09:13 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 30

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 29


Hôm nayHôm nay : 7923

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12998

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23022031

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Cái Nhìn Hy Vọng

Thứ hai - 08/10/2018 20:03
Cái Nhìn Hy Vọng

Cái Nhìn Hy Vọng

Kính thưa quý thính giả, Georges Sada là một công dân Iraq, xuất thân là một phi công chiến đấu xuất sắc, rồi được giao cho trọng trách chỉ huy phó của không lực Iraq và cũng từng được Saddam Hussein mời làm cố vấn quân sự.



                 Kính thưa quý thính giả,

                 Georges Sada là một công dân Iraq, xuất thân là một phi công chiến đấu xuất sắc, rồi được giao cho trọng trách chỉ huy phó của không lực Iraq và cũng từng được Saddam Hussein mời làm cố vấn quân sự. Tướng Georges Sada không có nhiều tham vọng chính trị, nhưng sở dĩ được Saddam Hussein đặt vào các chức vụ quan trọng, chỉ vì thiên tài quân sự hiếm có của ông, nhất là trong lãnh vực không chiến.

                 Thực ra, tướng Georges Sada là một Cơ-Đốc nhân, nhưng sống trong một quốc gia Hồi giáo cực đoan, lại phải phục vụ cho chế độ độc tài của Saddam Hussein, đã khiến ông phải ở tù và nhiều lần suýt mất mạng, khi ông có lần can đảm đưa ra lý do để cản trở dự định oanh tạc và thả bom hóa học xuống Do-thái, cũng như bất tuân lệnh cấp trên, không thủ tiêu các tù nhân chiến tranh.

                 Sau khi chế độ độc tài Saddam Hussein tan rã vào năm 2003, tướng Georges Sada được cử làm cố vấn cao cấp cho tân tổng thống Iraq, góp phần kiến tạo lại nền an ninh và đem lại sự phục hồi kinh tế cho đất nước này.

                 Năm 2006, tướng Georges Sada cho xuất bản quyển sách “Saddam’s Secrets” của mình, trong đó ông ký thuật lại như một người trong cuộc, được mắt thấy tai nghe về những mưu đồ chính trị và những kế hoạch quân sự bí mật của nhà độc tài Saddam Hussein.

                 Sau đó, cơ quan truyền thông Fox News đã mời ông qua Anh quốc và Hoa Kỳ để phỏng vấn. Bất chấp tướng Georges Sada nhiều lần đã xác định rằng Saddam Hussein đã từng sản xuất WMD, viết tắt của chữ “Weapon of Mass Destruction”, hay các “vũ khí hủy diệt hàng loạt” và các vũ khí này đã được ngầm tẩu tán qua biên giới Syria trước khi quân đội đồng minh Anh Mỹ giải giáp Iraq, nhưng Fox News quyết định không đăng tải hay loan báo gì về chi tiết quan trọng này. Vì vào thời điểm đó, hàng loạt các hệ thống báo chí truyền thanh truyền hình tại Anh quốc và Hoa Kỳ đang mở chiến dịch tuyên truyền lên án cuộc chiến tranh Iraq là phi lý, nhằm triệt hạ uy tín của thủ tướng Tony Blair và tổng thống George Bush.

                 Quý thính giả thân mến,

                 Đây chỉ là một ví dụ điển hình của về tình trạng đưa tin thiếu trung thực khá phổ biến của giới truyền thông ngày nay. Tin tức được đưa ra theo một chiều hướng nào đó, để phục vụ cho quan điểm chính trị của giới chủ nhân truyền thông. Có những sự thật hoặc bị giấu nhẹm hoàn toàn, hoặc “có ít xít ra nhiều”. Khi xem báo hay nghe tin tức mỗi ngày, chúng ta có thực sự đang đón nhận sự thật hay đang bị bắt buộc phải nhìn sự việc qua “lăng kiến” của người khác?

                 Mà cho dù giới truyền thông có thiện chí đưa tin trung thực, thì họ cũng đặt ưu tiên để đăng những “tin giật gân”, những việc “bất ngờ”, những “chuyện động trời”, những tin dữ, những tin xấu; vì đó là một mục tiêu của mục “tin tức”, không chỉ thuần túy đưa tin, nhưng còn để thỏa mãn thị hiếu tò mò của dân chúng, để đánh trúng vào tâm lý “sợ hãi” của nhiều người, để thu hút đông đảo độc giả nhằm tăng lợi nhuận. Tin tức sẽ chẳng có gì hấp dẫn cả, nếu chỉ đăng tin vợ chồng thương yêu chung thủy với nhau, con cái hiếu thảo với cha mẹ, xã hội an ninh và đạo đức đang tốt đẹp.

                 Do vậy, nếu bạn và tôi chỉ nghe hay xem tin tức, tin tưởng mọi điều mình nghe thấy từ các phương tiện truyền thông mỗi ngày, rất có thể chúng ta đang tự vẽ ra trong trí của mình một tương lai xám xịt. Thay vì trông đợi một điều gì tốt đẹp sáng lạn cho những ngày sắp tới, những tin xấu liên tục hay những tin đã bị bóp méo đầy lệch lạc sẽ giết chết niềm hy vọng trong mỗi chúng ta và cuối cùng thực sự sẽ đưa dẫn bạn và tôi đến một tương lai yếu ớt buồn thảm.

                 Thiên Chúa ban cho quý vị và tôi phần tâm linh quý giá và phần tâm linh đó cần đón nhận những thức ăn bổ dưỡng và phù hợp mỗi ngày; tâm trí của bạn và tôi cần suy nghĩ và hướng đến những điều tốt đẹp thường xuyên, để nuôi sống niềm hy vọng, như sứ đồ Phao-lô có hướng dẫn “Thưa anh chị em, bất cứ điều gì chân thật, điều gì đáng kính, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì cao quý; nếu có đức hạnh nào, nếu có điều gì đáng khen, anh chị em hãy suy nghĩ đến”(Phi-líp 4:8)

                 Kính thưa quý thính giả,

                 Bạn và tôi cần phải cẩn thận về những gì mình nghe và thấy mỗi ngày. Nghe riết những tin “giật gân”, những chuyện “động trời”, những tin xấu, những tin “méo mó” thường xuyên, bạn khó mà giữ được thái độ trung hòa, nhưng rất dễ rơi vào tình huống nản chí hay tuyệt vọng.

                 Điều này không có nghĩa là bạn và tôi phải hoàn toàn chấm dứt chuyện nghe hay xem tin tức mỗi ngày; cũng không có nghĩa là chúng ta phải “bịt tai che mắt” trước sự thật hay quay mặt ra khỏi thực tế đầy khó khăn thử thách trong cuộc sống.

                 Điều này chỉ có nghĩa là chúng ta phải cẩn thận chọn lựa những gì mình cần phải nghe, cũng như rèn tập để nhìn trực diện vào thực tế chung quanh với cái nhìn tràn đầy hy vọng.

                 Kinh Thánh ký thuật lại, sau khoảng 400 năm trong cảnh nô lệ khổ nhục tại Ai-cập, Thiên Chúa đã dấy lên Môi-se làm người lãnh đạo để giải thoát khoảng hai triệu người Do-thái là tuyển dân của Ngài và dẫn đưa họ về Miền Đất Hứa đượm sữa và mật. Sau hai năm đi qua sa mạc, dân Do-thái đã đến và dựng trại tại Ca-đê Ba-nê-a, cách biên giới của Miền Đất Hứa chỉ khoảng 40 dậm. Tại đây, Môi-se đã sai phái mười hai người thám tử, đi vào vùng đất hứa Ca-na-an để dọ thám và xem thử địa thế ra sao, dân tình thế nào, đông hay thưa, mạnh hay yếu, đất tốt hay xấu, thành thị có hào lũy kiên cố hay chỉ là lều trại đơn sơ, đất đai màu mỡ hay nghèo nàn, có nhiều cây cối hay tiêu điều.

                 Sau bốn mươi ngày dọ thám, các thám tử trở lại với chùm nho sai trái nặng trĩu, phải hai người lấy sào khiêng mới nổi; đúng là một xứ “đượm sữa và mật” như Thiên Chúa đã hứa.

                 Mười thám tử đầu tiên báo cáo: “Cư dân xứ này thật mạnh mẽ; các thành họ rất lớn và có lũy bao bọc... Chúng ta không thể nào tiến công dân xứ đó vì họ mạnh hơn chúng ta... Tất cả những người chúng tôi thấy đều thuộc hạng khổng lồ... Chúng tôi thấy mình bé nhỏ như cào cào” (Dân Số Ký 13:28,31,33)

                 Nghe đến đây, không biết quý vị và các bạn có cảm tưởng như đang nghe những tin tức buồn thảm thường được rêu rao trên ti-vi hay radio mỗi ngày hay không?

                 Trong khi dân Do-thái vô cùng hoang mang, lớn tiếng khóc than trước “hung tin” đó, thì hai thám tử còn lại, là Giô-suê và Ca-lép, lại vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác, như hai người có báo cáo: “Chúng ta phải đi lên chiếm hữu đất đai này, chắc chắn chúng ta có thể thắng họ... Đất đai chúng tôi đi trinh sát thật quá tốt. Nếu Chúa đẹp lòng chúng ta, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta vào xứ ấy, là nơi đất đai đầy tràn sữa và mật, Ngài sẽ ban xứ ấy cho chúng ta” (Dân Số Ký 13:30, 14:7,8)

                 Cùng dọ thám một vùng đất như nhau, cùng nhìn về một thực tế như nhau, nhưng mười thám tử kia chỉ “thấy mình bé nhỏ như cào cào”, trong khi Giô-suê và Ca-lép thì nhìn thấy quyền năng siêu việt và tình yêu bao la của Thiên Chúa, là Đấng đã giải cứu dân tộc họ ra khỏi cảnh nô lệ đọa đầy tại Ai-cập, là Đấng đã rẻ Biển Đỏ cho họ đi qua và sau đó lấp biển lại để chôn vùi đạo quân Ai-cập đang truy đuổi theo sau, là Đấng ban cho họ bánh ma-na từ trời mỗi ngày và khiến nước tuôn ra từ những tảng đá trong nơi sa mạc nóng bỏng, nên cả hai đã quả quyết trong niềm hy vọng rằng: “Nếu Chúa đẹp lòng chúng ta, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta vào xứ ấy”.

                 Kinh Thánh cho biết mười thám tử bất tin đã bị phạt chết vì những lời nói xúi dục mọi người nổi loạn, cũng như dân Do-thái phải đi tiếp trong sa mạc trong bốn mươi năm, rồi sau đó Thiên Chúa chỉ cho phép con cháu của họ được đi vào và tiến chiếm Miền Đất Hứa dưới sự lãnh đạo của Giô-suê đầy dũng cảm và biết tin cậy nơi Ngài.

                 Niềm tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa khiến Ngài đẹp lòng, như Kinh Thánh có khẳng định: “Không có đức tin thì không thể nào sống đẹp lòng Đức Chúa Trời" (Hê-bơ-rơ 11:6).

                 Niềm tin làm nảy sinh ra ánh sáng hy vọng, như Kinh Thánh có chép: “Đức tin là bảo đảm chắc chắn cho những gì chúng ta hy vọng, là bằng chứng cho những gì chúng ta không trông thấy” (Hê-bơ-rơ 11:1).

                 Quý thính giả thân mến,

                 Những triết lý và tôn giáo nhân tạo cũng nguy hiểm cho niềm hy vọng của bạn và tôi, không thua gì khi chúng ta phải nghe những tin tức xấu xí méo mó thường xuyên.

                 Có tôn giáo bắt đầu bằng một định đề buồn thảm rằng “đời là bể khổ”, là mãi trói buộc trong vòng “sinh lão bệnh tử” và nơi để giải thoát mọi khổ đau là một nơi tuyệt đối chẳng còn gì nữa, không có đau khổ, mà cũng chẳng có niềm vui, chẳng có sự sống, chẳng có ý thức về sự tồn tại nữa. Thật là một lý thuyết đầy tuyệt vọng.

                 Có tôn giáo hướng dẫn tín đồ vào nơi sung sướng vĩnh cửu qua con đường ôm bom tự sát để tàn sát những người không cùng tôn giáo với mình. Chẳng có một ánh sáng hy vọng nào trong cái lý thuyết cực đoan này.

                 Có tôn giáo giải thích những khổ đau chồng chất trong cuộc sống hiện tại của một người là kết quả của những việc làm xấu trong tiền kiếp và người đó chẳng có thể làm gì được để thay đổi cái kiếp hiện tại; hay nói một cách khác, người đó xứng đáng nhận lãnh những khổ đau của cuộc đời này. Thật chẳng có lý thuyết nào chán chường thảm sầu hơn thế.

                 Kinh Thánh là lời của Đấng Tạo Hóa, khẳng định mỗi chúng ta là một tạo vật dấu yêu của Ngài, được dựng nên theo như ảnh tượng của chính Ngài và mối liên hệ của bạn với Ngài là mối liên hệ giữa Cha và con.

                 Tội lỗi đã chia cắt chúng ta với Ngài, đem đến bao hệ quả đau thương trong cuộc đời trước mặt, cũng như dẫn đến sự đoán phạt đời đời trong tương lai.

                 Cảm thương tình trạng tuyệt vọng đó, cách đây hơn hai ngàn năm, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài giáng thế làm người trong một con người mang tên Giê-xu.

                 Chúa Cứu Thế Giê-xu đã giáng trần, để rồi tự nguyện bị chết treo trên cây thập tự, để lãnh bản nợ tội thế và chết thay cho mỗi chúng ta, để khi bạn và tôi chỉ đơn sơ tin vào tình thương và sự chết thế đó của Con Trời, thì được Đấng Tạo Hóa xem như là vô tội, không còn bị đoán phạt nữa, nhưng được phục hồi mối liên hệ Cha con với Ngài, bắt đầu nếm trải kinh nghiệm phước hạnh của thiên đàng ngay trong hiện tại cho đến cõi đời đời.

                 Hãy tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu để có cái nhìn tràn đầy hy vọng cho cuộc đời này và cho mai sau.

                 Hãy cứ nhìn thẳng vào thực trạng trước mắt, nhưng cũng đừng quên nhìn lên cây thập tự, nơi Đấng Tối Cao đã bày tỏ tình yêu vô điều kiện, khi Ngài bằng lòng hy sinh Con Một yêu dấu của Ngài để cứu chuộc bạn và tôi.

                 Khi đó, bạn sẽ nhìn thấy xa hơn thực trạng trước mắt, nhận ra trước tương lai sáng sủa ngập tràn hy vọng đang chờ đón, như lời Kinh Thánh có tuyên bố “Nếu Đức Chúa Trời đứng với chúng ta thì còn ai chống nghịch được chúng ta? Đấng thật đã không tiếc chính Con Ngài nhưng đã phó Con ấy vì tất cả chúng ta thì làm sao mà Ngài chẳng ban mọi sự luôn với Con đó cho chúng ta?” (Rô-ma 8:31-32).

                 Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn