18:22 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 35

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 33


Hôm nayHôm nay : 8964

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16041

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23025074

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

TÂM TÌNH CỦA PHAO-LÔ

Chủ nhật - 25/01/2015 22:01
TÂM TÌNH CỦA PHAO-LÔ

TÂM TÌNH CỦA PHAO-LÔ

Trong thời Tân ước, Ê-phê-sô là một thành phố quan trọng của vùng Trung Đông. Đây là trung tâm thương mại, thủ phủ của vùng Tiểu Á, một tỉnh của Đế quốc La-mã (ngày nay thuộc miền tây Thổ-nhĩ-kỳ). Với vị trí chiến lược đó, Phao-lô đã đến đây truyền giảng Tin lành trong vòng truyền giáo lần thứ hai. Hội thánh Ê-phê-sô được thành lập, và vì địa thế gần biển nên đã phát triển mau chóng lan rộng đến các vùng chung quanh.

BÀI GIẢNG BỒI LINH
ĐỀ TÀI: TÂM TÌNH CỦA PHAO-LÔ
Kinh thánh: Công vụ 20:17-38

Câu gốc: Công vụ 20:24

              Dẫn nhập:
            Trong thời Tân ước, Ê-phê-sô là một thành phố quan trọng của vùng Trung Đông. Đây là trung tâm thương mại, thủ phủ của vùng Tiểu Á, một tỉnh của Đế quốc La-mã (ngày nay thuộc miền tây Thổ-nhĩ-kỳ). Với vị trí chiến lược đó, Phao-lô đã đến đây truyền giảng Tin lành trong vòng truyền giáo lần thứ hai. Hội thánh Ê-phê-sô được thành lập, và vì địa thế gần biển nên đã phát triển mau chóng lan rộng đến các vùng chung quanh. Cho nên, trong vòng truyền giáo lần thứ ba (53-55 SC), Phao-lô đã ở lại đây gần 3 năm để chia sẻ, giảng dạy, đào tạo, huấn luyện các nhà lãnh đạo Cơ-đốc là những người đã tiếp nhận Chúa và dâng mình phục vụ Chúa qua chức vụ của ông. Gần cuối cuộc hành trình nầy, ông đã triệu tập và giảng dạy cho các trưởng lão tại Ê-phê-sô cùng các vùng lân cận bài giảng cuối cùng để từ giã họ và sẽ lên thành Giê-ru-sa-lem hầu chịu khổ nạn ở đó.

               Qua bài giảng nầy, tâm tình của Phao-lô được bày tỏ để khích lệ giới lãnh đạo Cơ-đốc cùng những người hầu việc Chúa trung tín phục vụ Chúa đến cùng.
               Bài học với đề tài: TÂM TÌNH CỦA PHAO-LÔ, được chép trong Công vụ 20:17-38; Câu gốc: Công vụ 20:24: “Nhưng tôi chẳng kể sự sống mình làm quí, miễn chạy cho xong việc đua tôi và chức vụ tôi đã lãnh nơi Đức Chúa Jêsus, để mà làm chứng về Tin lành của ơn Đức Chúa Trời.”
 

              1.     Phao-lô trung tín, tận tâm trong chức vụ (c.17-21):
              - Cách ăn ở của Phao-lô được mọi người chứng nhận.
              -         Hầu việc Chúa khiêm nhường, nhiều nước mắt (trong sự cầu nguyện, thương yêu tín hữu- đối với một người có cá tính nóng nảy và thẳng thắn- chiến đấu với nghịch cảnh…)
              -         Ở giữa sự bắt bớ của Do Thái giáo và tà giáo
              -         Sốt sắng rao giảng lời Chúa (I Côr 1:23)
              -         Chuyên tâm dạy dỗ lời Chúa (môn đồ hóa).
              -         Chia sẻ Phúc âm cho người Do-thái lẫn ngoại bang, đem họ đến sự ăn năn và đức tin nơi Chúa Giê-xu (Công 17:30; 26:20)
              SDD: Người phục vụ Chúa sống giữa mọi người, không xa cách nhưng gần gũi thân thiện. Người phục vụ Chúa với tâm tình khiêm nhường, yêu thương tín hữu, quan tâm đến bầy chiên, sẵn sàng chịu khổ để bảo vệ chiên. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng trung tín rao giảng lời Chúa, đưa tội nhân đến với Chúa và chăm sóc họ lớn lên trong Ngài. Một chức vụ tận tâm,tận lực và hiệu quả.
 

              2.     Phao-lô vâng phục ý chỉ của Chúa (c.22-27):
              -         Đức Thánh Linh ràng buộc, ông phải lên thành Giê-ru-sa-lem nơi mà dây xích và hoạn nạn đang đợi ông ở đó.(Công 9:29). (Có lẽ lý do ông lên Giê-ru-sa-lem là để đem hàng cứu trợ của các Hội Thánh ngoại bang đã quyên góp được cho Hội Thánh Chúa tại đây đang bị đói kém).
              -         Nhưng Phao-lô vâng phục ý muốn Chúa dù phải hi sinh tính mạng vì để hoàn tất cuộc đua của mình.(Công 21:13; Phi 2:17; II Tim 4:7-8)
              -         Xác nhận mục đích Chúa kêu gọi ông để rao giảng Tin lành và phải vâng phục dấn thân để hoàn thành mục đích đó.
              -         Ông tin rằng đây là lần cuối ông gặp mặt anh em tín hữu và bạn đồng lao ở đây vì ông sẽ đi đến Rô-ma và Tây ban nha trong một cuộc hải trình với tư cách là một tù nhân.
              SDD: Người phục vụ Chúa học tập vâng phục ý chỉ của Ngài dẫu rằng phải chấp nhận hi sinh, khổ cực. Phải bằng lòng trả giá cho sự vâng phục với bất cứ giá nào. Phải xác nhận đúng mục tiêu và mục đích của mình và hoàn tất cho được mục tiêu cũng như đạt đến mục đích Chúa đặt ra cho mình.
 

              3.     Phao-lô ân cần khuyên bảo Hội thánh (c.28-35):
              -         Ông dặn dò các lãnh đạo Hội Thánh: Giữ mình (trước cám dỗ), giữ bầy (trước Sa-tan cắn xé) và trung tín chăn dắt đàn chiên của Chúa.
              -         Cảnh báo sẽ có tiên tri giả, giáo sư giả xen vào làm lũng đoạn và phân hóa Hội Thánh.(I Tim 1:19-20; 4:1-2; II Tim 2:16-18; II Phi 2:1-3)
              -         Hãy tỉnh thức trong sự cầu nguyện
              -         Ông đã để 3 năm đổ nước mắt để cầu nguyện cho Hội Thánh và bây giờ ông yên tâm giao phó Hội Thánh cho Chúa, Đấng Chăn chiên lớn.
              -         Ông thanh liêm và thanh sạch, khuyên bảo mọi người chịu khó làm việc để nuôi mình và giúp đỡ người khác. Tự túc trong chức vụ là tốt nếu như lương hướng là sự ngăn trở cho chức vụ thành công. Ông nhác nhở tinh thần “Ban cho có phước…” là lời Chúa Giê-xu dạy.
(II Cor 11:9; I Tes 2:9; II Tes 3:7-9)

              SDD: Người hầu việc Chúa khi ra đi thì không nghĩ đến mình mà còn lo cho người khác, lo chọ Hội Thánh Chúa.
              Người phục vụ Chúa là người nhạy cảm, thấy trước nguy cơ của Hội Thánh để tích cực cầu nguyện, khuyên bảo, ngăn ngừa tội lỗi và tà giáo, dũng cảm bảo vệ bầy chiên khỏi sự tan lạc và mất mát.
              Người phục vụ Chúa với lương tâm thanh sạch, thanh liêm về tiền bạc, xem chức vụ là sự kêu gọi dâng mình mà  tận tâm, trung tín làm tốt trách nhiệm được giao phó nhưng không xem như một nghề nghiệp để kiếm sống. Nếu được, hãy chia sẻ cho người khác không chỉ Lời Chúa mà còn cả vật chất nữa.
 

              4.     Phao-lô lưu luyến từ giã Hội Thánh (c.36-38):
              -         Cầu nguyện từ giã.
              -         Cuộc chia tay cảm động đầy nước mắt.
              SDD: Người hầu việc Chúa khi ở giữa mọi người được yêu thương, kính trọng, quí mến, khi ra đi thì để lại sự lưu luyến, xúc động cho cả hai bên. Đó là hạnh phúc của người hầu việc Chúa và Hội thánh, là một hình ảnh đẹp khó quên.

 

              Kết luận:
              Thưa Hội Thánh của Chúa,
               Tôi không thể so sánh mình với Phao-lô về tâm tình chức vụ tuyệt vời cũng như đạo đức cao trọng của ông nhưng tâm tình đó là bài học cho chính đời sống và chức vụ của chúng tôi trong những năm tháng qua cùng những năm tháng sắp tới. Có thể nói, bài giảng nầy, tôi chia sẻ cho chính mình là hơn.
              Tôi tự hỏi: Tôi có hết lòng trung tín, tận tâm trong chức vụ Chúa giao không? Tôi có bê trễ công việc Chúa không? Tôi có gần gũi anh em tín hữu, thăm viếng chăm sóc họ kịp thời hầu nâng đỡ họ cách hữu hiệu trong đời sống theo Chúa không? Tôi đã thật sự có kết quả cho Chúa chưa? Trong chức vụ, tôi có mưu cầu những đặc quyền đặc lợi cho riêng mình mà không nghĩ đến người khác không? Tôi có đối xử tốt với anh em đồng lao của mình cùng những người đang cộng tác với mình hầu việc Chúa không? Qua chức vụ, tôi đã đem được bao nhiêu người đến với Chúa và “gìn giữ họ trong Danh Cha” như lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu? Tôi có vui lòng vâng phục ý muốn Chúa hoàn toàn không?
              Phao-lô đã vâng phục để đi đến một nơi tệ hại hơn cho chính ông nhưng Chúa cần ông đi đến đó để làm công việc của Ngài. Thực sự ông đã làm tốt công tác Chúa giao để có thêm hành trình truyền giáo thứ tư từ Giê-ru-sa-lem đến La-mã hầu hoàn tất chức vụ rao giảng Tin Lành. Tôi được đi đến một nơi tốt đẹp để hầu việc Chúa. Việc tôi vâng phục dễ dàng hơn nhiều nhưng tôi có sẵn sàng không?
              Đó là những câu hỏi dành cho tôi và những ai đang phục vụ Chúa trong chức vụ lãnh đạo Hội thánh và các ban ngành hôm nay.
              Rồi Phao-lô khuyên bảo Hội Thánh trước lúc ra đi, ông có đủ tư cách để làm điều ấy. Nhưng tôi không có tư cách ấy, chỉ mong cho Hội Thánh Chúa yêu thương hiệp một, đẩy mạnh công tác truyền giáo cứu người, xây dựng đức tin vững vàng trong Chúa Giê-xu và trưởng thành trong Ngài. Hãy tích cực dâng hiến, phục vụ Chúa, làm việc lành, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin.
              Đây cũng là bài chia sẻ Lời Chúa cuối cùng của tôi trước Hội Thánh sáng Chúa nhật hôm nay. Rồi đây, chúng tôi sẽ đi đến một nơi mới để phục vụ Chúa. Mong chúng ta nhớ đến nhau trong lời cầu nguyện. Những gì trong hơn 12 năm qua tôi có làm điều nào phiền lòng quí ông bà anh chị em, thì xin quí vị một sự cảm thông và bỏ qua cho.
              Thân tuy cách nhưng lòng không cách, mong rằng sẽ có dịp về lại thăm Hội Thánh của Chúa và chúng tôi rất vui mừng khi thấy những thành quả mới mà Chúa tiếp tục ban cho Hội Thánh của Ngài.
              Tạm biệt Quí tôi tớ của Chúa là Quý cụ Mục sư Trí sự, Quả phụ Mục sư, Quí Mục sư, Msnc, Truyền đạo, Tu sinh, Quí vị trong Ban Chấp sự Hội Thánh, Quí tín hữu, những gương mặt kính yêu và thân thương trong Chúa, ghi ân những sự giúp đỡ thật lòng cho chức vụ chúng tôi cả tâm linh lẫn vật chất thật là ý nghĩa và chúng tôi sẽ không quên những ân tình ấy.
              Nguyện xin Lời Chúa hôm nay dạy dỗ tôi cùng Quí vị, có tâm tình hầu việc Chúa như Phao-lô để làm sáng danh Chúa. Nguyện xin Chúa ở cùng Hội Thánh của Ngài từ nay cho đến ngày Đấng Christ tái lâm. A-men!

 
MsNc. Đinh Thuận

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn