21:27 EDT Thứ tư, 01/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 45

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 44


Hôm nayHôm nay : 2934

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 8140

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23017173

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).

Xem tiếp...

Tôi Đang Đi Về Đâu?

Thứ tư - 17/10/2018 21:16
Tôi Đang Đi Về Đâu?

Tôi Đang Đi Về Đâu?

Kính thưa quý thính giả, Có ba câu hỏi cơ bản nhất của sự hiện hữu con người. Đó là: 1. Tại sao tôi có mặt ở đây? 2. Tôi sẽ đi đâu? 3. Sứ mạng của tôi trong cuộc sống là gì?



                 Kính thưa quý thính giả,

                 Có ba câu hỏi cơ bản nhất của sự hiện hữu con người. Đó là:

                 1. Tại sao tôi có mặt ở đây?
                 2. Tôi sẽ đi đâu?
                 3. Sứ mạng của tôi trong cuộc sống là gì?

                 Các tác giả của sách “Sức Khỏe Đơn Giản” cho biết câu trả lời của chúng ta cho những câu hỏi trên sẽ ảnh hưởng cảm nhận của chúng ta về ý nghĩa bản thân, sức khỏe, hiện trạng cùng hạnh phúc chúng ta trong cuộc sống. Theo tác giả thì chúng ta có thể đạt được sức khỏe tốt và hạnh phúc không chỉ bằng cách ăn đúng mức, luyện tập đầy đủ, và làm chủ sự căng thẳng, nhưng mà còn bằng cách sống có mục đích và ý nghĩa.

                 Trong hai tuần qua, chúng ta đã theo dõi phần bàn luận về câu hỏi đầu tiên, đó là “Tại sao tôi có mặt ở đây?” Chúng ta đều chịu ảnh hưởng bởi những quyết định và bởi những người chung quanh chúng ta. Khi chúng ta biết rõ mục đích cuộc đời mình thì chúng ta dễ chọn điều tốt hơn hết, chúng ta sẽ chấp nhận những điều đó bằng tất cả đam mê nhiệt tình và kiên trì nghị lực. Chúng ta sẽ kinh nghiệm được cảm giác thanh thản ổn định vì đã chấp nhận cách tiếp cận cuộc sống một cách tích cực hơn. Biết rõ mục đích của mình thì cũng giống như là có điểm tựa hay kim chỉ nam tổng quát để lèo lái cuộc đời mình. Để giúp chúng ta có thể xác định mục đích của mình, trong tuần qua chúng tôi đã trình bày một số câu hỏi để chúng ta có thể đánh giá những giá trị của mình trong hiện tại. Bước tiếp theo là tìm ra câu giải đáp cho câu hỏi “Tôi đang đi về đâu?” tác giả của quyển sách “Sức Khỏe Đơn Giản” trình bày như sau:

                 Trong quyển sách mang tên “The 7 Habits of Highly Effective People” trình bày về bảy thói quen của những người làm việc có hiệu quả cao, tác giả Stephen R. Covey khẳng định: “Khởi đầu với đích đến trong trí, tức là khởi đầu với ý thức rõ ràng về nơi mình đi tới. Nghĩa là biết rõ mình đi đâu, hiện đang ở đâu và để những bước sắp tới của mình luôn luôn đúng hướng.”

                 Bạn muốn hoàn thành điều gì trong khoảng thời gian khi còn sống trên đất này? Hay là nói một cách khác, khi tới đích cuộc đời mình, và nhìn lại, bạn muốn thấy gì để cho là cuộc đời mình thành công? Hãy viết câu trả lời của bạn xuống ở đây.

                 Đây là mục tiêu chủ yếu và quan trọng nhất của bạn. Mục tiêu này đã dẫn bạn theo một hướng nào đó, cho dù bạn chưa hề ghi ra giấy. Nhưng nếu bạn chưa nói ra, nếu cứ giữ kín mục tiêu trong trí, thì sự theo đuổi những mục tiêu kém quan trọng có thể làm cạn kiệt nghị lực cùng tài nguyên của bạn vì đôi lúc bạn đi theo những hướng có thể là mình không lựa chọn. Những mục tiêu thứ yếu có thể góp phần cho sự thành công của bạn nếu hợp với mục tiêu chủ yếu.

                 Đôi khi mục tiêu chủ yếu được diễn tả hay nhất qua một câu Kinh Thánh. Trong trường hợp này, nó được gọi là “câu chủ cho đời sống”. Thí dụ, khi tôi (Dave) bước vào chức vụ năm 1974, tôi gặp một phân đoạn Kinh Thánh có vẻ tóm lược được mục tiêu cuộc đời tôi ở thời điểm đó. Câu Kinh Thánh đó như sau:

                 “Tôi mong được biết Đấng Christ cùng quyền năng sự sống lại của Ngài và sự thông công được chia sẻ khổ đau với Ngài, được trở nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài, và bằng cách nào đó, được từ cõi chết sống lại” (Phi-Líp 3:10-11)

                 Năm 1974, câu này nói lên ước muốn sâu xa nhất trong lòng tôi, dù lúc đó tôi không biết phải trả giá bao nhiêu để được Đức Chúa Trời giúp đạt tới mục tiêu của mình. Một câu khác trong Phi-líp là “câu chủ cho đời sống” của nhiều người, đó là câu: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13).

                 Có thể bạn có một “câu chủ cho đời sống” từ Thánh Kinh được mình chấp nhận lâu rồi, dù loại mục tiêu này thường không rập khuôn từng từ một, mà là phỏng theo thôi. Thí dụ, nếu bạn muốn nghe tiếng Chúa nói với bạn rằng “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín, được lắm” vì bạn đã thực hiện trọn vẹn sứ mạng của mình, thì bạn có thể nói: “Mục tiêu trong đời sống tôi là được nghe những lời, “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín, được lắm.” Hoặc để diễn ý này một cách súc tích hơn, bạn có thể nói: “Mục tiêu của tôi là có ai đó viết trên bia mộ tôi: “Nơi đây an nghỉ một con người trung tín”.

                 Sau đây chúng tôi liệt kê vài câu Kinh Thánh khác, thường được dùng theo nghĩa này. Nếu bạn muốn tìm câu cho riêng mình, hãy đọc suốt sách Kinh Thánh Tân Ước, đặc biệt các sách Phúc âm cùng văn phẩm của sứ đồ Phao Lô, thì sẽ thấy có nhiều câu rất hay. Kinh Thánh Cựu Ước cũng có nhiều câu có thể làm “câu chủ cho đời sống” tóm lược được mục tiêu tối thượng của đời bạn.

                 Kính thưa quý thính giả,

                 Trong Kinh Thánh Tân Ước, ngoài Chúa Giê-xu, Phao-lô là một trong những người sống theo mục tiêu hơn cả. Ông bày tỏ mục đích sống của mình như sau:

                 “Không phải tôi đã đến mức toàn thiện hay đã đạt mục đích, nhưng tôi đang tiếp tục chạy đua để đoạt giải vì Chúa Cứu Thế đã đoạt được lòng tôi rồi. Tuy chưa đoạt giải, tôi vẫn đeo đuổi một mục đích cao cả duy nhất, xây lưng với quá khứ, và nhanh chân tiến bước vào tương lai. Tôi cố gắng chạy đến đích để giật giải, tức là sự sống thiên thượng. Thượng Đế đã kêu gọi chúng ta hướng về trời qua con đường cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu” (Phi-líp 3:12-14)

                 Ở chỗ khác, hiền triết Phao-lô cũng nói:

                 Anh em không biết trong cuộc đua, tất cả các lực sĩ đều chạy, nhưng chỉ một người giật giải sao? Vậy anh em hãy chạy cách nào để giật giải. Tất cả lực sĩ tranh tài đều phải luyện tập khắc khổ để mong được thưởng mão miện bằng hoa lá chóng tàn. Còn chúng ta luyện tập để được mão miện tồn tại vĩnh viễn. Tôi đang chạy đua, chẳng phải là không chuẩn đích. Tôi đang tranh đấu, chẳng phải là không có đối thủ. Tôi đối xử nghiêm khắc với bản thân, bắt nó phải khuất phục, nếu không, sau khi huấn luyện nhiều người, chính tôi sẽ bị loại bỏ. (1 Cô-rinh-tô 9:24-27)

                 Một câu trong Thánh Kinh Cựu Ước nói lên mục tiêu của nhiều gia đình là:

                 “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phục sự Đức Giê-hô-va.” (Giô-suê 24:15)

                 Đôi khi các mục sư thấy mục tiêu của mình được bày tỏ trong lời Phao-Lô khuyên Ti-mô-thê:

                 “Hãy giảng Đạo; dù gặp thời hay không gặp thời; hãy sửa sai, khiển trách và khích lệ,  hết sức kiên nhẫn và cẩn thận khuyên bảo” (2 Ti-mô-thê 4:2)

                 Trong một lời khuyên tương tự, vị sứ đồ nhắc Ti-mô-thê:

                 “Những điều con đã nghe nơi ta trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người đáng tin cậy, cũng có tài dạy dỗ người khác” (2 Ti-mô-thê 2:2)

                 Quý thính giả thân mến,

                 Mức độ thành công của bạn trong việc đạt các mục tiêu sẽ bao gồm việc đạt được một số đích nhắm trên đường đi, nhưng những đích nhắm này không giống như mục tiêu. Một nhà chơi gôn chuyên nghiệp có thể nói: “Mục tiêu của tôi là thắng cuộc thi đấu này bằng cách đẩy bóng đủ hết các lỗ yêu cầu với số điểm thấp hơn điểm bất kỳ người nào khác.” Trong khi anh ta chạm bóng trên lỗ số một vào ngày số một trong cuộc đua, đích nhắm của người chơi gôn này là hoàn tất vòng đầu tiên với số điểm thấp nhất trong khả năng mình có thể xoay sở vào hôm ấy. Đích nhắm còn gần hơn nữa vào lúc ấy là đạt được điểm tốt nhất trong khả năng ngày hôm ấy ở lỗ gôn cụ thể đó.

                 Nhiều người dường như không bao giờ dừng lại lâu đủ để suy nghĩ những mục tiêu của mình. Họ chỉ theo đuổi bất kỳ điều gì xuất hiện kế tiếp, như thể cuộc đời là một phòng tập bắn với những đích nhắm từng cái một. Trúng được một đích nhắm, chuẩn bị cho đích kế tiếp cho tới khi bạn hết đạn hoặc hết giờ. Thế là ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, cuộc đời trôi qua trước mặt họ, rồi cuộc chơi kết thúc. Vấn đề chính của cách tiếp cận này là người tham gia thụ động, không tích cực. Họ không xác định đích nhắm; họ chỉ bắn vào đích. Kết quả là tuy có thể họ bắn thật nhiều và rất vui, nhưng thường chẳng có liên hệ nào giữa điều họ đạt được, những giá trị cốt lõi của họ với mục đích sự có mặt của họ trên đời này. Nhìn lại, họ thấy đã quá trễ rằng phần lớn điều họ đã làm chỉ là lãng phí thời gian và sức lực mà chẳng bao giờ họ có thể lấy lại được.

                 Một số người nghĩ rằng họ hướng tới mục tiêu, thế nhưng cuộc sống họ cứ hối hả rồi lại hối hả không dứt, cố gắng đạt tới những đích do người khác đặt ra cho họ vì họ cần sự tán thưởng hoặc chỉ tìm giá trị từ những người khác. Đạt tới những đích nhắm do người khác đặt ra có thể mang lại ít nhiều thỏa mãn, nhưng ngắn hạn, vì sớm muộn gì cũng lộ rõ rằng những mục tiêu này thực sự là của người khác, không hẳn là điều mình chọn.

                 Thưa quý thính giả,

                 Tuần tới chúng ta sẽ tiếp tục xem tiếp phần trình bày về câu hỏi sau cùng trong ba câu hỏi có liên quan đến cảm nhận của chúng ta về ý nghĩa bản thân, sức khỏe, hiện trạng cùng hạnh phúc chúng ta trong cuộc sống. Đó là câu hỏi: “Sứ mạng của tôi trong cuộc sống là gì?”

                 Kính mời quý thính giả nhớ đón nghe. Xin thân mến chào tạm biệt quý vị.
 

David B. Biebel, DMin & Harrold G. Koenig, MD
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn