08:45 EDT Thứ bảy, 04/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 38

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 37


Hôm nayHôm nay : 10136

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 34193

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23043226

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

“Con Ông Con Bà”

“Con Ông Con Bà”

“Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp” (câu 28).

Xem tiếp...

Cộng Tác

Thứ tư - 19/09/2018 21:03
Cộng Tác

Cộng Tác

Kính thưa quý thính giả, Tuần trước chúng ta đã theo dõi phần đầu của chương thứ 9 với chương đề “Giúp Người Khác” của sách Sức Khỏe Đơn Giản, qua đó chúng ta biết rằng khi giúp người khác thì chính chúng ta:

 

             

             Kính thưa quý thính giả,

             Tuần trước chúng ta đã theo dõi phần đầu của chương thứ 9 với chương đề “Giúp Người Khác” của sách Sức Khỏe Đơn Giản, qua đó chúng ta biết rằng khi giúp người khác thì chính chúng ta:

             - Nhìn lạc quan hơn
             - Gia tăng nghị lực 
             - Cải thiện sức khỏe
             - Giảm thiểu cảm giác cô đơn và trầm cảm
             - Kiểm soát cân nặng tốt hơn
             - Bớt đau nhức
             - Thấy thư giãn hơn và ngủ ngon hơn
             - Hệ miễn nhiễm mạnh hơn

             Theo như trang mạng của “Random Acts of Kindness Foundation” chuyên khuyến khích các công việc từ thiện giúp người thì: “Giúp người góp phần duy trì sức khỏe tốt, và có thể giảm thiểu ảnh hưởng của bịnh tật cùng những rối loạn tâm lý cũng như thể chất. Những vấn đề sức khỏe liên quan sự căng thẳng được cải thiện sau khi thực hiện hành động nhân ái. Giúp người sẽ đảo ngược cảm giác chán nản, tạo giao tiếp với xã hội, và giảm thiểu tình cảm nghịch thù và cô lập vốn có thể gây căng thẳng, ăn quá độ, lở loét, v.v.” Cũng theo tổ chức này thì: “Giúp người có thể nâng cao tình cảm hân hoan, khả năng phục hồi, cùng sinh lực. Có thể gia tăng cảm nhận về giá trị bản thân, hạnh phúc, lạc quan hơn cũng như giảm bớt cảm giác bất lực và trầm cảm.”

             Thưa quý thính giả,

             Tình nguyện là một phương cách để giúp người khác và trong quyển sách: “Giúp Cho Bạn Cũng Là Giúp Cho Chính Tôi”, được xuất bản bởi Hội Hoàn Cầu Khải Tượng (World Vision), một trong những cơ quan phát triển và cứu trợ Cơ-đốc quốc tế lớn nhất, đã mô tả cho chúng ta bảy lợi ích của việc tình nguyện. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau theo dõi tiếp một phương diện trong những gương về hành động nhân ái, đó là sự cộng tác.

             Trình bày về phương diện cộng tác, hai đồng tác giả của quyển sách “Sức Khỏe Đơn Giản” cho biết như sau:

             Chủ nghĩa cá nhân và ganh đua thô bạo có thể đã xây dựng nên quốc gia Hoa Kỳ này, nhưng cộng tác vẫn lành mạnh hơn để thiết lập và duy trì những mối quan hệ cá nhân nâng đỡ và góp phần cho lợi ích của người khác cũng như cải thiện sức khỏe cho những người giúp đỡ.

             Chúng ta hãy đối diện vấn đề này; khi bạn đang ganh đua và so sánh mình với người khác, bạn tự đặt mình trong một bối cảnh căng thẳng. Mối lo của bạn gia tăng; căng thẳng là bạn đồng hành trung thành với bạn. Vì giá trị bản thân của bạn gắn liền với ‘sự thắng’ (và do đó, ‘sự thua’ là mối đe dọa), cho nên bạn cảm thấy bất an. Về mặt tâm lý, tuy một chút ganh đua có thể giữ bạn sắc sảo, nhưng quá nhiều ganh đua và kéo dài quá lâu có thể làm bạn tiêu hao và kềm hãm bạn. Về mặt thể chất, trạng thái căng thẳng “đánh hay chạy” do hoàn cảnh ganh đua tạo ra, có hại cho sức khỏe bạn trên nhiều phương diện. Càng kéo dài, tác động càng tồi tệ thêm. Về mặt quan hệ, thật khó duy trì được những mối quan hệ tích cực và hữu ích với những người mà bạn không tin tưởng hoặc sợ hãi, hoặc xem như chướng ngại, địch thủ hay đối thủ.

             Cách hiệu quả nhất để giúp người khác, dầu bạn là thành viên của bất kỳ một tập thể nào, luôn bao gồm sự cộng tác. Từ “cộng tác” là gốc từ Hy Lạp “synergos”, có nghĩa là “làm việc chung với nhau”. Cộng tác diễn ra trong những tình huống khi ảnh hưởng tổng thể và đồng bộ của cả tập thể lớn hơn những nỗ lực cá nhân riêng rẽ cộng lại. Thí dụ, trong công việc của tôi với Hội Nha Sĩ Cơ Đốc, thì tôi (Dave) dự phần trong nhiều chuyến truyền giáo nha y ngắn hạn. Thật rất kỳ lạ khi chứng kiến một nhóm từ mười hai tới hai mươi cá nhân, nhiều người không hề quen biết nhau khi mới bắt đầu dự án, lại có thể cùng làm việc với nhau trong vài ngày, ngay cả trong điều kiện khó khăn, mà đạt được gấp nhiều lần hơn, so với kết quả khi từng cá nhân làm việc riêng lẻ, dù cũng cùng những con người đó, tại chính địa điểm đó và với cùng một mục tiêu như vậy. Một cộng một là ba, khi bạn kèm thêm sự cộng tác, khích lệ, và nâng đỡ hỗ tương nhờ cùng làm việc với nhau cho một mục đích chung. Thêm vào đó là cảm giác vui vẻ và thỏa lòng của mọi người cùng tham gia khi một dự án được hoàn tất, thì hầu hết mọi người sẽ nói rằng họ đã nhận được gấp bội nhiều hơn điều mình đóng góp. Thật ra, sự phản hồi thông thường nhất từ người tham gia không phải là con số những người khó khăn được giúp đỡ hoặc ngay cả con số người được giúp đỡ đã tin nhận Chúa. Vấn đề là chính họ lại được hưởng những lợi ích thuộc linh, tình cảm, xã hội và thậm chí đôi khi cả về thuộc thể nữa.

             Chị Sue Johnson, là người từng tham gia trong chuyến truyền giáo y tế ngắn hạn viết như sau:

             “Khi quyết định tham gia chuyến truyền giáo y tế năm vừa qua, tôi nôn nóng ra đi phục vụ người Ghana, Phi châu. Điều thực sự lạ lùng bất ngờ đã xảy ra ấy là, tôi đã phục vụ cho chính bản thân mình. Đức Chúa Trời bắt đầu chữa lành nhiều điều trong tôi mà ngay cả chính tôi cũng không biết mình cần sự chữa lành. Tôi cho rằng mình nhờ cậy Đức Chúa Trời hằng ngày hoặc ít ra, tôi đã cố gắng làm điều đó. Tôi biết Chúa Giê-xu khi tôi còn rất trẻ và tôi có mối quan hệ gần gũi với Ngài. Khi lớn lên, tôi gặp nhiều thử thách và đôi khi cảm thấy thất vọng và điều này khiến tôi bắt đầu cảm thấy bất an. Tôi thấy mình chấp nhận nhiều thỏa hiệp khiến dẫn tới những rắc rối trong cuộc đời tôi. Đức Chúa Trời thật thành tín và ở với tôi trong khi tôi làm việc để phục hồi mối quan hệ với Ngài. Tuy Ngài thành tín với tôi, nhưng tôi lại đầy âu lo. Tôi vật lộn với nhiều tình cảm hụt hẫng. Lúc nào tôi cũng vội vã và đánh mất những cơ hội nghe được tiếng Chúa hằng ngày phán với tôi hay những cơ hội để ảnh hưởng tốt trên người khác. Tôi khá cứng đầu và thích độc lập. Điều thú vị là tôi chẳng hay biết gì về những điều đó cho tới khi tôi ở Phi châu và làm việc tình nguyện tại đây."

             Nhờ giúp đỡ người khác ở Phi châu qua việc chăm sóc y tế và hướng dẫn thuộc linh, cuộc sống tôi hoàn toàn được thay đổi. Đôi khi, tôi gặp khó khăn vì dụng cụ y khoa thiếu thốn, không có đủ dụng cụ và nhất là vì tôi thiếu khả năng truyền thông, nên Đức Chúa Trời bắt đầu tước lấy sự độc lập của tôi và khiến tôi hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài. Tôi bắt đầu bỏ qua những tổn thương trong quá khứ “có vẻ rất nhỏ mọn” so với cảnh nghèo khổ và bịnh hoạn của những người chung quanh mà tôi đang chứng kiến. Tôi bắt đầu cảm thấy tin tưởng như thể mình đủ mạnh mẽ để làm công việc; sự thiếu sót tan biến ngay khi tôi nương cậy sức lực của Đức Chúa Trời thay vì của riêng mình. Giờ thì tôi đang ở nhà, tôi hành động chậm hơn theo “kiểu thì giờ của người Ghana”, và tôi dành thì giờ lắng nghe cả Đức Chúa Trời lẫn người khác. Tôi có được sự kiên nhẫn và niềm vui để thế chỗ cho sự lo âu. Cảm giác lo lắng đè nặng ngực tôi trước đây đã tan biến. Tôi dễ cười hơn, nói nhỏ nhẹ hơn, và hầu như chỉ an nghỉ trong tình yêu đơn sơ của Chúa Giê-xu mỗi ngày. Vì biết rằng nhờ tôi và đoàn của chúng tôi mà 30 người đã được sáng mắt qua phẫu thuật thủy tinh thể, hơn 400 cặp kính được phân phối, hơn 1,500 người được chăm sóc y tế thường xuyên, 25 ca phẫu thuật thương tích và đau ốm được thực hiện, và trên 90 người đã bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời, nhờ biết như vậy mà tôi có hy vọng và được chữa lành căng bịnh cứng đầu, thích độc lập của tôi, bởi lẽ chỉ nhờ Đấng Christ mà mọi sự việc trên mới diễn ra. Vì thế tôi đã đến Phi châu để giúp người khổ đau ở đó, và nhờ giúp họ, nhờ chạm vào họ, tôi mới được Chúa đụng đến, chữa lành, biến đổi. Tôi có niềm đam mê mới đối với cuộc sống và sự bình an mới trong tâm hồn không thể đo lường được. Lời Đức Chúa Trời là Lời sống, thật vậy, khi Ngài bảo chúng ta yêu thương nhau và phục vụ nhau. Không nhìn vào bản thân mà lo phục vụ người khác, đã thực sự giúp tôi cảm thấy vui hơn và tự do hơn. Dù bởi nguyên nhân nào, tôi cũng biết nhờ kết quả giúp người mà nay tôi được đổi mới, tốt hơn và lành bịnh”.

             Kính thưa quý thính giả,

             Tuy sự cộng tác có thể là khái niệm tương đối mới (từ “cộng tác” chỉ được sử dụng lần đầu khoảng năm 1660), nhưng trong thực tế có liên quan với nguyên tắc Thánh Kinh về sự lệ thuộc nhau của các chi thể trong thân Đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 12). Khái niệm này cũng được mô tả trong sách Truyền Đạo 4:9-12 như sau: “Hai người hơn một. Hiệu quả công việc của hai người làm chung sẽ hơn gấp đôi một người làm một mình. Nếu một người ngã, người kia đỡ; nhưng nếu ở một mình, lúc ngã, ai đỡ mình dậy? Lúc lạnh, hai người ngủ chung sẽ ấm hơn ngủ một mình. Đứng lẻ một mình dễ bị tấn công, nhưng hai người sát cánh cự địch sẽ thắng. Ba người lại càng tốt, như một sợi dây đánh ba tao thật khó đứt”.

             Những nỗ lực cộng tác phù hợp với mục đích của Đức Chúa Trời, thì chắc chắn là chính đáng để cho rằng sự cộng tác chính là sợi dây “ba tao” rất khó đứt, vì có bạn, người bạn giúp, và Đức Chúa Trời cùng cộng tác với nhau.

             Lời tường thuật của chị Sue Johnson đã kết thúc phần đọc sách hôm nay của chúng ta.  Xin hẹn gặp lại quý vị tuần tới với phần tiếp theo của sách nói về “Thực Hành Lòng Rộng Rãi”.

David B. Biebel, DMin & Harrold G. Koenig, MD
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn