03:35 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 66


Hôm nayHôm nay : 11125

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 259699

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22989106

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Cách Thức Sự Đè Nén Hủy Diệt

Thứ hai - 22/02/2021 20:17
Cách Thức Sự Đè Nén Hủy Diệt

Cách Thức Sự Đè Nén Hủy Diệt

Chúng ta đang ở Chương 6 của quyển sách “Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh” của tiến sĩ Gary Chapman nói về SỰ BỘC PHÁT VÀ SỰ ĐÈ NÉN của một cơn giận.

 

Cách Thức Sự Đè Nén Hủy Diệt

 

       Kính thưa quý thính giả,
 

       Chúng ta đang ở Chương 6 của quyển sách “Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh” của tiến sĩ Gary Chapman nói về SỰ BỘC PHÁT VÀ SỰ ĐÈ NÉN của một cơn giận. Chúng ta đã nghe câu chuyện của Beverly và cơn giận âm ỉ trong lòng cô khi biết anh trai mình đã kêu gọi ba mẹ bán nhà để đưa tiền cho anh kinh doanh. Ba mẹ cô đã dọn đến một căn nhà nhỏ hơn với lời hứa của người con trai rằng họ sẽ được trả tiền hàng tháng cho đến ngày nhắm mắt tắt hơi.
 

       Beverly nói: “Tôi biết anh trai tôi. Những ý tưởng về việc kinh doanh của anh luôn thiếu chín chắn. Trong vòng hai năm, anh sẽ mất tất cả số tiền đó, và cha mẹ tôi sẽ phải sống nhờ phúc lợi nhà nước thôi. Khi tôi khám phá ra điều đang xảy ra, tôi đã gọi cho anh ấy và anh cho tôi biết cách đơn giản về toàn bộ quá trình. Anh nói anh biết rằng tôi sẽ không bực mình bởi vì cả hai chúng tôi đã từng nói chuyện trước đó rằng ba mẹ chúng tôi cần ở trong một chỗ nhỏ hơn. Tôi đã bảo anh rằng tôi hiểu và tôi chắc chắn việc đó sẽ khả thi. Nhưng tôi càng nghĩ về việc đó thì tôi lại càng thấy bực bội hơn.”
 

       Beverly rõ ràng là đang trải qua sự tức giận vô cùng. Bởi vì cô tin rằng sự giận dữ là “trái với nguyên tắc Cơ Đốc”, cô không muốn gọi nó là sự giận dữ, vì thế cô dùng từ bực mình. Thế nhưng, sự phủ nhận đích thực tiềm ẩn trong mẫu đối thoại giữa cô và anh trai cô. Cô tạo cho anh ấy có ấn tượng rằng những việc làm của anh là chấp nhận được, trong khi trên thực tế cô thấy những việc làm đó là không thể chấp nhận. Anh không biết rằng cô ấy tức giận; nhưng, thực ra, cô đang sôi sục cơn giận trong lòng.
 

       Đời sống một người, theo nghĩa đen, vỡ vụn quanh sự giận dữ bị kiềm nén bên trong. Trong khi cơn giận bộc phát được dễ dàng nhìn thấy bởi việc la hét, thề thốt, kết án, chỉ trích, mắng nhiếc hay những hành động giận dữ khác, cơn giận âm ỉ lại không dễ dàng được người khác nhận ra bởi vì, theo định nghĩa, nó được giữ kín trong lòng. Sự thật là cơn giận âm ỉ cũng gây nhiều sự hủy diệt như bất kỳ một cơn giận nào khác. Trong khi cơn giận bộc phát bắt đầu với sự giận dữ và có thể nhanh chóng chuyển thành bạo lực, cơn giận âm ỉ bắt đầu với sự im lặng và sự rút lui nhưng sớm muộn gì cũng dẫn đến sự oán giận, cay đắng, và cuối cùng là thù hận. Cơn giận âm ỉ được mô tả bởi ba yếu tố tiêu biểu là: sự phủ nhận, sự rút lui, và việc nghiền ngẫm. Những người xử lý cơn giận của họ “cách âm ỉ (hay đè nén)” thường bắt đầu bằng việc phủ nhận rằng họ không giận dữ chút nào mà chỉ đơn giản là thấy thất vọng, thấy bực mình, thấy bất công vv... Việc phủ nhận sự giận dữ không làm cho nó tiêu biến đi. Sự giận dữ bị kiềm nén, dù có được thừa nhận hay không, sẽ có hiệu quả hủy diệt trên thân thể và tâm trí của người tức giận. Cơn giận sẽ gia tăng cho đến khi sự phủ nhận không còn tồn tại nữa.
 

       Sự rút lui là chiến lược thứ hai, nhưng cũng là chiến lược trung tâm của những người tranh chiến với cơn giận âm ỉ. Trong khi thừa nhận sự giận dữ với chính mình và những người khác, họ rút lui khỏi cá nhân hay tình huống đã khuấy động sự tức giận đó. Ý tưởng ở đây không phải là sự phủ nhận-mà là sự lạnh nhạt, xa cách. “Lối đối xử yên lặng” này, sự rút lui và tránh né, có thể kéo dài một ngày hoặc kéo dài nhiều năm. Nó càng tiếp tục lâu bao nhiêu thì chắc chắn là sự oán hận và cay đắng sẽ càng gia tăng thêm và sâu xa hơn bấy nhiêu.
 

       Kính thưa quý thính giả,
 

       Thường thì cơn giận bị kiềm nén sẽ tự bộc lộ trong cái mà các nhà tâm lý học gọi là hành vi cư xử gây hấn - thụ động. Người đó bề ngoài thấy thụ động, cố gắng tạo ra cái vẻ là không điều gì đang làm anh ta phiền lòng, nhưng cuối cùng thì cơn giận lại nổi lên trong những cách thức khác, chẳng hạn như không chịu làm theo lời thỉnh cầu mà người kia đưa ra.
 

       Ví dụ như Andy đang biểu hiện hành vi cư xử gây hấn một cách thụ động đối với vợ anh là Rachel. Anh tức giận với Rachel bởi vì cô không tỏ ra thích thú trong sự thân mật trong vấn đề chăn gối vợ chồng. Mặc dù Andy từ chối thảo luận vấn đề cách cởi mở với Rachel, thế nhưng khi cô nhờ anh giúp tắm rửa cho bọn trẻ, anh cứ thản nhiên tiếp tục kiểm tra các thư điện tử của mình, thậm chí anh hình như còn không nhận ra lời đề nghị của cô. Khi cô nhờ anh vui lòng rửa giùm một vài cửa sổ vào ngày thứ Bảy, thì anh lại hoạch định một buổi du ngoạn với con trai mình. Hầu hết thời gian Andy thậm chí không hoàn toàn ý thức về điều anh đang làm trong sự giận dữ của mình, nhưng anh vẫn đang trả đũa cô ta.
 

       Còn về phía Rachel thì sao? Việc thiếu thích thú trong sự thân mật về tình dục của cô cũng có thể là một hành động gây hấn thụ động. Có thể là cô đang chất chứa sự tức giận trong lòng mình đối với Andy bởi vì anh đã không dành thời gian chất lượng với cô. Cô không muốn thảo luận vấn đề khuấy động cơn giận của mình, nhưng sự tức giận của cô, tuy đã trở nên ngấm ngầm - song vẫn lộ ra trong hành vi cư xử của cô.
 

       Vì thế, ta có thể thấy kiểu mẫu gây hấn - thụ động bắt đầu một cái vòng lẩn quẩn. Trừ khi chu kỳ hủy diệt này bị cắt đứt, nó chỉ là vấn đề của thời gian cho đến khi cuộc hôn nhân của họ tự tan vỡ.
 

       Người đang xử lý cơn giận trong lòng có thể cũng chuyển hướng cơn giận đó. Người ấy chuyển những cảm xúc giận dữ của mình khỏi người hay tình huống đã khơi dậy cơn giận đó và hướng đến một người hay một vật thể khác. Chúng ta thảy đều quen thuộc với việc người đàn ông tức giận chủ của mình nhưng lại sợ đối đầu với chủ nên chọn thà trở về nhà, đá con mèo, mắng nhiếc con cái, và nói năng cộc cằn thô lỗ với vợ thì hơn. Cơn giận trút ra không đúng chỗ này khơi dậy sự giận dữ càng thêm nơi những người bị lạm dụng và không làm gì để giải quyết tình huống đã khuấy động cơn giận ban đầu. Những người nhận lãnh sự giận dữ trút đổ không đúng chỗ này bị rơi vào tình trạng bối rối. Người đang tuôn ra cơn giận không đúng chỗ này có thể không ý thức được mối quan hệ giữa cách cư xử sai trật của người giám sát mình với điều anh ta đang làm cho các thành viên trong gia đình. Những biểu hiện của cơn giận không đúng chỗ như thế không giải quyết sự giận dữ ban đầu. Nó vẫn còn bị chôn giấu bên trong người đó, chờ đợi được xử lý trong một cách thức tích cực hơn.
 

       Sự đè nén cơn giận, hay việc giữ cơn giận lại trong lòng này cuối cùng sẽ đưa đến sự căng thẳng về tâm-sinh lý. Có một nhóm nghiên cứu ngày càng đông hơn cho thấy một mối tương quan tích cực giữa cơn giận bị kiềm chế và bệnh cao huyết áp, bệnh viêm ruột kết, những chứng đau nhức nửa đầu, và bệnh tim. Tuy nhiên, những kết quả rõ rệt hơn của việc đè nén cơn giận được tìm thấy trong tác động của nó trên sức khỏe về mặt tâm lý hoặc cảm xúc của một người. Sự giận dữ chất chứa bên trong cuối cùng dẫn đến sự oán giận, sự cay đắng, và thường là sự căm thù. Tất cả mọi điều này bị lên án rõ ràng trong Thánh Kinh và bị xem là những phản ứng tội lỗi trước sự giận dữ.
 

       Kính thưa quý thính giả,
 

       Một đặc điểm thứ ba của cơn giận âm ỉ là việc nghiền ngẫm về các biến cố khích động sự giận dữ đó. Trong tâm trí của người này, cảnh tượng ban đầu của việc cư xử sai trật cứ tái diễn như một băng ghi hình. Anh ta nhìn thấy biểu hiện trên gương mặt của người kia; anh ta nghe những lời lẽ người kia nói; anh ta cảm nhận tinh thần của người kia; anh ta nhớ lại các sự kiện đã khuấy động những cảm xúc giận dữ. Trong lòng anh ta cứ văng vẳng những băng ghi âm về sự phân tích của bản thân mình về tình huống đó.
 

       Làm thế nào anh ta lại có thể vô ơn đến thế? Hãy nhìn vào số năm tháng mình đã đầu tư vào công ty. Anh ta mới ở đây có năm năm thôi. Anh ta chẳng hình dung được điều gì đang diễn ra. Nếu anh ta đã biết mình quan trọng thế nào đối với công ty thì anh ta sẽ không đối xử với mình theo cách này. Mình muốn từ chức và để anh ta phải chịu đựng. Nếu không mình muốn kêu nài lên ban giám đốc và khiến anh ta phải bị đuổi việc.
 

       Những cuộn băng cứ liên tục vang lên khi một người đắm mình trong cơn giận của mình. Sự khó khăn là các cuộn băng ấy chỉ vang lên trong đầu của người đó. Sự giận dữ không bao giờ được xử lý với người có liên can hoặc bởi sự trợ giúp của một nhà tư vấn hay người bạn đáng tin cậy. Sự giận dữ đang phát triển thành sự oán giận và sự cay đắng. Nếu quá trình này không bị ngăn lại thì người đó cuối cùng sẽ trải nghiệm một cơn giận âm ỉ dưới hình thức của một sự suy sụp về cảm xúc, sự ngã lòng, hoặc trong một số trường hợp, sự tự vẫn.
 

       Kính thưa quý thính giả,
 

       Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây để kính mời quý thính giả trong tuần tới cùng chúng tôi khám phá cách thức mà cơn giận âm ỉ hủy diệt các mối quan hệ và bản thân của người có loại cơn giận này. Phát Thanh Hy Vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Mong gặp lại quý thính giả vào tuần sau.
 

Tiến sĩ Gary Chapman
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn