08:50 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 97

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 96


Hôm nayHôm nay : 14284

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 262858

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22992265

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Nhận Ra Cơn Giận Âm Ỉ

Thứ hai - 15/02/2021 20:19
Nhận Ra Cơn Giận Âm Ỉ

Nhận Ra Cơn Giận Âm Ỉ

Chúng ta đã bước sang Chương 6 của quyển sách “Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh” của Tiến Sĩ Gary Chapman nói về SỰ BỘC PHÁT VÀ SỰ ĐÈ NÉN của một cơn giận.


Nhận Ra Cơn Giận Âm Ỉ


        Kính thưa quý thính giả,
 

        Chúng ta đã bước sang Chương 6 của quyển sách “Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh” của Tiến Sĩ Gary Chapman nói về SỰ BỘC PHÁT VÀ SỰ ĐÈ NÉN của một cơn giận. Chúng ta đã nghe câu chuyện về Margaret và con gái tên Ginny. Margaret xử lý cơn giận bằng cách lạm dụng lời nói và cho rằng mình có quyền trút đổ nó bằng việc la thét và mắng nhiếc người khác. Cho đến khi con gái của cô là Ginny bỏ nhà ra đi, Margaret mới nhận thức được cách cư xử tồi tệ của mình. Trong khi đó, Paul lại lạm dụng bằng các hành vi thô bạo khi giận dữ. Anh cho hành động của mình không có gì sai trái, rằng mình có quyền đối xử thô bạo với người làm cho anh tức giận bằng cách quăng ném và làm hư hại đồ vật chung quanh. Thậm chí anh đã xô vợ mình là Liz vào tường, anh túm lấy người cô và lắc mạnh một cách thô bạo trong cơn giận dữ. Liz bỏ nhà ra đi và chỉ sau khi Paul tham gia các lớp tư vấn cá nhân và tư vấn hôn nhân cô mới trở lại với Paul. Anh đã phải học cách kiểm soát cơn giận của bản thân và phá vỡ khuôn mẫu lạm dụng hành vi thô bạo.
 

        Tuần trước chúng ta cũng đã học cách giúp đỡ một người dễ bộc phát cơn giận bằng cách bắt người ấy chịu trách nhiệm giải trình về phản ứng tiêu cực trong cơn giận dữ của họ, bởi vì những khuôn mẫu như thế sẽ không đơn giản biến mất đi theo thời gian. Chính sự đe dọa mất đi một mối quan hệ có ý nghĩa sẽ là động cơ thúc đẩy những người lạm dụng cơn giận tìm kiếm sự trợ giúp. Hành vi tức giận bộc phát ra bên ngoài không bao giờ đem lại sự gây dựng cả. Nó không chỉ gây tổn thương cho người khác, song nó còn phá hủy lòng tự trọng của người đang mất tự chủ. Không ai có thể cảm thấy tốt đẹp về bản thân mình khi suy nghĩ về điều họ đã làm. Cơn giận tùy tiện biểu hiện trong những sự bộc phát qua lời nói và hành vi cư xử cuối cùng sẽ hủy diệt các mối quan hệ. Người nhận lãnh những sự bộc phát cơn giận đó mất đi lòng kính trọng đối với người mất tự chủ và cuối cùng sẽ chỉ tránh mặt họ mà thôi.
 

        Kính thưa quý thính giả, hôm nay chúng ta sẽ nói về những cơn giận âm ỉ trong lòng và việc làm thế nào để NHẬN RA CƠN GIẬN ÂM Ỉ.
 

        Khi muốn phá hủy bất cứ tòa nhà cao tầng nào qua sự cho nổ bên trong, đội phá sập nhà luôn luôn đặt thuốc nổ trong tòa nhà hơn là bên ngoài, giữ cho mọi gạch đá và kính bị vỡ vụn đều nằm gọn trong tòa nhà. Đây là một hình ảnh biểu tượng về những gì xảy ra cho người chọn đè nén cơn giận trong lòng. Đời sống một người, theo nghĩa đen, vỡ vụn quanh sự giận dữ bị kiềm nén bên trong. Trong khi cơn giận bộc phát được dễ dàng nhìn thấy bởi việc la hét, thề thốt, kết án, chỉ trích, mắng nhiếc hay những hành động giận dữ khác, cơn giận âm ỉ lại không dễ dàng được người khác nhận ra bởi vì, theo định nghĩa, nó được giữ kín trong lòng.
 

        Một số Cơ Đốc nhân muốn phàn nàn về những biểu hiện bộc phát của sự giận dữ không nhận ra được thực tại, là cơn giận âm ỉ cuối cùng cũng hoàn toàn gây hủy diệt y như vậy. Trong khi cơn giận bộc phát bắt đầu với sự giận dữ và có thể nhanh chóng chuyển thành bạo lực, cơn giận âm ỉ bắt đầu với sự im lặng và sự rút lui nhưng sớm muộn gì cũng dẫn đến sự oán giận, cay đắng, và cuối cùng là thù hận. Cơn giận âm ỉ được mô tả bởi ba yếu tố tiêu biểu là: sự phủ nhận, sự rút lui, và việc nghiền ngẫm. Chúng ta hãy xem xét từng yếu tố một.
 

        Những người xử lý cơn giận của họ “cách âm ỉ (hay đè nén)” thường bắt đầu bằng việc phủ nhận rằng họ không giận dữ chút nào. Phản ứng trước sự giận dữ này, lại đặc biệt thu hút các Cơ Đốc nhân, là những người đã từng được dạy rằng sự giận dữ bản thân nó là tội lỗi. Vì thế, người ta thường nghe những câu phát biểu đại loại như sau:
 

        · “Tôi đâu có giận, nhưng tôi vô cùng nản lòng.”
        · “Tôi đâu có giận; tôi chỉ cảm thấy khó chịu thôi.”
        · “Tôi đâu có giận, nhưng tôi thất vọng.”
        · “Tôi đâu có giận; tôi chỉ không thích khi người ta đối xử bất công với tôi.”
 

        Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp này, tình trạng của họ như nhau: Những người này đang trải qua sự giận dữ.
 

        Beverly minh họa điều này rõ ràng. Ngồi trong văn phòng của tôi vào một buổi sáng tháng Mười, cô bảo tôi, “Tôi biết rằng Cơ Đốc nhân không được tức giận, và tôi không nghĩ là mình bị như thế, nhưng tôi thật bực mình trước điều đã xảy ra mà tôi không biết phải làm gì. Anh tôi thuyết phục ba mẹ tôi bán nhà của họ và đưa tiền cho anh để đầu tư vào một việc làm ăn. Anh dời họ đến ở tại một căn hộ nhỏ, hứa hẹn sẽ trả số tiền đã vay mượn này hàng tháng bao lâu mà họ vẫn còn sống, và nói rằng nếu họ cần đến sống tại một trung tâm dành cho người hưu trí thì tới lúc đó anh sẽ có thể đủ điều kiện lo chỗ ở tại đó cho họ. Anh làm mọi việc này mà chẳng bàn thảo vấn đề với tôi gì cả. Tôi biết anh trai tôi. Những ý tưởng về việc kinh doanh của anh luôn thiếu chín chắn. Trong vòng hai năm, anh sẽ mất tất cả số tiền đó, và cha mẹ tôi sẽ phải sống nhờ phúc lợi nhà nước thôi.
 

        “Khi tôi khám phá ra điều đang xảy ra, tôi đã gọi cho anh ấy và anh cho tôi biết cách đơn giản về toàn bộ quá trình. Anh nói anh biết rằng tôi sẽ không bực mình bởi vì cả hai chúng tôi đã từng nói chuyện trước đó rằng ba mẹ chúng tôi cần ở trong một chỗ nhỏ hơn. Tôi đã bảo anh rằng tôi hiểu và tôi chắc chắn việc đó sẽ khả thi. Nhưng tôi càng nghĩ về việc đó thì tôi lại càng thấy bực bội hơn.”
 

        Beverly rõ ràng là đang trải qua sự tức giận vô cùng. Bởi vì cô tin rằng sự giận dữ là “trái với nguyên tắc Cơ Đốc”, cô không muốn gọi nó là sự giận dữ, vì thế cô dùng từ bực mình. Thế nhưng, sự phủ nhận đích thực tiềm ẩn trong mẫu đối thoại giữa cô và anh trai cô. Cô tạo cho anh ấy có ấn tượng rằng những việc làm của anh là chấp nhận được, trong khi trên thực tế cô thấy những việc làm đó là không thể chấp nhận. Anh không biết rằng cô ấy tức giận; nhưng, thực ra, cô đang sôi sục cơn giận trong lòng. Nếu cô không thay đổi cách tiếp cận của mình, những quả bom của sự âm ỉ sẽ trở nên bén rễ trong lòng cô và đúng thời điểm đời sống cô sẽ suy sụp. (Chúng ta sẽ nói đến những kết quả có thể xảy đến của cơn giận âm ỉ trong phần kế tiếp.)
 

        Việc phủ nhận sự giận dữ không làm cho nó tiêu biến đi. Sự giận dữ bị kiềm nén, dù có được thừa nhận hay không, sẽ có hiệu quả hủy diệt trên thân thể và tâm trí của người tức giận. Cơn giận sẽ gia tăng cho đến khi sự phủ nhận không còn tồn tại nữa.
 

        Nhưng thậm chí còn hơn cả sự phủ nhận, sự rút lui là chiến lược trung tâm của những người tranh chiến với cơn giận âm ỉ. Trong khi thừa nhận sự giận dữ với chính mình và những người khác, họ rút lui khỏi cá nhân hay tình huống đã khuấy động sự tức giận đó. Ý tưởng ở đây không phải là sự phủ nhận - mà là sự lạnh nhạt, xa cách. Nếu mình có thể tránh xa anh ấy hoặc ít ra là không nói chuyện với anh ta khi mình gặp anh ta, có lẽ cơn giận của mình sẽ giảm bớt đi theo thời gian, người đang tức giận đoan chắc một lần nữa với bản thân mình như thế. Nếu người phạm lỗi để ý sự rút lui lặng lẽ ấy và hỏi, “Có điều gì không vui hả?” người rút lui sẽ trả lời, “Không. Điều gì khiến anh nghĩ là có điều gì đó không vui?” Nếu người kia tiếp tục theo đuổi vấn đề bằng cách hỏi, “Ờ thì, em đã trở nên yên lặng hơn bình thường. Em không hỏi thăm về công việc của anh trong ngày và em cũng chẳng nói gì về công việc trong ngày của em cả,” người rút lui có thể đáp, “Em chỉ mệt thôi. Em đã trải qua một ngày khó khăn,” và rồi cô sẽ bước ra khỏi phòng để tránh né cuộc đối thoại.
 

        Kính thưa quý thính giả,
 

        Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây để kính mời quý thính giả trong tuần tới cùng chúng tôi khám phá cách thức mà cơn giận âm ỉ hủy diệt các mối quan hệ và bản thân của người có loại cơn giận này. Chúng ta sẽ được nghe những mẫu chuyện minh họa về việc cơn giận không được bày tỏ công khai đã dẫn đến những hành vi cư xử thụ động khiến càng khơi dậy cơn giận trong lòng những người liên hệ như thế nào. Phát Thanh Hy Vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Mong gặp lại quý thính giả vào tuần sau.
 

Tiến sĩ Gary Chapman
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn