhà tâm lý học gọi là hành vi cư xử gây hấn - thụ động. Chúng ta đã nghe câu chuyện của vợ chồng Andy và Rachel. Cả hai đều có những biểu hiện hành vi cư xử gây hấn một cách thụ động với nhau. Andy tức giận bởi vì vợ anh không tỏ ra thích thú trong vấn đề chăn gối vợ chồng. Thế là anh cứ thản nhiên tiếp tục những việc riêng tư của mình cho dù vợ anh đã lên tiếng yêu cầu anh giúp đỡ chút đỉnh việc nhà. Hầu hết thời gian Andy thậm chí không hoàn toàn ý thức về điều anh đang làm trong sự giận dữ của mình, nhưng rõ ràng anh đang trả đũa cô vợ của anh.
 

        Về phía Rachel thì việc thiếu thích thú trong sự thân mật về tình dục cũng có thể là một hành động gây hấn thụ động. Có thể là cô đang chất chứa sự tức giận trong lòng mình đối với Andy bởi vì anh đã không dành thời gian chất lượng với cô. Sự tức giận của cô tuy ngấm ngầm - song vẫn lộ ra trong hành vi cư xử. Vì thế, ta có thể thấy kiểu mẫu gây hấn - thụ động bắt đầu một cái vòng lẩn quẩn. Trừ khi chu kỳ hủy diệt này bị cắt đứt, nó chỉ là vấn đề của thời gian cho đến khi cuộc hôn nhân của họ tự tan vỡ.
 

        Kính thưa quý thính giả,
 

        Người đang xử lý cơn giận trong lòng có thể cũng chuyển hướng cơn giận đó. Thí dụ như thay vì đối đầu với người chủ của mình là nguyên nhân của cơn giận, người nhân viên này lại chọn cách trút đổ cơn giận sang những người trong gia đình, và thế là anh ta về nhà, đá con mèo, mắng nhiếc con cái, và nói năng cộc cằn thô lỗ với vợ khiến cho vợ con anh bị rơi vào tình trạng bối rối. Sự đè nén cơn giận, hay việc giữ cơn giận lại trong lòng này cuối cùng sẽ đưa đến sự căng thẳng về tâm-sinh lý. Việc nghiên cứu cho thấy có mối tương quan tích cực giữa cơn giận bị kiềm chế và bệnh cao huyết áp, bệnh viêm ruột kết, những chứng đau nhức nửa đầu, và bệnh tim. Tuy nhiên, những kết quả rõ rệt hơn của việc đè nén cơn giận được tìm thấy trong tác động của nó trên sức khỏe về mặt tâm lý hoặc cảm xúc của một người. Sự giận dữ chất chứa bên trong cuối cùng dẫn đến sự oán giận, sự cay đắng, và thường là sự căm thù. Tất cả mọi điều này bị lên án rõ ràng trong Thánh Kinh và bị xem là những phản ứng tội lỗi trước sự giận dữ.
 

        Kính thưa quý thính giả,
 

        Đặc điểm thứ ba của cơn giận âm ỉ là việc nghiền ngẫm về các biến cố khích động sự giận dữ đó. Trong tâm trí của người này, cảnh tượng ban đầu của việc cư xử sai trật cứ tái diễn như một băng ghi hình và người nuôi cơn giận âm ỉ cứ nhớ lại các sự kiện đã khuấy động những cảm xúc giận dữ.
 

        Những cuộn băng vô hình ấy cứ liên tục vang lên khi một người đắm mình trong cơn giận của mình và dần dần phát triển thành sự oán giận và sự cay đắng. Nếu quá trình này không bị ngăn lại thì người đó cuối cùng sẽ trải nghiệm một cơn giận âm ỉ dưới hình thức của một sự suy sụp về cảm xúc, sự ngã lòng, hoặc trong một số trường hợp, sự tự vẫn.
 

        Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người chất chứa sự giận dữ trong lòng theo dạng này, kết quả cuối cùng sẽ không phải là một cơn giận âm ỉ mà là một sự bộc phát dữ dội ra bên ngoài. Trong tình trạng cảm xúc đầy tuyệt vọng của mình, họ sẽ phạm một hành vi bạo lực nào đó đối với người đã cư xử sai trật với họ. Điều này được nhìn thấy lặp đi lặp lại nhiều lần trên bản tin hàng đêm khi người nhân viên bị sa thải chín tháng trước đó bước vào sở làm cũ và bắn người giám sát đã đuổi việc anh ta. Hay là vào cái tuổi mười lăm đứa con gái bị lạm dụng đã giết chết cha mẹ cô ta. Hoặc một người chồng nhút nhát trở thành thù địch với vợ mình và hủy diệt mạng sống cô ấy. Những người hàng xóm luôn bị sốc bởi những sự kiện như thế, và họ nói với phóng viên, “Trông anh ta có vẻ như một người thật dễ thương. Tôi chẳng thể nào tin nổi rằng anh ta sẽ làm một việc như thế.” Điều mà người láng giềng không thể quan sát được là cơn giận bên trong vốn đã được nuôi dưỡng bởi việc nghiền ngẫm về nó suốt một thời gian dài.
 

        Chúng ta cần nhận thấy rõ rằng cơn giận âm ỉ cũng hoàn toàn gây ra sự hủy diệt y như cơn giận bộc phát vậy. Đó là lý do vì sao Thánh Kinh luôn cảnh cáo chống lại việc chất chứa cơn giận bên trong lòng. Sứ đồ Phao-lô khuyên, “Ví bằng anh em đương cơn giận thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma quỉ nhân dịp” (Ê-phê-sô 4:26-27).
 

        Rõ ràng, Phao-lô dạy rằng chúng ta phải giải quyết sự giận dữ cách mau chóng, không cho phép nó nấn ná bên trong sau khi mặt trời lặn. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta nổi giận sau khi trời tối, Phao-lô sẽ cho chúng ta thời gian giải quyết là cho đến giữa đêm, nhưng nguyên tắc là sự giận dữ sẽ không được chất chứa bên trong; trên thực tế, làm như thế là tạo cho ma quỉ nhân dịp. Tức là, chúng ta đang cộng tác với Sa-tan và đặt chính mình vào chỗ phạm tội càng nhiều hơn. Sứ đồ Phao-lô thách thức chúng ta rằng phải loại bỏ sự giận dữ ra khỏi bản thân mình. Ê-phê-sô 4:31 chép rằng "Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác." Cô-lô-se 3:8 lại dạy rằng "Nhưng bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh nộ, buồn giận và hung ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục tĩu nào ra từ miệng anh em." Điều này không nhằm ám chỉ rằng sự giận dữ tự nó là một tội lỗi; nó cho thấy rằng việc cho phép tội lỗi sống bên trong chúng ta mới là tội lỗi.
 

        Sa-lô-môn cảnh cáo trong sách Truyền đạo 7:9 rằng “sự giận ở trong lòng kẻ ngu muội”. Từ trọng tâm là ở; kẻ ngu muội để cho cơn giận ở lại bên trong hắn. Điều này ám chỉ rằng những người khôn ngoan sẽ thấy rằng sự giận dữ cần nhanh chóng được loại bỏ. Cơn giận được phép làm một người khách chứ không bao giờ là một kẻ thường trú trong tấm lòng con người.
 

        Hết thảy chúng ta đều trải qua sự giận dữ vì những lý do được nhận thấy trong các chương trước. Nhưng việc chất chứa cơn giận bên trong bởi việc phủ nhận, rút lui, và nghiền ngẫm về nó không phải là phản ứng của Cơ Đốc nhân trước sự giận dữ. Thực ra, làm như thế là vi phạm những sự dạy dỗ rõ ràng của Thánh Kinh. Sự cay đắng là kết quả của cơn giận được chất chứa trong lòng, và Kinh Thánh dạy chúng ta phải đề phòng sự cay đắng. Công vụ 8:23 chép lại lời sứ đồ Phao-lô nói cùng thuật sĩ Simôn rằng: "Ta thấy ngươi đương ở trong mật đắng và trong xiềng tội ác" (Rô-ma 3:14); và trong thơ gởi cho người Hê-bơ-rơ có viết rằng "Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng" (Hê-bơ-rơ 12:15).
 

        ĐỀ PHÒNG SỰ CĂM GHÉT
 

        Trong công tác tư vấn suốt nhiều năm, tôi đã từng nghe các bạn thiếu niên nói, “Em căm ghét ba em.” Hầu như thường xuyên, một câu nói như thế được gắn kết với một loạt những việc làm bị xem là sai trật do người cha phạm phải. Người con tuổi thiếu niên đã chất chứa sự tổn thương và giận dữ và đã phát triển sự oán giận, cay đắng, và bây giờ là sự căm ghét đối với người cha. Tôi cũng từng nghe các bà vợ nói, “Tôi căm ghét chồng tôi,” và tôi cũng nghe các ông chồng diễn đạt giống như thế về vợ họ. Như vậy thì sự căm ghét này đã được hình thành ra sao? Và từ khi nào? Chúng ta sẽ tìm ra câu giải đáp vào tuần sau.

        Kính thưa quý thính giả,
 

        Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ kết thúc chương thứ sáu và bước sang chương bảy, nói về cơn giận kéo dài nhiều năm tháng. Phát Thanh Hy Vọng xin kính chúc quý thính giả một cuối tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Mong gặp lại quý thính giả vào tuần sau.
 

Tiến sĩ Gary Chapman
Nguồn: phatthanhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn