14:22 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 29


Hôm nayHôm nay : 8964

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 14563

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23023596

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Gieo Sự Công Bình

Thứ năm - 03/09/2015 21:39
Gieo Sự Công Bình

Gieo Sự Công Bình

Cày ruộng là làm vỡ đất, xáo trộn lớp đất ở trên mặt với độ sâu từ 20–30 cm; cái cày là nông cụ canh tác giúp cho nhà nông dọn đất, chuẩn bị cho việc gieo trồng.

                    

                    Cày ruộng là làm vỡ đất, xáo trộn lớp đất ở trên mặt với độ sâu từ 20–30 cm; cái cày là nông cụ canh tác giúp cho nhà nông dọn đất, chuẩn bị cho việc gieo trồng. Mục đích chính của cày là lật trở lớp đất bên dưới lên bên trên, để mang chất dinh dưỡng mới lên mặt đất, đồng thời chôn lấp số cỏ dại, rơm rạ hoặc những gì còn sót lại từ mùa lúa trước để chúng bị phân hủy trong đất. Cày cũng làm thông khí đất, giúp đất giữ ẩm tốt hơn. Thông thường cánh đồng sau khi cày, được để khô rồi bừa trước khi gieo trồng.

                    Cày được kéo bởi trâu, bò, ngựa hay máy cày. Vật liệu để làm chiếc cày là gỗ, sắt, thép… Cấu trúc của chiếc cày là khung thép với các lưỡi cắt hoặc các que cắt. Người xưa đã biết chế tạo ra cày, nhưng mãi đến năm 1100 lịch sử Anh Quốc mới đề cập đến những chiếc cày nầy. Nhờ cải tiến trong việc chế biến những chiếc cày trở nên nông cụ hữu dụng hơn, tiêu biểu cho sự tiến bộ quan trọng trong nông nghiệp.

                    Khi chiếc cày được kéo qua lớp đất, tạo ra rãnh dài màu mỡ gọi là luống cày. Thời nay một luống cày thường để khô, và sau đó bừa trước khi gieo trồng. Cày, bừa và bón phân, lọc lừa và làm thay đổi một lớp dày 12–25 cm của đất để tạo thành một lớp đất đã cày. Trong nhiều loại đất, phần lớn rễ cây có khả năng hút chất tăng trưởng đều nằm trong lớp đất trên bề mặt hoặc trong lớp đất cày.

                    Khởi đầu khi canh tác, người ta cày ruộng bằng sức người, nhưng quá trình này trở nên hiệu quả hơn và đáng kể khi người ta biết dùng loài vật kéo cày. Con vật đầu tiên kéo cày là bò, và sau đó là ngựa, la v.v… Ở các nước công nghiệp phát triển, máy cày đầu tiên dùng động cơ hơi nước, nhưng đã được dần dần thay thế bằng máy cày chạy bằng xăng hay bằng gas.

                    Khi nông nghiệp mới được phát triển, gậy và cuốc cầm tay đã được sử dụng để tạo các lỗ khoan hay rãnh gieo giống cấy trồng ở các vùng có đất màu mỡ, chẳng hạn như hai bờ sông Nile, nơi lũ lụt hàng năm làm trẻ hóa đất. Gậy và cuốc đã được dùng phổ biến ở khắp mọi nơi canh tác nông nghiệp. Cuốc là phương pháp canh tác truyền thống trong khu vực nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, vốn có đất đá, độ dốc sườn dốc, cây có củ chiếm ưu thế, và ngũ cốc thô trồng phân tán ở khoảng cách xa nhau. Trong khi nền nông nghiệp dùng cuốc là phù hợp nhất với các khu vực này, cuốc vẫn được sử dụng hầu như ở khắp mọi nơi khác. Thay vì cày, một số nền nông nghiệp sử dụng lợn để đạp đất và ủi đất.

                    Sau khi cày, người ta bừa. Bừa là một nông cụ dùng để xới bề mặt của đất. Khác với cày thường dùng để xới sâu, bừa thường được dùng sau khi đất đã được cày qua để làm vỡ các đất cục hay khối đất giúp đất mịn nhỏ hơn thích hợp cho việc gieo trồng. Người ta cũng có thể bừa thô hơn để loại bỏ cỏ dại và phủ đất lên hạt giống.

                    Bừa có thể được kéo bởi người hay súc vật như trâu, bò, ngựa, hoặc dùng máy kéo. Sau khi cày, bừa, việc làm thứ ba là cấy. Ở An Giang, nước ta, cấy lúa bây giờ không còn là chuyện khó nhọc. Kỹ sư Ngô Văn Hóa, phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến Nông An Giang nói rằng, sử dụng máy cấy sẽ rút ngắn được thời gian xuống giống đại trà. Tại Sóc Trăng máy cấy gần đây là máy MC08 có trọng lượng trên 100kg được sử dụng để giúp cho việc cấy trồng. Chiếc máy nầy cấy cùng một lúc 8 hàng lúa (mỗi hàng cách nhau 20cm, bụi trước cách bụi sau 14cm) nên chỉ cần một người cầm lái, bốn người theo dõi và chuyển mạ sẽ cấy được khoảng 1,5ha/ngày. Anh Nguyễn Thành Phước, trưởng trại giống quận Long Phú, cho biết máy cấy lúa không chỉ giúp nhà nông tiết kiệm được nhân công, nhiên liệu... mà giá thành sản xuất tương đối rẻ (khoảng 20 triệu đồng) nên chỉ cần đưa máy đi cấy thuê trên diện tích 60ha chủ máy sẽ thu hồi được vốn.

                    Thánh Kinh dạy: "Ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy." (Ga-la-ti 6:7b) Như vậy hễ ai gieo đậu gặt đậu, gieo bắp gặt bắp. Có một người đàn ông rất giàu có đã đến tuổi về hưu. Ông trao gia tài cho đứa con trai duy nhất, chỉ mong được sống an nhàn tuổi già bên con cháu cho đến hết cuộc đời. Thế nhưng, người con dâu lại không muốn cha chồng ở mãi trong nhà. Chị ta đã đề nghị chồng phải đưa cha đi ở nơi khác. Người con không muốn mất tình cảm với vợ, nên đã quyết định đưa cha vào viện dưỡng lão, và tìm một nơi rẻ tiền nhất theo lời căn dặn của vợ. Một tuần sau đó, hai cha con đi bộ đến viện dưỡng lão, nơi mà người cha đến ở. Đi được một lúc bỗng nhiên người cha già bật khóc. Lương tâm người con không chịu nổi, anh nghẹn ngào nói lời xin lỗi cha. Sau một vài phút, người cha bị hắt hủi nghẹn ngào nói: “Con ơi! Cha không khóc vì con đưa cha vào đây. Cha khóc vì cách đây bốn mươi năm về trước, cha cũng bước đi trên lối này với ông nội của con, và cũng đưa ông nội con vào viện dưỡng lão tồi tàn này. Cha phải gặt những gì mà cha đã gieo đấy thôi!”

                    Thánh Kinh cũng dạy rằng: "Hãy biết rõ điều đó, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều.” (2 Cô-rinh-tô 9:6) Có một người Trung Hoa theo cổ lệ, ăn những củ khoai lớn và trồng lại những củ khoai nhỏ. Nhiều năm trôi qua, củ khoai của ông trồng càng ngày càng nhỏ đi đến độ ông mất hết khách mua. Đời sống tâm linh của chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta chỉ bo bo giữ cho mình mà không sống rộng rãi với người khác, thì đời sống ta sẽ nghèo nàn như tục ngữ nước ta có câu: "Ở lởi sởi ông Trời gởi thêm, ở bo bo ông Trời lấy lại”. Chúa Jesus dạy: "Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh" (Công Vụ 20:35b)

                    Thánh Kinh cũng cảnh cáo chúng ta là nếu chúng ta gieo gió chúng ta phải gặp bão: "Vì chúng nó đã gieo gió và sẽ gặt bão lốc. Cây lúa của chúng èo uột không mọc lên nổi; hoa lúa chẳng sinh hạt, may ra nếu có hạt nào thì cũng bị những người xa lạ ăn nuốt" (Ô-sê 8 :7)

                    Cho nên muốn sống một đời sống an bình vui thỏa, chúng ta phải làm theo lời dạy của Thánh Kinh là: "Hãy gieo cho mình trong sự công bình, hãy gặt theo sự nhân từ; hãy vỡ đất mới! Vì là kỳ tìm kiếm Chúa Hằng Hữu, cho đến chừng nào Ngài đến và sa mưa công bình trên các ngươi." (Ô-sê 10 :12).

                    Gieo sự công bình là sống một đời sống biết ơn Trời, quay trở lại với Đức Chúa Trời và thờ lạy Ngài là Đấng Tạo Hóa mình, trở về với cội nguồn của mình là tôn kính Trời, thờ phụng Trời và làm theo lời dạy của Ngài được chép trong Thánh Kinh: "Thời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các nhà tiên tri dạy bảo tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách. Nhưng trong những ngày cuối cùng nầy, Đức Chúa Trời sai Con Ngài là Chúa Cứu Thế dạy dỗ chúng ta. Đức Chúa Trời đã nhờ Con Ngài sáng tạo vũ trụ, cũng cho Con Ngài thừa kế quyền chủ tể vạn vật. Chúa Cứu Thế là vinh quang rực rỡ của Đức Chúa Trời, là hiện thân của bản thể Ngài. Chúa dùng lời quyền năng bảo tồn vạn vật. Sau khi hoàn thành việc tẩy sạch tội lỗi. Chúa ngồi bên phải Đức Chúa Trời uy nghiêm trên Thiên đàng." (Hê-bơ-rơ 1:1-3) Hai ngàn năm trước, Chúa Cứu Thế Jesus đã giáng trần, Ngài là Trời nhưng đã nhập thế trở thành người. Ngài là con người kỳ diệu, không ai có thể sánh với Ngài.

                    Vào thập niên 1940, một nữ diễn viên kia rất nổi tiếng là Billie Burke, đứng trên boong của một con tàu vượt Đại Tây Dương, thấy một người đàn ông dáng điệu yếu ớt, trông có vẻ bệnh hoạn. Cô hỏi: "Chắc ông bị cảm lạnh rồi, phải không?" Ông ta gật đầu. Cô tiếp: "Xin ông trở về phòng, uống nhiều nước cam, với 2 viên aspirin, rồi trùm mền lại. Mồ hôi sẽ tuôn ra và cảm lạnh cũng tan biến. À nầy tôi xin giới thiệu với ông tôi là Billie Burke, diễn viên điện ảnh Hollywood." Người đàn ông nói: "Cám ơn cô, tôi là bác sĩ Mayo, giám đốc bệnh viện Mayo”. Mayo là một bệnh viện tư nổi tiếng của nước Mỹ thời đó.

                    Qua câu chuyện nầy chúng ta thấy thật buồn cười, một người có kiến thức y khoa truyền thống gia đình đã cố vấn cho một bác sĩ nổi tiếng! Đây cũng là thái độ của nhiều người trên trần gian nầy. Họ đã không nhìn biết Chúa Jesus, Ngài chính là Đấng Tạo Hóa toàn năng, đã đến viếng thăm thế giới Ngài sáng tạo. Nhà tiên tri Ê-sai thi hành chức vụ bảy thế kỷ trước Chúa giáng sinh đã mô tả về Chúa là Đấng Tạo Hóa rằng: "Ai đã lường nước biển với lòng bàn tay? Ai đã lấy thước đo các tầng trời? Ai đã cân bụi đất các đồi núi? Ai hướng dẫn Thần Chúa? Ai làm cố vấn cho Ngài? Chúa nhờ ai giúp ý kiến? Ai huấn luyện Ngài, và vạch cho Ngài con đường công chính? Ai dám dạy khôn và chỉ vẽ phương pháp nhận thức cho Ngài? Trước mặt Chúa, các quốc gia chỉ là một giọt nước trong thùng, giống như bụi bặm đặt lên cân. Chúa di chuyển các bờ biển như đồ chơi. Rừng núi Li-ban không đủ củi để chụm lửa, thú rừng cao nguyên không đủ để để dâng tế lễ thiêu. Tất cả các quốc gia chẳng có quyền lực gì trước mặt Chúa; Ngài xem chúng như con số không." (Ê-sai 40:12-17)

                    Thế mà Chúa Cứu Thế Jesus đã bị người ta khinh dễ, khước từ. Ngài đã tự nguyện nhận cái chết đau thương khổ nhục trên cây thập tự thế tội thay cho con người chúng ta. Thánh Kinh chép: "Vì chúng ta phạm tội, Ngài chịu thương tích đầy mình; vì chúng ta gian ác, Ngài chịu vết đâm chí mạng. Nhưng nhờ Ngài chịu hình phạt, chúng ta được bình an; nhờ Ngài chịu đòn vọt, chúng ta được chữa lành. Tất cả nhân loại chúng ta giống như đàn chiên lạc lối; mỗi người tẻ tách đường ngay, chọn riêng một nẻo đường cong quẹo. Thế mà Đức Chúa Trời lại để cho Ngài gánh tất cả tội ác của loài người." (Ê-sai 53:5-6)

                    Chúa yêu quý vị, Chúa đã giáng trần vì quý vị, Ngài muốn gieo trồng lời Ngài, là lời Thánh Kinh vào lòng quý vị, để quý vị biết về Chúa Cứu Thế. Rất mong ngay giờ nầy quý vị đến với Chúa Cứu Thế Jesus, tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài.

                    Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn