07:31 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 33


Hôm nayHôm nay : 7348

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12423

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23021456

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Mách Lẻo Nhiều Chuyện

Thứ ba - 16/10/2018 21:14
Mách Lẻo Nhiều Chuyện

Mách Lẻo Nhiều Chuyện

Kính thưa quý thính giả, Esope là một người nô lệ, nhưng rất giàu triết lý, sống tại Hy-lạp vào khoảng 600 năm trước Chúa giáng sinh. Một ngày kia, người chủ của Esope sai anh đi chợ và dặn anh mua món gì ngon nhất.


                   Kính thưa quý thính giả,

                   Esope là một người nô lệ, nhưng rất giàu triết lý, sống tại Hy-lạp vào khoảng 600 năm trước Chúa giáng sinh. Một ngày kia, người chủ của Esope sai anh đi chợ và dặn anh mua món gì ngon nhất. Esope mua về toàn là lưỡi. Người chủ hỏi tại sao thì anh trả lời: “Ở trên đời này, không có gì tốt hơn cái lưỡi. Nó đem lại mối dây đoàn kết trong xã hội, bày tỏ luân lý, khẳng định sự thành tín, diễn giải những lý luận, làm sáng tỏ những chân lý”.

                   Qua ngày hôm sau, người chủ sai Esope đi chợ và dặn anh mua món gì dở nhất. Esope cũng mua toàn là lưỡi. Người chủ hỏi tại sao thì anh trả lời: “Ở trên đời này không có gì xấu hơn cái lưỡi. Nó là mẹ đẻ của kiện cáo, nguồn gốc của chia rẽ, là nguyên nhân của giặc giã, quê hương của ngụy biện, pháo đài của vu cáo và cũng là thành trì của những điều bất tín bất trung”.

                   Thật vậy, cái lưỡi là một chi thể lạ lùng nhất trong toàn bộ cơ thể của chúng ta. Cũng từ cái lưỡi mà phát xuất ra lời xây dựng, đem đến sự nâng đỡ và sức sống. Những cũng từ cái lưỡi mà phát xuất ra những lời nguyền rủa, đem đến tàn phá và sự chết.

                   Chỉ duy từ cái lưỡi mà xuất phát cả sự sống và cả sự chết, như sách Châm Ngôn 18:21 trong Kinh Thánh có khẳng định: “Sống hay chết đều do cái lưỡi”.

                   Trong thế giới đầy dẫy tội ác như ngày nay, không có vật gì và nơi nào gây ra nhiều tội lỗi như cái lưỡi. Mặc dù lưỡi là nhà máy sản xuất hàng loạt những vi phạm mỗi ngày, như lạ thay, đại đa số chúng ta xem nhẹ, hầu như chẳng mấy ai để ý hay đếm xỉa tới những tội lỗi do lưỡi gây ra.

                   Trong tuần trước, chúng ta có đề cập đến một điều tệ hại đến từ lưỡi là lời nói thiếu thành thật, khiến các mối quan hệ bị gãy đổ, gây nên một xã hội rối loạn, đầy nghi ngờ và cần phải luôn luôn đề cao cảnh giác để khỏi bị sụp bẫy vì các lời lường gạt.

                   Bên cạnh lời nói dối gian, lưỡi có thể gieo lời nói xấu, những lời vu cáo, gây chia rẽ trong gia đình, trong vòng bè bạn, giữa những người thân, hay trong một tổ chức. Kinh Thánh mô tả những người có thói quen dùng lời nói để chia rẽ, gây mối bất hòa như sau:

                   “Đây tên gian ác, đây đứa xấu xa, nó tới lui, miệng buông lời dối trá. Nó toan tính trong lòng mọi chước độc mưu thâm, lúc nào cũng gieo bất hòa, xung khắc. Thế nên tai họa sẽ giáng xuống nó thình lình, bất ngờ nó bị suy sụp, vô phương cứu chữa”(Châm Ngôn 6:12,14,15)

                   Tại sao Kinh Thánh lên án rằng “người buông lời dối trá, gieo bất hòa, xung khắc, thì tai họa sẽ giáng xuống nó thình lình”?

                   Vì người có thói quen nói xấu, dùng lời để vu cáo người khác, đem đến mối bất hòa hay xung khắc giữa con người với nhau, là người đó đang làm một việc đi ngược lại với tất cả mong muốn và toàn bộ chương trình hành động của Đấng Tạo Hóa.

                   Thật vậy, tội lỗi đã chia cách loài người và Thiên Chúa. Để đem con người trở lại với Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa Ngôi Hai, cách đây hơn 2000 năm, đã phải giáng trần làm người trong con người mang tên Giê-xu. Chúa Cứu Thế Giê-xu, với đời sống nhân lành và vô tội, nhưng phải chịu hy sinh, bị người ta đóng đinh cho đến chết trên cây thập tự, để lãnh thế món nợ tội cho nhân loại, để chết thay cho muôn người, trong đó có bạn và tôi.

                   Hễ bất kỳ ai nhận ra mình có tội với Trời, với người và bằng lòng ăn năn tội, mở tấm lòng tin nhận vào sự chết thế của Con Trời, thì được Thiên Chúa xóa bôi mọi vi phạm. Người tin vào sự chết thế của Cứu Chúa Giê-xu trên cây thập tự, được Thiên Chúa xem là vô tội, được tha khỏi sự chết đời đời, được khôi phục lại địa vị làm con của Đấng Tối Cao và nhận được mối liên hệ hòa thuận với Đấng đã tạo dựng ra mình.

                   Vì Thiên Chúa là Đấng giải hòa, Đấng đã hy sinh chính mạng sống của Con Một của Ngài cho sứ mạng giải hòa cao quý đó, cho nên Ngài sẽ không xem nhẹ cho bất cứ ai dùng lời nói để vu oan, để bôi nhọ người khác, gieo rắc sự nghi ngờ, đem lại mối bất hòa hay gây xung khắc chia rẽ giữa những con người với nhau.

                   Chính Chúa Cứu Thế Giê-xu đã phải gánh chịu đau thương, bị sĩ nhục, bị đánh đập, bị đòn roi và bị đổ huyết cho đến hơi thở cuối cùng trên cây thập tự, để kéo mọi người lại với Thiên Chúa và kéo mọi người lại với nhau, cho nên Đấng Tạo Hóa sẽ không xem nhẹ bất kỳ lời nói nào đầy gian dối gây chia rẽ, như Ngài đã long trọng tuyên bố thành Điều Răn Thứ Chín trong Mười Điều Răn như sau: “Ngươi không được làm chứng gian hại người.” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:16)

                   Kính thưa quý thính giả,

                   Một tội lỗi khác rất phổ biến, xuất phát từ cái lưỡi là tật hay ngồi lê đôi mách, moi móc đời tư của người khác, kể lại cho nhau nghe những chi tiết rất riêng tư và rất cá nhân của những người không có mặt. Như đã nói vừa rồi, lưỡi là nơi sản xuất nhiều vi phạm nhất, nhiều tội lỗi nhất nhưng thật lạ thay, đại đa số chúng ta xem thường những tội lỗi gây ra từ lời ăn tiếng nói mỗi ngày, đặc biệt là chúng ta xem thường những hậu quả của thói ngồi lê đôi mách.

                   Không những xem thường, mà thậm chí người ta còn thích tìm đến nhau, cố tình gặp mặt nhau để được ngồi lê đôi mách, để được “bật mí” những bí mật mình vừa khám phá hay để được vểnh tai lên, đón nhận những chi tiết ly kỳ về người khác do người nọ, người kia xầm xì thuật lại. Cái thú “nói chuyện phiếm”, kể chuyện “tạp lục” thường trở thành những đề mục hấp dẫn, được báo chí, tạp chí, các đài truyền thanh, truyền hình và mạng lưới internet đang khai thác tối đa. Những tờ báo, những tạp chí muốn bán chạy, muốn thu hút số độc giả đông đúc, thường săn tìm để đăng những chuyện đời tư lem nhem của cô minh tinh này, chuyện giật gân của ông tỷ phú kia, chuyện riêng tư của chàng tài tử nọ, hay các loại chuyện tạp nham như vậy.

                   Socrates là một triết gia Hy Lạp rất nổi tiếng. Một ngày kia, có một người tìm đến ông, trong khuôn mặt và giọng nói không dấu được vẻ thích thú và hồi hộp, để báo tin cho Socrates như sau:

                   “Thưa ngài Socrates, ngài có biết tôi đã được nghe người ta nói gì về một người học trò của ngài không?

                   Đợi cho người đó bình tĩnh một chút, Socrates trả lời người đó rằng:

                   “Trước khi anh kể cho tôi nghe những điều mà anh biết, tôi yêu cầu anh phải đậu cuộc trắc nghiệm của tôi. Cuộc trắc nghiệm này có tên là “Ba Bước Sàng Lọc”.

                   Người kia hỏi lại với vẻ ngạc nhiên “Ba Bước Sàng Lọc?”

                   Socrates đáp lại:

                   “Đúng vậy. Trước khi anh kể về người học trò của tôi, mời anh dành một vài phút để sàng lọc những gì anh sắp nói. Bước sàng lọc đầu tiên là Sự Thật. Anh có dám quả quyết một trăm phần trăm những gì anh sắp nói ra đây là hoàn toàn có thật hay không?”

                   Người kia bắt đầu ấp úng:

                   “Dạ, tôi không dám quả quyết, bởi vì tôi chỉ nghe người khác nói mà thôi”

                   Socrates đỡ lời:

                   “Thôi được. Anh không thực sự biết là điều mình sắp nói ra có thật hay không thật. Bây giờ mời anh bước qua bước sàng lọc thứ nhì, có cái tên là Tốt Lành. Những gì anh sắp nói ra về người học trò của tôi phải là những điều tốt lành không?”

                   Người kia trả lời:

                   “Thưa ngài, không, mà còn ngược lại nữa”.

                   Socrates nói tiếp theo:

                   “Như vậy là anh muốn kể cho tôi nghe những điều tệ hại về người học trò của tôi, trong khi chính anh cũng không biết chắc những điều đó có thật hay không?”

                   Đến đây, người kia tỏ vẻ ngượng ngùng.

                   Socrates tiếp tục nói:

                   “Không sao, vì anh vẫn có thể đậu cuộc trắc nghiệm của tôi, bởi vì còn một bước sàng lọc thứ ba, được gọi là Ích Lợi. Những gì mà anh sắp kể về người học trò của tôi có mang lợi ích gì cho tôi không?

                   Người kia trả lời:

                   “Không có ích lợi gì cả”

                   Đến đây, Socrates kết luận:

                   “Như vậy, những gì anh muốn kể cho tôi nghe thì cũng không có thật, cũng không tốt lành mà cũng chẳng ích lợi gì. Như vậy, thì tại sao anh lại muốn kể ra cho tôi nghe?”

                   Khi nghe Socrates nói đến đây, người kia im lặng và bỏ đi.

                   Quý thính giả thân mến,

                   Người có tật “ngồi lê đôi mách”, là người có thói quen rêu rao những tin đồn, tin hành lang, tin truyền miệng, tin thất thiệt hoặc đôi khi cũng có một vài tin đúng với sự thật, về đời sống rất riêng tư và rất cá nhân của một số người không có mặt trong buổi nói chuyện ngồi lê đôi mách hôm đó.

                   Có một số người biện hộ rằng, họ không ngồi lê đôi mách, cũng không nói chuyện tầm phào, cũng chẳng phao tin đồn nhảm, vì những gì họ kể cho nhau nghe là sự thật trăm phần trăm. Thực ra, những người này đang lừa dối chính mình, vì khi một người nào, đang kể ra cho những người khác nghe về những tình tiết cá nhân của một người đang vắng mặt, dầu cho những tình tiết này có thật hay không thật, thì người đó đang thực hiện cái việc “ngồi lê đôi mách” rồi. Nếu một người kể ra những điều không có dính líu gì đến chính mình, cũng chẳng đem lại cách giải quyết vấn đề thiết thực nào, nhưng lại khơi chuyện riêng tư thầm kín của người vắng mặt, thì người đó đang “gossip”, hay đang “thèo lẻo” hay đang “nhiều chuyện”.

                   Những người ngồi lê đôi mách hiếm khi nào nói ra những gì tốt đẹp, nhưng thường đem ra những chi tiết cá nhân không được tốt lắm của người khác, rồi thêm mắm thêm muối vào cho thật ly kỳ, kể ra với giọng điệu thật mời mọc, thậm chí với giọng điệu cảm thông tội nghiệp cho người vắng mặt, để gợi lên trí tò mò, cuốn hút người nghe. Người ngồi lê đôi mách thường nói xấu sau lưng người khác, để tự nâng mình lên là người tốt. Người hay mách lẻo thường rêu rao về nỗi bất hạnh sau lưng người khác, để khoe mình là may mắn hơn nhiều người. Người hay lắm chuyện thích nhắc về những sai lầm sau lưng người vắng mặt, để kéo vây kéo cánh nhiều người nghe hùa về với mình. Do vậy mà việc ngồi lê đôi mách đã trở nên cái thú, rất dễ bị ghiền, đem nhiều thú vị bất ngờ lắm, cho người kể lẫn người nghe, như Châm Ngôn 18:8 trong Kinh Thánh có diễn tả: “Lời mách lẻo như cao lương mỹ vị, thấu vào lòng đến tận ruột gan”

                   Bạn và tôi không nên giao du với những người có thói “ngồi lê đôi mách”, vì chắc chắn rằng, không sớm thì muộn, trong một lúc nào đó, khi bạn và tôi vắng mặt, cuộc đời riêng tư cùng những chi tiết cá nhân của bạn và tôi sẽ được phanh phui, sẽ trở nên những “đồ ăn ngon miệng” trong những buổi hội họp của những người “lắm chuyện”, như sách Châm Ngôn 20:19 trong Kinh Thánh có nhắc nhở: “Kẻ ngồi lê đôi mách hay tiết lộ bí mật, vậy chớ giao du với kẻ hở môi”.

                   Lời nói hành, gièm chê xầm xì trong các buổi họp của những người ngồi lê đôi mách có thể tàn phá danh dự, hủy hoại uy tín, đánh đổ cơ hội, cướp mất tương lai tốt đẹp của một người, như Châm Ngôn 11:9 có cảnh báo: “Kẻ vô đạo dùng môi miệng hủy diệt người láng giềng mình”

                   Lời nói xấu sau lưng gieo sự bất hòa và nghi ngờ giữa người con người với nhau, như Châm Ngôn 16:28 có ghi: “Kẻ gian tà gieo điều tranh chấp; người nói xấu phân rẽ bạn thân”.

                   Do vậy, Đấng Tạo Hóa xem tật ngồi lê đôi mách, dùng lời nói xấu để gây chia rẽ, để hủy hoại thanh danh của một người, cũng ngang hàng với tội giết người, như sứ đồ Phao-lô có bày tỏ: “mọi thứ bất chính, xấu xa, tham lam, gian ác, đầy lòng ganh ghét, sát nhân, tranh cãi, man trá, hiểm độc, nói hành, gièm chê, thù ghét, xấc xược, kiêu căng, khoác lác, khéo bày việc ác, không vâng phục cha mẹ, u mê, thất tín, vô tâm, bất nhân… những kẻ nào làm những điều như thế thì đáng chết” (Rô-ma 1:29-31)

                   Chính vì nhận ra tội ác ghê gớm trong việc ngồi lê đôi mách hay mách lẻo lắm chuyện sau lưng người khác, cho nên vua Đa-vít đã khẩn thiết dâng lời hứa nguyện với Đấng Tạo Hóa, được ghi trong Thi Thiên 39:1 rằng:

                   “Tôi nói: tôi sẽ gìn giữ đường lối tôi, để miệng lưỡi tôi không phạm tội. Bao lâu kẻ ác còn ở trước mặt, tôi sẽ dùng khớp gìn giữ miệng mình”.

                   Bạn và tôi sẽ không bao giờ hối hận, để học cách bịt tai mình trước những câu chuyện ngồi lê đôi mách, đâm thọc sau lưng người khác.

                   Bạn và tôi sẽ không bao giờ nuối tiếc, để giữ gìn môi miệng, học nói lời lành và chân thật.

                   Vì những gì chúng ta nói, nếu không thận trọng, không những gây tai họa cho cuộc đời trước mặt, nhưng cũng cả đến số phận đời đời nữa, như Đấng Tạo Hóa đã tuyên bố:

                   “Nhưng Ta bảo các ngươi: Vào ngày phán xét mỗi người sẽ phải khai trình mọi lời nhảm nhí mình đã nói ra. Vì do lời nói, các người được tuyên xưng là công chính và cũng do lời nói, các người bị hình phạt.”

                   Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn