01:24 EDT Thứ sáu, 03/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 46

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 41


Hôm nayHôm nay : 5018

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 19057

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23028090

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Nỗi Lòng Cha Mẹ

Nỗi Lòng Cha Mẹ

“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” (II Cô-rinh-tô 6:14).

Xem tiếp...

Chiếc Đồng Hồ

Thứ tư - 22/07/2015 21:26
Chiếc Đồng Hồ

Chiếc Đồng Hồ

Trong tủ trưng bày của một tiệm bán đồ cũ kia, có một đồng hồ để bàn rất đẹp, phía ngoài được bao bằng lớp mi-ca trong suốt, mặt trước hình tròn vành khăn, với kim chỉ giờ, chỉ phút, chỉ giây, phía trong và ở đằng sau là những bánh xe răng cưa, lớn nhỏ, nối kết với nhau trông thật ngoạn mục.



                Trong tủ trưng bày của một tiệm bán đồ cũ kia, có một đồng hồ để bàn rất đẹp, phía ngoài được bao bằng lớp mi-ca trong suốt, mặt trước hình tròn vành khăn, với kim chỉ giờ, chỉ phút, chỉ giây, phía trong và ở đằng sau là những bánh xe răng cưa, lớn nhỏ, nối kết với nhau trông thật ngoạn mục. Chiếc đồng hồ nầy được làm tại Tây Đức. Giá của đồng hồ mới cả trăm đô-la, nhưng vì đã cũ nên chỉ bán với giá 30 đô-la. Người mua trước khi mua xin nhân viên cửa hàng thử lại, xem chiếc đồng hồ nầy có chạy tốt không. Nhưng khi đã lắp đặt pin vào đúng vị trí, chiếc đồng hồ vẫn không chạy, tất cả guồng máy của nó cứ nằm im lìm, không một chút động tịnh dầu nhân viên nầy đã dùng pin mới và đã thử đi thử lại nhiều lần! Người khách mỉm cười lên tiếng: "Công dụng của chiếc đồng hồ là chỉ giờ, chớ không phải để trang trí, cho nên dù nó đẹp mắt thế nào, cấu trúc nó ngộ nghĩnh ra sao thì cũng trở thành món hàng vô dụng." Nhân viên bán hàng đồng ý hạ giá xuống 5 đô-la để ông khách nếu thích mua thì mua rồi đem đến thợ đồng hồ sửa lại hoặc thích sưu tầm đồ cổ thì mang về nhà.

                Nói đến đồng hồ, chúng ta nghĩ đến thời gian vì đồng hồ là một công cụ đo thời gian, đo lường chuỗi thời gian ngắn hơn một ngày; khác với quyển lịch chỉ thời gian dài hơn một ngày là thời gian trọn năm 365 ngày. Những loại đồng hồ dùng trong kỹ thuật có độ chính xác rất cao và cấu tạo rất phức tạp. Trong khi loại đồng hồ dùng trong cuộc sống thường nhật như đồng hồ đeo tay hay đồng hồ trái quít đeo trên cổ thì đơn giản, gọn nhỏ.

                Đồng hồ là một trong những phát minh cổ xưa nhất của con người. Bắt đầu từ thế kỷ thứ 14 cho đến nay, khi con người cần đo lường khoảng thời gian nhanh hay cực nhanh, thì đồng hồ được chế tạo ngày càng chính xác. Ngày xưa, người ta dùng mặt trăng và các ngôi sao để đo những khoảng thời gian dài, và dùng bóng của mặt trời chiếu lên trên cột mốc để đo những khoảng thời gian nhỏ vào ban ngày.

                Sử gia Vitruvius ghi lại rằng vào thời Ai Cập cổ đại, người ta sử dụng những loại đồng hồ nước có tên là clepsydra. Herodotus cũng đã đề cập đến một dụng cụ đo thời gian khác của người Ai Cập hoạt động nhờ thủy ngân. Những tài liệu về đồng hồ nước cũng được tìm thấy ở nhiều nơi trên bán đảo Ả Rập, Trung Quốc và Hàn Quốc. Con người đã sử dụng đồng hồ nước, đồng hồ mặt trời và nến kết hợp với những dụng cụ khác để báo hiệu như rung chuông nhờ những cơ cấu cơ học đơn giản trong hệ thống đồng hồ đó hay sử dụng quả nặng. Do đó, những loại đồng hồ đầu tiên không sử dụng kim nhưng sử dụng âm thanh làm tín hiệu. Vì vậy, trong nhiều ngôn ngữ hiện đại, từ "đồng hồ" có nguồn gốc từ tiếng Latin cloca có nghĩa là "chuông".

                Trong khoảng giữa những năm 1280 và 1320, những tư liệu của nhà thờ về những loại dụng cụ để đo thời gian tăng lên, với cấu trúc đồng hồ mới được thiết kế ở thời kỳ này, bao gồm một hệ thống những quả nặng kết hợp với những con quay. Năng lượng trong đồng hồ được điều khiển bởi những cấu trúc gọi là "hồi chuyển". Những dụng cụ cơ khí nầy được áp dụng vào đồng hồ vì hai lý do chính: (1) Để đánh dấu, báo hiệu thời gian và (2) là đánh dấu sự chuyển động của các thiên thể. Nhu cầu đầu tiên là vì sự tiện lợi trong quản lý, còn nhu cầu sau dành cho những môn khoa học, thiên văn học, và mối quan hệ giữa chúng với tôn giáo. Những đồng hồ đầu tiên thường được đặt ở những tòa tháp chính, không cần thiết có kim nhưng chỉ cần có khả năng báo hiệu giờ. Những chiếc đồng hồ phức tạp khác cũng xuất hiện và có kim để chỉ giờ và cả một cơ cấu tự động.

                Hầu hết những loại đồng hồ từ thế kỷ 14 đến nay đều có những bộ phận chính như sau: (1) Nguồn năng lượng không bao giờ cạn kiệt là con lắc, năng lượng của nó rất nhỏ, về sau là dây thiều. (2) Hồi chuyển, một cơ cấu được thiết kế sao cho năng lượng thoát ra từ từ chứ không thoát ra tất cả cùng lúc, cơ cấu của hồi ban đầu là con lắc đơn (trong các đồng hồ quả lắc), sau đó là con lắc xoay nằm ở tâm một lò xo mảnh và nhẹ (trong các đồng hồ quả quýt và đồng hồ đeo tay), rồi là tinh thể thạch anh, và các cơ cấu tinh vi hơn... (3) Hệ thống bánh xe răng cưa có nhiệm vụ điều khiển và truyền chuyển động từ nguồn đến bộ phận hiển thị. (4) Hệ thống hiển thị, bao gồm kim, chuông...

                Nhờ nhà bác học Charles Édouard Guillaume, người đã nhận giải Nobel Hòa Bình Vật Lý vào năm 1920, đã khám phá là chất Nickel không giãn nở khi nhiệt độ thay đổi, nên người ta đã dùng kim loại này trong đồng hồ, giúp cho đồng hồ được chính xác. Ngày nay, thời gian trong đồng hồ được đo bằng nhiều cách khác nhau, từ những tinh thể thạch anh cho đến chu kỳ bán rã của một chất phóng xạ. Từ những đồng hồ cơ học trước kia và đến ngày nay có đồng hồ điện tử, chỉ cần sử dụng pin chứ không cần phải lên dây thiều như trước.

                Thưa quý vị, nói đến đồng hồ chúng ta nghĩ đến thời gian. Nói đến thờì gian chúng ta nghĩ đến đời người, trong từng giây phút, từng giờ, từng năm…

                Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi chúng ta một chiếc đồng hồ để giúp chúng ta sắp xếp, tổ chức những ngày của chúng ta. Chiếc đồng hồ nầy không có kim chỉ giờ, chỉ phút, cũng không có số giống đồng hồ điện tử, chiếc đồng hồ nầy âm thầm xuất hiện trong mỗi chúng ta. Toàn thể những mảnh thời gian đến với mỗi thể xác và con người chúng ta. Chiếc đồng hồ đó báo cho chúng ta biết giờ và báo cho chúng ta biết những gì sẽ xảy ra trong con người chúng ta. Phải chăng mỗi khi chúng ta ngủ, thì chiếc đồng hồ trong cơ thể ta chạy chậm lại còn lúc chúng ta thức giấc chiếc đồng hồ nầy sẽ chạy nhanh hơn? Thật đúng như thế, bởi vì khi ánh hừng đông đến, thì tất cả chi thể trong cơ thể ta thức giấc và làm việc thật nhanh để chuẩn bị cho một ngày mới. Những sự thúc bách năng điện trong tim ta sẽ nhanh hơn và mạnh hơn. Những tần số trong óc ta sẽ tạo ra nhiều hơn hay sẽ đổi thay, đôi mắt ta sẽ hoạt động khác hơn, và những lỗ chân lông trong làn da ta sẽ mở rộng. Tất cả chi thể của thân ta sẽ nói rằng: "Hãy thức dậy đi nào!"

                Những chu kỳ thời gian mỗi ngày được gọi là chiếc đồng hồ thời gian, những chiếc đồng hồ nầy thật huyền nhiệm. Tiếng gõ của nó gõ đều đều, ngày cũng như đêm. Chúa tạo ra những chiếc đồng hồ nầy để con người sống và tiếp xúc với muôn ngàn tạo vật khác. Chúa tạo ra những chiếc đồng hồ tí hon khắp châu thân của ta để chúng ta tận hưởng phước hạnh Ngài ban như tác giả Thi Thiên 118 :24 rằng "Nầy là ngày Đức Giê-hô-va làm nên, chúng tôi sẽ mừng rỡ và vui vẻ trong ngày ấy."

                Cảm tạ ơn Đức Chúa Trời mà người Việt ta gọi là Ông Trời đã ban cho ta những chiếc đồng hồ trong cơ thể, và những trí khôn trong khối óc để chúng ta làm thế nào cho có sự nhịp nhàng, hài hòa với những thời khóa biểu của những công việc của đời sống, những việc tâm linh như thờ phượng Đức Chúa Trời, thì giờ ăn uống, giải trí, nghỉ ngơi…

                Ông bà ta thường nói "Thì giờ quí hơn tiền bạc". Ngày nay ít có người dám phí tiền, nhưng lại có rất nhiều người đã phí phạm thì giờ. Có người nói rằng thì giờ là sự sống, nếu ta phí phạm thì giờ là ta đã phí phạm sự sống mình. Chẳng hạn như nếu chúng ta phí phạm 1 giờ đồng hồ, sử dụng 1 giờ vào những chuyện không đâu là chúng ta đã mất một tiếng đồng hồ trong cuộc đời của mình rồi.

                Có lần Elizabeth I, nữ hoàng nước Anh, đã sống trong cung vàng điện ngọc trong hơn 70 năm, bà đã phí phạm cuộc đời mình qua những thú vui của trần thế, chạy theo những tham vọng thế gian, đuổi theo những ảo ảnh của trần thế. Trên giường bệnh, tử thần đến đón bà, không muốn theo nó, bà nói: "Nếu ai đó cho tôi sống thêm một giờ nữa, tôi sẽ tặng cho người hàng triệu đô-la." Những danh y của hoàng gia đã không giúp gì bà được nên bà đành phải giã từ 10,000 bộ áo đắt tiền trong tủ áo và một đế quốc vào lúc cực thịnh được ví là mặt trời không bao giờ lặn - là đất nước bà trị vì trong một thời gian dài.

                Thánh Kinh là quyển sách dạy chúng ta cách sử dụng thì giờ:

                1. Nhà lãnh tụ dân tộc Do Thái khoảng 3.400 năm trước đã cầu xin Chúa rằng "Cầu xin Chúa dạy con biết đếm các ngày của chúng con, hầu cho chúng con được lòng khôn ngoan." (Thi Thiên 90 :12) Vì sao ông không xin Chúa dạy mình biết đếm từng tháng, từng năm, mà lại đếm từng ngày? Vì ngày là đơn vị thời gian. Môi-se xin Chúa dạy ông sử dụng thời gian mỗi ngày. Một người có lòng yêu Chúa và hết lòng phục vụ Ngài là Millie Stamm nói rằng: "Đời sống chúng ta giống như một va-li đựng đầy kim cương". Mỗi ngày ta lấy một viên kim cương ra để sử dụng.

                2. Khi chúng ta bắt đầu một ngày mới, chúng ta quên đi ngày đã qua, hoặc không cần phải để ý đến ngày mai với những âu lo như lời Chúa dạy ta là phải quên đi quá khứ (Phi-líp 3:13) "Cuộc sống anh em là chi, chỉ những làn sương mai, hiện ra một lúc rồi lại tan ngay" (Gia-cơ 4 :14). Chúng ta đối diện với hiện tại, với những hoạch định, những toan tính thế nào có lợi cho Đức Chúa Trời và tha nhân, và làm vinh hiển danh Chúa; với một viên kim cương, một đặc ân Chúa cho hôm nay để hầu việc Chúa.

                Ông Steve McKinley nêu ra 7 kẻ cướp thì giờ: (1) Vô tổ chức, không có sự tiên liệu, chuẩn bị cẩn thận (2) Hấp tấp làm việc nhưng không biết điều gì là ưu tiên (chasing rabbits) (3) Muốn cái gì cũng hoàn hảo, (4) Không biết sử dụng thư ký... không giao công tác cho người để người thay ta. (5) Không gọi điện thoại trước. (6) Không đặt giới hạn công việc mình sắp làm (7) Đọc những lá thư không ích lợi gì chẳng hạn như quảng cáo, hay rao vặt lẩm cẩm.

                3. Khi Chúa Cứu Thế Jesus giáng trần, Ngài Jesus cũng dạy chúng ta cách sử dụng thời gian: "Trong khi còn ban ngày, Ta phải làm trọn những việc Đấng đã sai Ta đến, tối lại, thì không ai làm việc được" (Giăng 9:4). Lời dạy nầy cũng nhắc nhớ chúng ta phải biết nắm lấy những cơ hội trong đời. Cơ hội lớn nhất quyết định số phận đời đời của mỗi chúng ta phải tiếp nhận ơn tha thứ và sự cứu rỗi của Chúa ngày giờ này. Vì một khi đời người đã qua, thời gian chấm dứt khi hơi thở tắt đi thì chúng ta không còn dịp nào để ăn năn tội mình, tiếp nhận món quà sự sống đời đời như lời phán của Chúa Cứu Thế Jesus “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế nhân, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư vong mà được sự sống đời đời”(Giăng 3:16)

                Rất mong ngay giờ nầy quý vị đến với Chúa Cứu Thế Jesus, tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài.

                Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn